Có thể nói rằng, thuật phong thủy hình thành từ rất sớm, gần như cùng với sự ra đời của xã hội loài người. Ngay từ thời thượng cổ con người đã chú ý đến ảnh hưởng của hoàn cảnh tự nhiên đối với nơi cư trú của loài người nên đã lựa chọn một cách có chủ đích. Nguyên sơ của phong thủy là những kinh nghiệm về sinh hoạt như: khoét đá, đào hang, làm nhà,... Từ cuộc sống thực tế, phải chống chọi với thú dữ, chống lại sự tấn công của đồng loại, phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người đã biết chọn những vị trí cư trú có núi non che chở bao bọc, lại gần sông ngòi, nguồn nước.
Truyền thống ứng dụng phong thủy của nền văn hiến Việt cũng được nhắc tới từ thời Hùng Vương dựng nước mà con số 3 trong các truyện thuộc thể loại
truyền thuyết đã phản ánh khá rõ nét. Các từ như: “ngã ba sông”, “ba sông”
được nhắc đến rất nhiều trong các truyện như: “Lạc Long Quân – Âu Cơ”, “Thành Phong Châu”, “Tuấn Cương và Quế Hoa đánh giặc nước”, “Lạc Long Quân trừ ngư tinh, hồ tinh, mộc tinh”, “Thổ Linh và Thạch Khanh”,… và “Hùng Vương chọn đất đóng đô” là một trong những truyện tiêu biểu thể hiện loại mã văn hóa này.
Vua Hùng đi khắp nơi để tìm đất đóng đô của nước Văn Lang, nhưng chưa tìm được nơi nào vừa ý. Đi tới một vùng “Trước mặt ba sông tụ hội, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy, phượng bay. Giữa những quả đồi xanh tốt thấy có ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa, bốn mặt cây xanh hoa tươi quả ngọt, vừa trùng điệp, vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen rằng đây thực là đất họp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền có thể dựng nước được muôn đời. Vua Hùng đặt đô ở đó, gọi tên là thành Phong Châu” [46;100].
Qua câu chuyện trên, đã cho chúng ta thấy tâm thức văn hóa cao của người phương Đông. Ở đây ngoài lớp văn hóa cội nguồn về khí thiêng sông núi “Hổ phục rồng chầu”, lại cũng có cả việc suy đoán về “Thuật phong thủy”, “Tụ thủy tụ nhân” của người xưa.
Vậy “ba sông” cho ta cảm nhận được quan niệm về phong thủy của người xưa như thế nào?
Tụ thủy tụ nhân mà hội thủy cũng là hội nhân. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư khác nhau. Truyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ” cho thấy sự tụ họp của hai luồng: mẹ Âu Cơ từ trên núi xuống và cha Lạc Long Quân từ dưới biển lên.
Mặt khác, ở nước ta đồng bằng Bắc Bộ được hình thành chủ yếu theo con đường tam giác châu thổ sông Hồng mà Việt Trì, ngã ba Bạch Hạc là cái đỉnh nón phóng vật đầu tiên của nó. Ngã ba sông Hồng, sông Đuống (cửa Dâu) gần Cổ Loa lại là cái đỉnh thứ hai, còn thị xã Hưng Yên lại là cái đỉnh thứ ba hiện tại
của tam giác châu thổ sông Hồng mà cạnh đáy nằm ở vùng ven biển từ Yên Lập (Quảng Ninh) tới Nho Quan, Rịa (Ninh Bình). Bởi vậy mà nơi này đã thu hút được nhiều cư dân từ miền núi xuống khai phá, mở mang lập nghiệp từ thưở hồng hoang, đồng thời cũng là nơi tụ hội của nhiều luồng cư dân thời cổ đại.
Tam giác châu sông Nhĩ (Nhĩ Hà, tức Hồng Hà) được giới hạn viền bởi dãy núi Tam Đảo ở rìa Đông Bắc và núi Ba Vì cũng là dãy Tản Viên ở rìa phía Tây Nam, hai dãy núi sừng sững uy nghiêm bao bọc.
Theo quan niệm phong thủy thì Đất Tổ với trung tâm điểm Việt Trì ở ngã ba Bạch Hạc ngoảnh mặt ra hướng biển, hậu chẩm xa là dải Hoàng Liên Sơn chất ngất trời Nam, “tay long” là dãy Tam Đảo với dưới chân nó là sông “Cà Lồ”, “Tay hổ” là dãy Tản Viên với dưới chân nó là hai dòng “Sông Tích – Sông Đáy”, trước mặt là sự “tụ thủy’ rồi “tụ nhân” trên đôi bờ Nhĩ thủy với các đầm lớn trũng lầy như: đầm Vạc (Vĩnh Yên), Ao Vua, suối Hai (Sơn Tây),… Thế đất như vậy đủ để đảm bảo một viễn cảnh phát triển lâu dài.
Từng thứ ấy quá đủ để cho ta thấy một vùng trước mặt là “ba sông tụ hội, …” [46; 100] xứng tầm là đất đế đô dựng nghiệp muôn đời.
Với con số 3 trong “ba sông” hay “ngã ba sông” của truyện tiêu biểu nhất trong truyền thuyết Việt Nam là “Hùng Vương chọn đất đóng đô” đã cho chúng ta thấy ông cha xưa có tầm tư tưởng lớn và tâm thức văn hóa cao, không chỉ trọng cái có thực, cái tốt đẹp mà còn chú trọng cả giá trị nhân văn thẩm mĩ.
Cũng thông qua câu chuyện này với chi tiết “Trước mặt ba sông tụ hội, …” [46; 100] có thể coi như là những cứ liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ có thể đi tìm “cốt lõi sự thật lịch sử” về kinh đô Văn Lang và thành Phong Châu xưa.