6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Tổ chức cốt truyện: truyện lồng trong truyện
Với quan niệm tiểu thuyết như một “trò chơi”, đề cao tính dân chủ của tiểu thuyết, các nhà văn thường hé lộ công việc sáng tác của mình bằng hình thức cốt truyện theo kiểu truyện lồng trong truyện, tiểu thuyết trong tiểu thuyết, ở đó bản thảo của một nhân vật được lồng trong tác phẩm chính. Lối sáng tác hậu hiện đại “cắt dán” nhiều loại văn bản trong một cuốn sách, đan xen nhiều chuyện trong một câu chuyện, có tác dụng mở rộng không gian nghệ thuật cho tác phẩm, nới rộng các chiều kích hiện thực, đồng thời phản ánh quan niệm về một thế giới không dễ lý giải. Trong văn chương đương đại Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm xây dựng cốt truyện theo dạng này như Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Phố Tàu (Thuận),
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)…Tiêu biểu là tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà. Tác phẩm là những câu chuyện trong nhiều câu chuyện của nhà văn trẻ, vật vã với các nhân vật nửa thực- đang sống chung với mình và nửa không thật- ấy là các nhân vật của cuốn tiểu thuyết mà nhà văn trẻ đang viết. Vì thế Khải huyền muộn tồn tại hình thức nhà văn kể về nhà văn và nhân vật, tiểu thuyết kể về việc viết tiểu thuyết, nhân vật kể về chính mình. Với Nguyễn Đình Tú, anh cũng được coi là nhà văn sử dụng thành công kiểu tổ chức truyện lồng trong truyện.
Kiểu tổ chức truyện lồng trong truyện được thể hiện tiêu biểu qua các tiểu thuyết Bên dòng Sầu diện, Nháp, Kín. Trong Bên dòng Sầu Diện, kết câu đa âm, lồng ghép giữa các tuyến truyện được thể hiện rõ nét. Qua cuộc đời Minh Việt người đọc được biết thêm cuộc đời của cha anh- nhân vật Nguyên Bình trong chiến đấu và khi trở về cuộc sống với đời thường, song hành cùng tuyến truyện chính còn là câu chuyện về mẹ Mến người phụ nữ hiền lành, cam chịu, biết hy sinh để bảo vệ danh dự cho chồng; số phận bất hạnh của bé Ly nạn nhân chất độc màu da cam. Chỉ một câu chuyện chính tác giả đã xen vào đó thân phận của biết bao con người phải hứng chịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Với sự đan xen tuyến chính- phụ đó làm cho cốt truyện trở nên phong phú và tạo nhiều chi tiết cụ thể để minh chứng cho hiện thực khốc liệt mà một thời cả dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng trong những năm dài chiến đấu nên dù cuộc chiến đã lùi về quá khứ nhưng mãi là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với con người hiện tại và tương lai. Vì vậy, đồng hiện chiến tranh với sự pha trộn của nhiều tuyến truyện sẽ là cách tốt nhất để nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay hiểu hơn về những mất mát, hy sinh mà thế hệ cha ông đã phải gánh chịu trong cuộc chiến để từ đó họ biết tin yêu và giữ gìn nền hòa bình mà mình đang có. Bên cạnh đó, với Bên dòng Sầu Diện, chúng ta còn thấy cách tổ chức truyện lồng trong truyện khác. Ở cuối tác phẩm, nhà văn viết trọn truyện ngắn
Kịch chiến Đầm Gâu của nhân vật bé Ly mà nếu được đặt độc lập Kịch chiến Đầm Gâu có thể trở thành truyện ngắn hoàn chỉnh. Như vậy, trong Bên dòng Sầu Diện còn có hình thức truyện ngắn nằm trong tiểu thuyết, đây có thể là sự kết hợp mới mẻ trong văn học đương đại Việt Nam.
Đối với Nháp nếu tách rời tác phẩm có thể thành hai tiểu thuyết. Với cuộc đời của Thạch và Đại cũng đủ để tác giả xây dựng thành hai cuốn tiểu thuyết độc lập với nội dung phản ánh khác nhau và đặc biệt là người đọc cũng hiểu được ý nghĩa của hai chuyện đó. Dường như, Nguyễn Đình Tú đã hòa trộn hai tiểu thuyết nhỏ trong một tiểu thuyết lớn. Nhưng nếu chia tách như vậy tác phẩm sẽ phải dụng công xây dựng các tình tiết rõ nét hơn, chẳng hạn tuyến truyện về Thạch, Thạch sẽ
chịu đựng nổi cú sốc đó không? Và Yến có quay trở về tìm anh….Còn tuyến truyện về Đại, sau khi trở về Đại có cưới Duyên? Anh sẽ có công việc ổn định trong tòa báo? Trí có quay lại trả thù Đại?. Trong hai tuyến truyện này có mối liên hệ mật thiết với nhau và nhiều lúc khiến người đọc nhầm tưởng hai nhân vật Thạch và Đại như có một sự thay thế, hoán đổi vị trí cho nhau nhưng mỗi người lại có những mảnh đời và xuất thân khác biệt nên dù tác giả có tách thành hai truyện độc lập thì cũng không có quá nhiều xáo trộn về sự kiện. Nhưng sự gắn kết và lồng ghép này sẽ làm tuyến truyện thêm chặt chẽ và logic theo đúng trật tự tình huống cốt truyện nhằm gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa của thế hệ trẻ trước sự thay đổi các giá trị văn hóa trong thời đại mới.
Đến tiểu thuyết Kín cách tổ chức cốt truyện lại mang một diện mạo khác. Nếu như trong Bên dòng Sầu Diện, Nháp…các tuyến truyện lồng trong truyện này ít nhiều có mối quan hệ móc nối nhau thì ở Kín là sự pha trộn hai câu chuyện không chút liên quan. Đó là câu chuyện về cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy lồng câu chuyện chính về nhân vật Quỳnh. Tác giả đã sử dụng kỹ thuật dòng ý thức mượn hình ảnh của người mẹ đã mất hiện về trong giấc mơ của Quỳnh và kể lại câu chuyện về cuộc khởi nghĩa nhưng hầu như câu chuyện này không có tác động, ảnh hưởng gì đến cuộc đời cô. Nếu như câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng, ý chí quật khởi của nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XIX chống lại quân xâm lược Pháp thì câu chuyện về cuộc đời Quỳnh lại là sự tha hóa của một thế hệ trẻ hoang hoải, lạc loài, mất niềm tin vào cuộc sống. Thế hệ đó được thừa hưởng và tiếp thu những truyền thống quý báu của dân tộc nhưng họ luôn lạc bước trong quá trình xây dựng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp đó. Sự kết hợp, lồng ghép giữa hai tuyến truyện tưởng chừng như không liên quan gì đó lại chính là chỗ để tác giả ngầm thể hiện một dụng ý: lịch sử mãi là dòng chảy bất tận thấm sâu vào tâm hồn dân tộc nhưng sẽ là vô nghĩa nếu như chúng ta thờ ơ, không có cách giáo dục đúng đắn để thế hệ trẻ hiểu rõ về ý nghĩa và giá trị của lịch sử, không khơi gợi được niềm tự hào, tự tôn dân tộc thì thế hệ trẻ sẽ mãi sa ngã, đứt
chân với các giá trị truyền thống, tâm lý hoang hoải, lạc loài, hoài nghi, vỡ mộng xuất hiện như là một hệ quả tất yếu.
Có lẽ, trong Phiên bản, cách tổ chức cốt truyện theo mô hình hai thế giới lồng ghép một cách độc đáo: tuyến truyện nhỏ là hồi ức của nhân vật Diệu nằm trong tuyến truyện lớn. Nếu như tuyến truyện kể về cuộc sống trong thế giới ngầm với những kiếp người bụi đời như Mỹ “chột”, Châu “điên”, Cộc “ba tai”, Tính “dao mổ”…, trong đó Diệu là trung tâm thì cốt truyện lại triển khai theo hướng có một “mạch ngầm” nằm trong mạch truyện chính, đó là những hồi ức giống như dòng ý thức của Diệu đối với Nhân- mối tình thầm kín, ngây thơ của tuổi học trò. Tuyến truyện ấy cứ song hành cùng tuyến truyện chính mà Diệu vẫn là trung tâm, nhưng thực chất mối quan hệ giữa hai tuyến truyện đó cũng không có nhiều liên quan, tuy nhiên hình ảnh của Nhân luôn hằn sâu trong trí nhớ của Diệu, giúp cô có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, bản tính lương thiện của Diệu ngày nào vẫn luôn le lói trong những năm tháng tối tăm nhất của kiếp sống giang hồ.
Cùng với cách tổ chức cốt truyện theo mạch ngầm, tổ chức cốt truyện đa chiều, phân mảnh thì tổ chức truyện lồng trong truyện cùng với các thủ pháp nghệ thuật khác cũng ít nhiều thể hiện sự dụng công tìm tòi hình thức cốt truyện mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Đình Tú trong quá trình làm mới tiểu thuyết. Tuy các cách tổ chức cốt truyện này không phải nhà văn là người đầu tiên khai phá, song anh cũng đem đến những mới mẻ, độc đáo nhất định, góp phần đóng góp vào quá trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại, đưa tiểu thuyết Việt Nam gần hơn với trào lưu văn học hậu hiện đại thế giới.