Lựa chọn bản kể

Một phần của tài liệu Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) (Trang 29 - 35)

Sự có mặt của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích là do công lao rất lớn của tập thể nhân dân sáng tạo. Bởi thế mà những sáng tác đó khi vừa mới ra đời nó đều mang hơi thở của của thời đại; là phương tiện để con người gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống; cũng là nơi thể hiện những tư tưởng và quan niệm của con người về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thế giới quan; đồng thời truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích còn là con thuyền chở những tâm tư, tình cảm của người xưa để thở than, giãi bày tới muôn người, muôn thế hệ.

Chính vì những giá trị đó mà thần thoại, truyền thuyết và cổ tích được nhiều người, nhiều thế hệ say mê. Vẻ đẹp của nó hấp dẫn suốt cuộc đời của mỗi con người. Những giá trị thẩm mĩ sâu sắc và mạnh mẽ của ba thể loại này không chỉ bộc lộ qua tri giác, cảm xúc nghệ thuật của người nghe, người kể, người đọc mà còn hết sức hấp dẫn các nhà nghiên cứu.

Ở thời Bắc thuộc đã có những viên đô hộ ghi chép một số truyện cổ của người Việt như sách “Giao châu kí” của Triệu Công và Tăng Cổn, sách “Lĩnh biểu lục dị” của Lưu Tuân ở đời Đường.

Đến thời Lý Trần, nhà văn phong kiến đã bắt đầu sưu tầm thần thoại, thần tích và một số truyện cổ dân tộc. Thời kì này nổi bật với hai cuốn: “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên và “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp, chuyên ghi chép những sự tích đã thần thánh hóa về vua chúa, hậu phi và các thiên thần, nhân thần có đền thờ ở khắp các nơi trong nước.

Thế kỉ thứ XVI, có Nguyễn Dữ viết bộ “Truyền kì mạn lục” với một số truyện được sưu tầm từ truyền thuyết và cổ tích được lưu hành trong dân chúng như: “Liệt nữ Nam Xương”, “Từ Thức”,…

Cũng trong thời gian này, một bộ khác gồm hai quyển, tương truyền là của vua Lê Thánh Tông với nhan đề là “Thánh Tông di thảo”, với một bộ phận

viết về truyền thuyết và cổ tích dân gian có rất nhiều truyện hấp dẫn như: “Lấy chồng dê”, “Tinh con chuột”, “Hoa quốc kì duyên”,…

Vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn có nhiều sách vở xuất hiện trong đó có loại truyện kí bằng Hán văn. Loại sách này có ghi chép ít hay nhiều đến những truyền thuyết, cổ tích lưu hành trong dân gian. Có thể kể đến như: “Công dư tiệp kí” của Vũ Phương Đề, “Tuyền văn tân lục” của Nguyễn Diễn Trai, “Lan trì kiến văn lục” của Vũ Nguyên Hanh, “Sơn cư tạp thuật” của Bùi Huy Bích, “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, “Tân truyền kì lục” của Phạm Qúy Thích, “Thoái thực quý văn” của Trương Quốc Dụng,…

Cho đến ngày nay, chúng ta cũng có thể tiếp cận nhiều tập truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích đã xuất bản và một số hợp tuyển đã ra đời, có thể kể đến như sau:

Thần thoại:

Chúng ta có thể thống kê các tác giả và tác phẩm như: “Kho tàng thần thoại Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh; “Thần thoại Việt Nam” của các tác giả Phạm Hoàng Minh, Việt Dũng, Thu Nga; “Lược khảo thần thoại Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi và tác giả Hoàng Trọng Miên với “Việt Nam văn học toàn thư”;…

Truyền thuyết:

Thể loại này có “Truyền thuyết Hùng Vương” của tác giả Lê Tượng; “Truyền thuyết Hùng Vương, thần thoại vùng đất Tổ” của Vũ Kim Biên và Nguyễn Khắc Xương với cuốn “Truyền thuyết Hùng Vương”; nhất là “Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ” do chi hội văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ sưu tầm và biên soạn; cuốn “Tinh hoa văn học dân gian người Việt – truyền thuyết dân gian người Việt” của nhiều tác giả và Vũ Ngọc Khánh, Trần Thị An, Phạm Minh Thảo với cuốn “Truyền thuyết Việt Nam”;…

Cổ tích:

Truyện cổ tích có khá nhiều tác giả biên soạn, song đáng chú ý là các tác phẩm: “Truyện cổ tích nước Nam” của Nguyễn Văn Ngọc; “Truyện cổ tích Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan; “Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam” của Chu Xuân

Diên; Nguyễn Đổng Chi với “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” và “Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam” của Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung;…

Trong vô vàn các tác phẩm đó để có thể lựa chọn được bản kể đáng tin cậy nhất, phục vụ hữu hiệu trong khi thực hiện đề tài này đòi hỏi người nghiên cứu phải tìm đọc các tài liệu sưu tầm về thần thoại, truyền thuyết, cổ tích để trên cơ sở đó có thể lựa chọn được tác phẩm thích hợp nhất theo hướng đề tài triển khai. Đó là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết, yêu cầu người thực hiện phải tiến hành với một thái độ nghiêm túc và tích cực.

Từ các nguồn tài liệu đó chúng tôi thấy rằng các sách, viết về thần thoại, truyền thuyết và cổ tích của các tác giả thời phong kiến là không thích hợp với đề tài nghiên cứu của chúng tôi. Bởi vì hầu như các truyện chỉ ghi chép một cách sơ lược, chưa hoàn thiện. Có tình trạng này là do các nhà văn bác học sưu tầm truyện cổ nước nhà với mục đích tìm tài liệu bổ sung cho quốc sử nhiều hơn là nhằm bảo tồn văn học dân gian. Dường như các truyện được diễn đạt theo tinh thần tư tưởng của xã hội quân chủ thời tự chủ, pha trộn với các thứ quan niệm của phép thuật phù thủy, đồng bóng. Do đó người sưu tầm làm giảm mất một phần nào đó tính chất sinh động của câu chuyện ban đầu.

Minh chứng rõ nét cho điều đó bằng một đoạn tả thần Cao Lỗ trong truyện “Lý Phục Man” của cuốn “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập” như sau:

“Cao Lỗ thân dài chín thước, đội mũ đâu mâu sao vàng, mặc áo giáp sắt, tay cầm khai sơn đại phủ, đi dày da voi màu đen, thắt lưng đỉnh vàng, mặt mũi ngạo nghễ, khí thế hiên ngang, vạm vỡ khỏe mạnh, cưỡi con voi chín ngà, dẫn bộ chúng áo xanh theo gió mà đến”. Với ví dụ này có thể thấy truyện cổ Việt Nam một khi phô diễn trên giấy mực thì phần nào đó đã bị biến tướng, nhiều chi tiết trong đó dễ bị người chắp bút thay đổi vì yêu cầu chính trị của thời đại, vì tâm lí, quan điểm thẩm mĩ của người ghi đã khác xa so với thời điểm ra đời của câu chuyện.

Khác với các tác giả phong kiến, các nhà văn, các nhà sưu tầm văn học dân gian Việt Nam sau cách mạng tháng Tám với thế giới quan rất tiến bộ, họ đã nhận thấy giá trị của các tác phẩm văn học dân gian đối với đời sống và đối với

nền văn học. Nên ý thức bảo tồn vốn cũ của văn nghệ dân tộc thể hiện rất rõ trong các công trình của họ. Hơn thế nữa với lối ghi chép bằng chữ quốc ngữ nên truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích không những thể hiện được một cách khách quan, trung thực đời sống, sinh hoạt xã hội của người xưa mà còn thể hiện được cái phần tinh túy là cách diễn đạt sinh động trong các truyện thuộc ba thể loại này.

Đặt trong tương quan so sánh đó, chúng tôi quyết định lựa chọn các tác phẩm sưu tầm, tuyển chọn về thần thoại, truyền thuyết và cổ tích của các tác giả từ sau cách mạng tháng Tám cho đến ngày nay làm tài liệu chính khi thực hiện đề tài này.

Chúng tôi cũng cho rằng, trong cùng một khoảng thời gian tương đối dài đó (từ sau cách mạng tháng Tám đến nay), số lượng các tác phẩm không phải là ít, bởi vậy mà cần đưa ra những tiêu chí nhất định để có thể căn cứ vào đó mà lựa chọn được những tác phẩm hay nhất, đặc sắc, độc đáo nhất, thích hợp nhất theo hướng mà đề tài của chúng tôi đang triển khai là điều hết sức cần thiết.

Thứ nhất: Tác phẩm đó đã được công bố trong giới nghiên cứu và đã ra mắt công chúng, là công trình của các tác giả có thâm niên trong ngành, có uy tín và có độ tin cậy cao.

Thứ hai: Tác phẩm được chọn phải phong phú hơn về số lượng truyện so với các tác phẩm khác cùng thể loại. Đặc biệt trong tương quan so sánh, công trình đó phải có sự bao hàm gần như đầy đủ các mã văn hóa về con số 3 mà các tác phẩm khác đã có.

Thứ ba: Các truyện trong những tác phẩm đó có số 3 ẩn chứa những cứ liệu, mật mã và mã văn hóa vượt trội hơn hẳn các tác phẩm khác.

Hội tụ được ba tiêu chí kể trên, là những tác phẩm mà chúng tôi sẽ lựa chọn làm tài liệu chủ yếu trong khi thực hiện đề tài này, tất nhiên là có tham khảo tất cả các bản kể khác mà bản thân chúng tôi đã sưu tập được, cụ thể như sau:

Trong quá trình khảo cứu, chúng tôi nhận thấy rằng số lượng các truyện của thể loại này ít hơn hẳn các truyện ở các thể loại khác, nguồn thần thoại còn lại hiện nay chủ yếu là trong kho tàng văn học dân gian của các dân tộc ít người.

Có thể trước đây dân tộc Kinh (Việt) có một kho tàng thần thoại khá phong phú. Minh chứng cho điều đó có thể thấy là hiện nay những con sông lớn, những ngọn núi cổ, những cây cổ thụ lâu đời,… còn lưu truyền những truyện kể và những phong tục thờ thần. Trong ca dao cổ, trong hình chạm khắc trên trống Đồng vẫn còn lưu dấu vết của sự tôn sùng Mặt Trời, tôn sùng nước. Chẳng hạn như truyện “Lạc Long Quân, Âu Cơ” vẫn còn nhiều chi tiết mang dấu tích của thần thoại. Trong tên gọi của các ông vua như: Kinh Dương Vương, An Dương Vương,… còn lưu dấu vết của những nhân vật ở xứ Mặt Trời. Tuy nhiên do sự xâm lấn và sự đồng hóa văn hóa từ phương Bắc, đặc biệt là do xu hướng lịch sử hóa thần thoại rất mạnh của Việt Nam nên những truyện thần thoại nguyên sơ của người Việt đã bị biến dạng nhiều, phần lớn bị lịch sử hóa, địa phương hóa mà trở thành truyền thuyết.

Chính vì thế mà chúng tôi sẽ chọn những thần thoại bị lịch sử hóa để thống kê là chủ yếu và không cho phép mình được bỏ qua tất cả những thần thoại suy nguyên và thần thoại sáng tạo. Do điều kiện tư liệu (thiếu) nên chúng tôi lựa chọn “ Kho tàng thần thoại Việt Nam” của các tác giả Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huế, Phạm Minh Thảo ( Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1995 ) là tài liệu chủ yếu để khảo cứu, còn các tài liệu khác, chúng tôi sẽ sử dụng để tham khảo, bổ sung nhằm đưa ra được những kết luận khách quan. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Đối với thể loại truyền thuyết:

Chúng tôi tổng hợp toàn bộ những bản kể của các tác giả Vũ Kim Biên, Nguyễn Khắc Xương, Lê Tượng, Vũ Ngọc Khánh, Trần Thị An, Phạm Minh Thảo thì thấy có một hiện tượng sau:

Thứ nhất: Có nhiều tác phẩm trùng lặp nhau và con số 3 trong đó cũng ít có sự khác biệt, chỉ có một số trường hợp khác biệt cơ bản như truyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ”, “Họ Hồng Bàng”,…

Thứ hai: Những mã văn hóa trong cùng một truyện ở các bản kể của các tác giả khác nhau cũng có sự khác nhau như truyện “Ba ông đầu rau”, “Thánh Gióng”,…

Thứ ba: Chúng tôi nhận thấy rằng kho tàng truyền thuyết về thời đại Hùng Vương sự xuất hiện của con số 3 cũng như các mã văn hóa ẩn chứa trong con số đó tương đối ổn định, còn thời kì Bắc thuộc và thời kì phong kiến tự chủ số 3 xuất hiện tuy nhiều nhưng mã văn hóa lại ít.

Chính vì những lí do trên mà chúng tôi lựa chọn những bản kể sau đây để phục vụ cho việc triển khai thực hiện đề tài Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) đó là bản kể của các tác giả Nguyễn Khắc Xương, Lê Tượng, Vũ Kim Biên và đặc biệt là “Tổng tập văn nghệ dân gian Đất Tổ” ( Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ ) và “Truyền thuyết Việt Nam” của các tác giả Vũ Ngọc Khánh, Trần Thị An, Phạm Minh Thảo ( Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, 1997 ).

- Đối với thể loại cổ tích:

Trong quá trình sưu tầm tài liệu, chúng tôi đã tập hợp được rất nhiều các tuyển tập và hợp tuyển truyện cổ tích của các tác giả như: Nguyễn Đổng Chi, Chu Xuân Diên, Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan,… sau quá trình nghiên cứu chúng tôi đã lựa chọn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi (Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội, TB - 2000) làm tài liệu chủ yếu trong khi thực hiện đề tài này. Với 201 truyện, trong 5 tập cấu thành, Nguyễn Đổng Chi đã chọn lọc và sắp xếp truyện theo một hệ thống rất khoa học chẳng những con số 3 xuất hiện dày đặc mà còn có thêm phần Khảo dị đằng sau mỗi truyện của các dân tộc khác ở Việt Nam và cả ở phương Tây. Chính những điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi không chỉ trong thống kê và phân loại mã văn hóa về con số 3 mà còn có thể mở rộng so sánh với các truyện khác có cùng cốt truyện với nó để có thể giải mã con số 3 được khách quan hơn và thỏa đáng hơn.

Một phần của tài liệu Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) (Trang 29 - 35)