Có thể nói rằng con số 3 xuất hiện trong truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích ít nhiều thể hiện cho một phong tục nào đó vốn tồn tại trong đời sống tinh thần của người xưa, mà thông qua con số 3 và sự thể hiện của phong tục ấy, ta cũng có thể một phần nào đó hình dung được tình hình xã hội đương thời với những chuyển biến lớn lao được biểu hiện ra sao – điều mà không dễ dàng nắm bắt được đối với bất cứ ai.
Con số 3 trong nhóm này chủ yếu biểu hiện cho những đặc điểm khác nhau của phong tục hôn nhân trong xã hội của người Việt xưa kia.
Vào thời Hùng Vương, chế độ hôn nhân một vợ một chồng đang được thiết lập, đánh dấu sự hình thành những gia đình cá thể, những lứa đôi gắn bó với nhau một cách ổn định, lâu dài. Truyện thần thoại “Sơn Tinh – Thủy Tinh” đã thể hiện rõ nét cho điều đó. Ngọc Hoa đứng giữa sự lựa chọn Sơn Tinh và Thủy Tinh đã lấy Sơn Tinh làm chồng. Trong truyền thuyết Hùng Vương với truyện “Chử Đồng Tử”, Tiên Dung – con gái vua Hùng chỉ lấy chàng trai nghèo Chử Đồng Tử; người con gái họ Lưu trong truyện cổ tích “Sự tích trầu cau và vôi” chỉ lấy người anh trong hai anh em Tân và Lang.
Trong những cuộc hôn nhân một vợ một chồng đó, người con gái phải về nhà chồng, thể hiện rõ nét trong truyền thuyết “Tản Viên đón vợ”.
Tục phụ nữ lấy chồng rồi lại quay về nhà mẹ đẻ một thời gian sau đó mới quay trở về nhà chồng đã được phản ánh thông qua truyền thuyết “Tản Viên đón vợ”. Với cách kể của dân gian kết hợp với lế hội làng Vi, Treọ (Vi Cương - Triệu Phú) ta có thể cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc.
Đó là những đặc điểm chính trong phong tục hôn nhân mà con số 3 (với bộ 3 nhân vật) đã thể hiện, đánh dấu bước phát triển lịch sử xã hội theo hướng phụ quyền. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư của phong tục hôn nhân thời mẫu quyền mà cũng qua con số 3 đã phản ánh khá rõ nét cho đặc điểm đó.
Trong các cuộc hôn nhân, người phụ nữ có vai trò khá chủ động, truyền thuyết “Ngọc trai, giếng nước” với tục con trai lấy vợ phải ở rể trong vòng ba năm đầu, hết thời gian ấy người vợ mới theo về nhà chồng hay cô gái họ Lưu trong truyện cổ tích “Sự tích trầu cau và vôi” đã chủ động thử thách và chọn lấy
người anh trong cặp anh em Tân, Lang,… là những ví dụ cụ thể cho hướng thể hiện thứ hai của con số này.
Trên đây là những đặc điểm chính của phong tục hôn nhân trong xã hội người Việt xưa kia, mà con số 3 đã phản ánh. Nhưng nếu chỉ nói một cách chung chung như vậy thì có lẽ chúng ta không thể có những hình dung rõ nét về nó. Bởi vậy mà thông qua một vài truyện tiêu biểu, đi sâu vào kiến giải để có thể nhận thấy những nét độc đáo và đặc sắc của phong tục này.
Con số 3 trong truyện “Tản Viên đón vợ” cho ta một cách nhìn nhận khá thấu đáo về loại mã văn hóa này.
Sơn Tinh sau khi giành được chiến thắng trước Thủy Tinh, đã chính thức trở thành chồng của Ngọc Hoa và từ đây chàng là con rể của vua Hùng Vương thứ XVIII.
Dù là cành vàng lá ngọc nhưng sau khi cưới, Ngọc Hoa vẫn phải theo chồng về núi Tản, đúng như câu nói của người xưa: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Cũng như bao cô gái khác khi xuất giá, nàng không thoát khỏi “Nữ nhi thường tình” về nhà rồi mà nàng vẫn thương cha nhớ mẹ, để rồi ít lâu sau nàng lại về với bố mẹ ở thành Phong Châu.
Lưu luyến đến nỗi không muốn rời xa nên “Cây trám đã ba lần trổ quả, cây khế ba lần ra hoa, rừng mai ba lần nở trắng Ngọc Hoa vẫn không trở lại với chồng” [44;122].
Tại sao lại là ba lần ? Có thể con số ấy đã cho chúng ta biết thêm một phong tục hôn nhân đã có từ thời đại khởi nguồn của dân tộc, đó là tục con gái lấy chồng rồi lại quay trở về nhà mẹ đẻ một thời gian, sau vài mùa lúa, mùa cau hay qua ba lần cây trám trổ quả, cây khế ra hoa, rừng mai nở trắng người con gái ấy mới trở về với chồng. Phong tục này hiện còn được bảo lưu ở rất nhiều địa phương như : ở tỉnh Phú Thọ đám cưới của người Mường ở huyện Thanh Sơn, huyện Yên Lập trong đêm tân hôn cô dâu ngủ chung với bạn bè tới dự rồi sớm hôm sau trở về nhà một mình, một thời gian sau đó mới về nhà chồng. Hay ở một số làng thuộc huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ) các đám cưới cổ truyền cũng được tiến hành theo một nghi thức khá đặc biệt : Ngay vào ngày cưới, cô dâu chỉ
về nhà chồng ở lại đấy có một đêm rồi sau đó lại trở về nhà bố mẹ đẻ. Đêm ở nhà chồng ấy, cô dâu thường có họ hàng hoặc bạn bè của mình ngủ chung gọi là ngủ bạn. Sớm hôm sau, ngay từ gà gáy tinh mơ, cô dâu trở về nhà mình. Ngày hôm ấy và mấy ngày sau nữa, nhà trai tiếp tục cho người đi đón cô dâu và cô dâu cũng chỉ về nhà chồng vào buổi tối, còn ban ngày thì trở về nhà mình. Sau đấy nhà trai tạm ngừng việc đưa đón và cô dâu ở lại hẳn bên nhà mẹ đẻ. Sau một thời gian, có thể là từ năm ba tháng đến vài ba năm, nhà trai tổ chức lễ xin về với đầy đủ các nghi thức như dẫn lễ, ăn uống. Từ đấy, cô dâu về ở hẳn bên nhà chồng và đến đây, nghi lễ hôn nhân mới thực sự kết thúc.
Có thể nói con số 3 ở đây ẩn chứa một thông điệp vô cùng ý nghĩa. Câu chuyện không chỉ cho ta thấy được cái hay của một phong tục mà còn cho ta thấy được một nét đẹp trong đời sống xã hội thời đại Hùng Vương. Một xã hội phát triển khá cao, nữ giới được tôn trọng (Tản Viên đã không nổi giận và cũng không dùng quyền thế, vũ lực của người chồng để ép vợ phải về núi theo mình mà đã nhờ dân làng làm trò mua vui khi ra khỏi cung điện vua Hùng tới làng Trẹo bên ngồi lại không chịu đi nữa; một biện pháp tâm lý hết sức nhẹ nhàng làm cho Ngọc Hoa quên đi nỗi nhớ), và với cuộc hôn nhân một vợ một chồng này, Ngọc Hoa phải theo chồng về núi Tản. Trái với phong tục chàng rể phải về ở với gia tộc bên vợ như ở chế độ mẫu quyền mà một số dân tộc vẫn duy trì. Tục con gái về nhà chồng đánh dấu sự thắng lợi bước đầu của tổ chức gia đình và xã hội phụ quyền, con số 3 trong truyện“Tản Viên đón vợ” cho chúng ta thấy được điều đó.
Hay thông qua bộ ba nhân vật anh, em, chị dâu trong truyện “Sự tích trầu cau và vôi”, ta cũng có thể thấy được một khía cạnh khác trong phong tục hôn nhân của người xưa. Trước khi đi vào kiến giải, chúng tôi xin được tóm tắt nội dung câu chuyện được xem là phổ biến nhất do Nguyễn Đổng Chi sưu tập trong cuốn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” như sau :
Chuyện kể về hai anh em nhà họ Cao có ngoại hình giống nhau như đúc tên là Tân và Lang. Cha mẹ mất sớm, hai anh em hết lòng yêu thương và sống nương tựa lẫn nhau. Lớn lên Tân và Lang đến nhà một thầy đồ họ Lưu trong
vùng học tập. Thầy đồ có người con gái nết na xinh đẹp đồng trang lứa với hai anh em. Sau một lần thử thách, cô gái nhận ra trong hai người, ai là anh, ai là em và có ý muốn kén người anh làm chồng. Qua nhiều lần gặp gỡ, hò hẹn với cô con gái thầy, Tân được thầy đồ hài lòng, vui vẻ gả con gái cho.
Sau lễ cưới, Lang cùng với anh ruột, chị dâu sống chung một nhà. Tưởng rằng cuộc sống gia đình vui vẻ nhưng nào ngờ càng về sau tình cảm của Tân đối với Lang ngày càng nhạt nhẽo. Một lần đi làm đồng về, Lang bị chị dâu ngộ nhận là chồng và bất ngờ ôm chầm lấy mình, Lang kêu lên, cả hai người vô cùng xấu hổ, lúc ấy Tân cũng vừa về nhà chứng kiến sự tình.
Từ đó Tân đối với Lang ngày càng lãnh đạm, anh ta không còn quan tâm chăm sóc hỏi han em mình như lúc trước nữa. Lang ngày càng buồn bã, một ngày nọ chàng lặng lẽ bỏ nhà ra đi, khi tới bên bờ sông không thể qua được nữa, chàng ngồi xuống đau khổ khóc lóc, khi chỉ còn là cái xác không hồn Lang đã hóa đá.
Tân ở nhà không thấy em đâu, biết là em bỏ đi vì mình, chàng lấy làm hối hận nên cất bước đi tìm, đến bên bờ một con sông rộng, chàng thấy em đã hóa đá. Tân đau khổ, rồi chết và hóa thành một thân cây mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.
Người vợ ở nhà chờ mãi không thấy chồng và em về, vội theo con đường đó đi tìm, nhưng cuối cùng con sông nọ cũng cũng ngăn cản bước chân của nàng. Người đàn bà ấy khóc cạn nước mắt, sau đó nàng chết và hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia. Người dân trong vùng biết việc lập miếu thờ.
Có lần vua Hùng đi ngang qua nơi đây, nghe nhân dân kể lại câu chuyện cảm động đã cho người lấy lá và quả của hai loại cây nhai với đá vôi thấy có vị ngon ngọt, cay nồng, mặt mày hồng hào. Từ đó tục ăn trầu dần dần phổ biến, trầu cau, vôi trở thành lễ vật trong gặp gỡ, cưới hỏi của người dân Việt Nam
[44; 90].
Với nhân vật chính là bộ ba anh, em, chị dâu truyện “Sự tích trầu cau và vôi” cho thấy sự đan xen giữa hai hình thái hôn nhân: một thuộc chế độ quần
hôn (anh em lấy chung một vợ) và một thuộc chế độ hôn nhân gia đình lứa đôi thời kì phụ hệ.
Trong truyện hai anh em cùng đi ở nhà họ Lưu được kể là do mồ côi, nhưng đây lại chính là dấu tích của chế độ mẫu quyền khi con trai lấy vợ phải ở nhà vợ và theo như bản kể của Nguyễn Đổng Chi thì người chủ động kết hôn lại là cô gái họ Lưu. Chi tiết này thể hiện tâm thức mẫu quyền trong việc quyết định hôn nhân thuộc về người phụ nữ.
Ôm nhầm là một chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nguyên nhân cơ bản của cái ôm nhầm đó là do hai anh em giống nhau như đúc. Vậy ngoài nguyên nhân đó ra thì còn có một nguyên nhân nào khác không ? Phải chăng cô gái đã yêu thương hai người như nhau và định chế hôn nhân phụ quyền buộc người phụ nữ phải lấy người anh nhưng tình cảm thì cô vẫn có với cả hai người hoặc cũng có thể cô gái muốn lấy người em hơn. Thậm chí khi có vợ, người anh ít gần gũi với người em như trước và điều đó đã làm người em buồn, còn cô gái với bản chất bao dung của người phụ nữ có thể sẽ yêu thương người em hơn. Có lẽ nào ôm nhầm lại là chi tiết thể hiện sự nhập nhằng giữa lí trí và tình cảm, đâu phải lúc nào con tim cũng hành động theo sự mách bảo, dẫn lối của lí trí, có đôi lúc bị lạc đường nhất là khi trong tâm hồn đã có chút gì đó rung động.
Cô gái họ Lưu mặc dù có tình cảm với cả hai người như nhau nhưng vẫn chọn người anh làm chồng, bởi luật của chế độ phụ hệ em không được có vợ trước anh và việc làm ấy là hoàn toàn chủ động theo nguyên tắc ứng xử hợp lẽ của chế độ phụ quyền.
Sau cái lần ôm nhầm ấy, người anh nghi em có tình ý với vợ mình, càng tỏ ra hững hờ với em, cảm giác cô quạnh, buồn tủi vây quanh nên người em đã bỏ nhà ra đi. Người em ra đi vì những lí do nào ? Phải chăng để tránh cho chị dâu cảm thấy khó xử, để cho tình cảm vợ chồng của anh chị mình không bị sứt mẻ nên người em đã lặng lẽ ra đi. Cuộc chia tay này, có thể là một biểu hiện của sự rạn nứt mô hình gia đình thị tộc trong buổi đầu của chế độ phụ quyền và sự ghen tuông của người anh là một ý thức sở hữu của người đàn ông đối với người đàn bà trong xã hội phụ quyền. Đồng thời sự ra đi của người em cũng là một
hành động thể hiện rất rõ cho sự chấm dứt tình trạng một người phụ nữ sống chung với hai anh em dưới một mái nhà và đó cũng chính là cuộc từ giã hôn nhân sóng ba để đi đến hôn nhân sóng đôi, biểu hiện rõ nét cho sự chuyển đổi từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ trong xã hội người Việt xưa kia.
Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của ba người và họ đã hóa thành bộ ba trầu, cau và vôi. Có lẽ tác giả dân gian đã không nỡ để họ phải chia lìa nhau nên đã cho họ hóa thân để được ở gần bên nhau, thành một biểu tượng đẹp về tình anh em, chồng vợ. Ngay ở sự hóa thân này cũng cho ta thấy được hình thái hôn nhân một vợ, một chồng ở chế độ phụ hệ, dây trầu leo lên ôm ấp, quấn quýt lên cây cau như minh chứng cho tấm lòng thủy chung, trong sáng của người vợ và đó chính là xu hướng lí tưởng theo đạo đức phụ quyền.
Trong hình ảnh tự nhiên, tảng đá vôi là mối liên kết, là chất xúc tác kết liền trầu cau thêm nồng thắm, nếu chỉ có trầu cau mà không có vôi thì thật nhạt nhẽo, vô vị cũng như có trầu mà không có cau thì thiếu đi sự mặn nồng trong đó.
Từ những hình ảnh này mà tác giả dân gian đã lồng đề tài xã hội vào đề tài thiên nhiên, vào câu chuyện phong tục và đã kết thúc bằng việc đồng nhất các quan hệ tình cảm của ba con người ấy với sự hài hòa của thiên nhiên.
Truyện “Sự tích trầu cau và vôi”, cho chúng ta thấy được tình cảm thắm thiết, thủy chung, keo sơn, gắn bó trong một gia đình giữa vợ chồng, anh em và hơn hết truyện còn gửi tới người nghe, người đọc một thông điệp vô cùng ý nghĩa đó là dù có phải trải qua sự thay đổi mô hình xã hội thì mối quan hệ cốt lõi, vợ chồng, anh em vẫn trong sáng, mặn nồng và thủy chung.
Mặt khác, truyện “Sự tích trầu cau và vôi” còn cho thấy được dân tộc ta đã có một đời sống văn hóa khá cao, ngay từ thời đại Hùng Vương, xã hội Việt Nam đã có truyền thống lấy gia đình làm gốc, anh em biết thương yêu nhau, trên kính dưới nhường, vợ chồng lấy nhau vì tình vì nghĩa và người đàn bà đã biết trọn niềm trung thủy, son sắt với chồng,… không phải đợi đến khi người Hán sang đô hộ, giáo hóa nước ta thì dân ta mới biết thế nào là hiếu đễ, tiết nghĩa và xung quanh mối qua hệ ba người đã thể hiện rõ nét cho điều đó. Đây cũng là chiều sâu ẩn chứa tâm thức văn hóa dân gian của người Việt cổ.
Như vậy với con số 3 này, nếu nhìn nhận nó dưới góc độ phong tục thì ta có thể biết thêm được rất nhiều những phong tục cổ mà cụ thể là trong lĩnh vực hôn nhân của người Việt xưa kia và một phần nào đó cảm nhận được tình hình văn hóa xã hội của nước ta lúc bấy giờ.