Triết lí âm dương là sự nhận thức về thế giới, nó dựa trên cơ sở khái quát những tri thức có tính kinh nghiệm, trực giác về thế giới và hoạt động thực tiễn của người thời cổ ở Trung Quốc và Việt Nam. Nội dung cơ bản của triết lí âm
dương là mọi sự vật, hiện tượng đều là sự kết hợp và chuyển hóa lẫn nhau của hai mặt đối lập theo quy luật: trong âm có dương, trong dương có âm; âm cực sinh dương, dương cực sinh âm.
Có thể nói rằng triết lí âm dương thấm nhuần trong mọi thành tố của văn hóa dân gian và có vai trò quan trọng trong lịch sử, nhất là việc bồi dưỡng tâm hồn con người, thống nhất cộng đồng.
Thông qua tín ngưỡng, phong tục, nghệ thuật dân gian và đặc biệt là văn học dân gian ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất những biểu hiện của triết lí âm dương trong lối tư duy cũng như cách sống của người Việt.
Các bộ ba và các con số 3 trong những câu chuyện thuộc hai thể loại truyền thuyết và cổ tích của kho tàng văn học dân gian Việt Nam thể hiện khá rõ cho loại mã văn hóa này.
Truyện “Sự tích trầu cau và vôi” [3; 91], là một minh chứng cho sự tiềm ẩn một triết lí về âm dương. Hình ảnh cây cau vươn cao là biểu tượng của Trời (dương), vôi đá là biểu tượng của Đất (âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hòa hợp âm dương.
Chi tiết “Khi nhà vua sai lấy ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc hồng hào tươi đẹp” [3; 91] không chỉ thể hiện cho một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau (chát, ngọt, thơm, cay) mà còn nói lên sự hòa hợp giữa anh em, chồng vợ. Tuy mỗi người có một tính cách riêng nhưng mỗi thành viên trong nhà phải bỏ cái ý riêng của mình để tìm đến một sự hòa hợp chung, tạo nên đời sống ấm êm trong gia đình.
Cũng xuất phát từ nguyên lý âm dương, người xưa đã theo hai ngả khác nhau để tạo nên những sản phẩm khác nhau. Hướng thứ nhất gọi âm dương là Lưỡng nghi, với phép phân đôi thuần túy đã sản sinh ra những mô hình chặt chẽ với số lượng thành tố chẵn: 2 sinh 4 (Tứ tượng), 4 sinh 8 (Bát quái),… những mô hình này được sử dụng phổ biến trong truyền thống văn hóa phương Bắc.
Hướng thứ hai tạo nên những mô hình vũ trụ bí ẩn với số lượng thành tố lẻ: 2 sinh 3 (Tam tài), 3 sinh 5 (Ngũ hành). Dường như đó là những mô hình đặc thù của nền văn hóa nông nghiệp phương Nam.
Với lối tư duy tổng hợp và biện chứng người xưa đã sớm nhận ra các cặp âm dương tưởng chừng như riêng rẽ nhưng thực chất lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau tạo nên một mô hình hệ thống gồm ba thành tố mà Trời – Đất – Người chỉ là một bộ ba điển hình, ngoài ra còn rất nhiều các bộ ba khác đại diện cho mô hình đó và bộ ba vợ chồng, em chết đi biến thành bộ ba trầu, cau, vôi cũng rất tiêu biểu.
Ba người trong câu chuyện “Sự tích trầu cau và vôi” vì không hiểu nhau nên đã tự chia lìa nhưng tình anh em huyết nhục, tình vợ chồng keo sơn không thể li tán vĩnh viễn và rồi đến khi chết họ đã chết bên nhau để từ đây cho đến mãi về sau bộ ba ấy sẽ gắn bó bên nhau mãi mãi và kết hợp làm một qua miếng trầu tình nghĩa. Một dòng máu đỏ tươi như máu tiết ra từ đó như tượng trưng cho tình cảm gia đình muôn đời thiêng liêng, bền chặt.
Ngoài truyện “Sự tích trầu cau và vôi” còn có truyện “Sự tích ông đầu rau” cũng thể hiện rõ nét cho con số 3 ẩn chứa loại mã văn hóa này.
Hình tượng Táo quân “hai ông, một bà”, là điển hình tiêu biểu cho đặc trưng của quan niệm “Tam ngôi nhất thể” khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Số 3 được quan niệm là một con số bền vững: “Tam mộc thành sâm” (ba cây thành rừng lớn); “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Dù ai nói ngả nói nghiêng – Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”;… Đặc biệt trong phần kết của câu chuyện “Sự tích ông đầu rau” Diêm Vương thương tình đã cho ba con người thâm tình nặng nghĩa đó thành ba ông đầu rau (ba miếng đất, ba viên gạch hay kiềng sắt ba chân,…). Ba đầu rau kết hợp hài hòa với nhau tạo nên sự cân bằng, bền vững cho bếp. Điều đó cũng thể hiện cho sự đoàn kết, hài hòa trong gia đình. Táo Quân được xây dựng hài hòa âm dương có cả nam thần và nữ thần, quyền thuộc về Bà Táo – đại diện cho nữ, là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt giữa quan niệm Táo quân của Việt Nam và Trung Hoa.
Như vậy thông qua mối quan hệ của các bộ ba nhân vật: vợ, chồng, em (Sự tích trầu cau và vôi) và người vợ cùng với hai người chồng cũ và mới (Sự tích ông đầu rau) là những biểu hiện rõ nét cho triết lí âm dương và mô hình tam tài trong lối nhận thức cũng như tư duy của người Việt.