Vị trí vai trò của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích

Một phần của tài liệu Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) (Trang 25)

Đối với một quốc gia nông nghiệp trồng lúa nước như Việt Nam thì trong các phương diện của đời sống hàng ngày, điển hình là trong kiến trúc điêu khắc, mỹ thuật dân gian, hay phong tục và lễ hội đều thể hiện rất rõ tâm thức văn hóa

của dân tộc. Không chỉ có những phương diện đó mà kho tàng văn học dân gian đặc biệt là thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích cũng thể hiện rất rõ điều này.

Thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất trong dòng văn học dân gian, xuất hiện ở buổi bình minh của lịch sử nhân loại, là truyện kể về các vị thần và những điều thần bí, là hình thức nhận thức thế giới đặc trưng của con người thời cổ. Thông qua sự thần thánh hóa và mĩ hóa các hiện tượng tự nhiên và xã hội, con người đã gửi gắm khát vọng giải thích tự nhiên, xã hội và ước mơ chinh phục thế giới đó.

Chẳng hạn như quan niệm về sự sinh sản của con người thời đó được bộc lộ qua môtip sinh đẻ thần kì. Người mẹ nhân vật chính của sự sinh sản này có thể nằm mộng nuốt mặt trăng, được mây lành che, dẫm vào vết chân lạ,… sau đó thụ thai và sinh con. Sự thụ thai như thế hoàn toàn không cần nhờ đến người cha, thể hiện rõ nét cho điều đó ở việc người mẹ kết hôn nhưng không sinh con với chồng mà lại với một đối tượng khác như rắn phủ, giao long quấn, rồng ấp,… Qua những câu chuyện thần thoại kiểu đó đã cho ta thấy sự khát khao của người xưa mong muốn giải thích được nguyên nhân của sự sinh sản, nhưng hiểu biết của họ vẫn rất ngây ngô, chưa đủ khả năng để lí giải được chính xác hiện tượng mà họ cảm thấy mơ hồ.

Khi nhận thức của con người đối với muôn vật ngày càng chính xác và sâu sắc hơn, khi thế giới thần linh mất dần sự linh thiêng đối với con người, khi những yếu tố xã hội và tinh thần thực tế thôi thúc con người khám phá thế giới tự nhiên theo hướng khác, thì thần thoại mất dần chỗ đứng trong đời sống cộng đồng, nhường chỗ cho một thể loại mới xuất hiện và đảm đương những sứ mệnh mới.

Kế thừa nhiệm vụ của thần thoại là truyền thuyết, đó là truyện kể về những nhân vật và sự kiện hư cấu hay xác thực, có liên quan tới lịch sử trọng đại của dân tộc hay giai cấp, qua đó nhân dân thể hiện ý thức và thái độ đối với nhân vật và các sự kiện lịch sử. Đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét về truyền thuyết: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng. Chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích” [11] (Phạm Văn Đồng – Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương – Báo

Nhân dân số ra ngày 29/4/1964).

Như vậy thông qua các câu chuyện của thể loại truyền thuyết, chúng ta có thể thấu hiểu được quan điểm lịch sử, cũng như hình dung được công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, sức mạnh của tình đoàn kết và cảm nhận được vẻ đẹp của trí tuệ, tâm hồn người Việt ở trong đó một cách sâu sắc.

Song hành cùng truyền thuyết là cổ tích, đó là những truyện kể có yếu tố hoang đường kì ảo. Nó ra đời từ sớm nhưng đặc biệt nở rộ trong xã hội có sự phân hóa giai cấp, giàu nghèo, tốt xấu. Qua những số phận khác nhau của nhân vật, truyện trình bày kinh nghiệm sống, quan niệm đạo đức, lí tưởng và ước mơ của nhân dân lao động về một xã hội công bằng, dân chủ và hạnh phúc.

Chúng ta có thể cảm nhận rõ nét nhất khát vọng đổi đời của những con người nhỏ bé, tội nghiệp còng lưng dưới gánh nặng của cuộc sống bần cùng hay quằn quại vì bị áp bức, bóc lột nặng nề trong các truyện như: “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”, “Thạch Sanh”, “Lọ nước thần”, “Sự tích con khỉ”, “Cây tre trăm đốt”,… tình nghĩa vợ chồng chung thủy thể hiện qua truyện: “Núi Vọng Phu”, “Sự tích con Sam”, “Gái ngoan dạy chồng”,… hay tình bạn keo sơn gắn bó cũng được thể hiện khá rõ qua câu chuyện: “Sự tích chim quốc”, “Ba người bạn”,…

Không chỉ tồn tại dưới dạng bản kể mà văn học dân gian nói chung, thần thoại, truyền thuyết và cổ tích nói riêng còn liên quan chặt chẽ với mọi phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Nó gắn bó với tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục tập quán, sinh hoạt lớn nhỏ trong các làng quê Việt Nam xưa cũng như nay.

Chúng ta vẫn thấy người ta cúng thần Đất trước khi động thổ làm một việc gì đó quan trọng hay cúng vua Bếp vào ngày 23 tháng Chạp, khảo cây vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, lập đền thờ thần núi, thần sông,... Các vị thần đó vẫn còn sống cùng chúng ta bởi ta vẫn còn tin có họ, còn mong họ có thể giao cảm và phù trợ cho ta. Đó là gì nếu không phải là những quan niệm thần thoại cổ xưa còn được lưu giữ lại trong quan niệm và tình cảm của con người.

Truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội là những lĩnh vực khác nhau nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ khăng khít với nhau. Truyền thuyết khiến lễ hội có nội dung linh thiêng hơn, còn lễ hội làm cho việc diễn xướng truyền thuyết sinh động hơn, thu hút được sự gắn bó và cộng cảm của tập thể. Lễ hội là nơi di dưỡng truyền thuyết, ngược lại nhờ truyền thuyết mà lễ hội được tiếp thêm sức sống dồi dào. Tất cả tạo nên một diện mạo văn hóa hoàn chỉnh, mang dấu ấn riêng. Có thể thấy rõ điều này qua tục đánh cá và ăn gỏi cá ở Thanh Kiệt, Phú Thọ theo tích Sơn Tinh tiêu diệt quân Thủy Tinh, còn ở Thanh Sơn có trò Bách

nghệ khôi hài được giải thích là để mua vui cho công chúa Ngọc Hoa trên đường về nhà chồng, trò đánh phết ở Tam Nông, Phú Thọ gắn liền với tích Thiều Hoa luyện quân,…

Như vậy có thể thấy rằng, văn học dân gian nói chung, thần thoại, truyền thuyết và cổ tích nói riêng luôn đồng hành, gắn liền với lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc, cùng với các phương diện khác nhau của đời sống xã hội có liên quan, thể hiện rất rõ tâm thức văn hóa của con người và cộng đồng.

* Tiểu kết: Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy rằng văn hóa là một phạm trù rất quan trọng và vô cùng rộng lớn, nó nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía các nhà nghiên cứu ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Cùng với đó, mã văn hóa cũng đã được các học giả, các nhà nghiên cứu chú ý nhiều hơn.

Thông qua các lĩnh vực của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong kho tàng văn học dân gian, tiêu biểu là thần thoại, truyền thuyết và cổ tích, chúng ta có thể cảm nhận được một cách sâu sắc nhất tâm thức văn hóa của dân tộc.

Đặt trong tương quan so sánh giữa quan niệm của các nước về các con số, ta có thể tổng hợp được rất nhiều lớp ý nghĩa ẩn chứa bên trong các con số đó. Giải mã các con số mà cụ thể là con số 3 trong các truyện thuộc ba thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích là cách tiếp cận có hiệu quả để có thể thấu hiểu được quan niệm, tư tưởng cũng như tâm tư, nguyện vọng của người Việt.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w