Có thể nói rằng tín ngưỡng là một sản phẩm văn hóa do con người quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành. Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam chủ yếu dựa trên lòng biết ơn và ngưỡng mộ của thế hệ sau đối với tiền thần, tiền nhân. Tín ngưỡng dân gian khá phong phú, nó là tâm thức tôn sùng các lực lượng siêu nhiên như: tôn sùng tự nhiên, các loại cây trồng, tôn sùng vật tổ, tôn sùng tổ tiên, tôn sùng sự sinh sản, tôn sùng Mẫu, tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công lớn với dân với nước,…
Từ tâm thức sùng bái đó, trong các cộng đồng hình thành các phong tục tập quán và nghi lễ thờ cúng tự nhiên, thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu và nghi lễ phồn thực. Mỗi loại tín ngưỡng này lại được biểu trưng qua một số mã khác nhau mà tìm hiểu tín ngưỡng đó thì không thể không nhìn nhận các mã của nó. Trước khi tìm mã tín ngưỡng, phải hiểu bản thân tín ngưỡng đó như một thực thể văn hóa, những biểu hiện của nó trong thực hành văn hóa truyền thống, vị trí của nó trong các hình thức văn hóa khác nhau như: văn học âm nhạc, hội họa nghi lễ,… Từ đó mới có cơ sở để đi tìm sự thể hiện của nó một cách sâu sắc hơn. Đặc biệt với tín ngưỡng cổ, nhiều khi người ở thời đại sau chỉ có thể nắm bắt được nó thông qua các mã của nó, rồi từ đó mà hiểu được tín ngưỡng của người xưa.
Từ tín ngưỡng đến sự thể hiện tín ngưỡng đó trong đời sống sinh hoạt văn học dân gian có mối liên hệ với nhau và được thể hiện ở nhiều khía cạnh mang tính quan niệm khá rõ. Có thể nói rằng truyện kể chính là xương cốt, bệ đứng, là chỗ dựa cho niềm tin, còn niềm tin cùng những hành động nghi lễ hội hè tưởng niệm làm sống động, phong phú hơn nội dung truyện kể. Mối quan hệ giữa tín
ngưỡng và truyện kể luôn song song tồn tại, thẩm thấu qua nhau trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam như một chỉnh thể không thể tách rời.
Qua các câu chuyện của ba thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích chúng ta có thể nhận thấy có rất nhiều tín ngưỡng náu mình ở trong đó.Tín ngưỡng sùng bái tổ tiên hay tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng hiến tế thần linh, tín ngưỡng thờ Mẫu,… được con số 3 thể hiện khá cụ thể.
Chúng ta có thể cảm nhận rất rõ mã văn hóa con số 3 về tín ngưỡng phồn thực trong truyện thần thoại “Họ Hồng Bàng”, “Lạc Long Quân – Âu Cơ” hay truyền thuyết “Hùng Hải trị nước”, “Ba ông đô sĩ”, “Thánh Gióng”, “Ba anh em lốt rắn”,… và truyện cổ tích “Sự tích trầu cau và vôi”,…
Con số 3 trong các truyện thuộc thể loại truyền thuyết như: “Bà chúa Ngọc”, “Mẫu Thoải” và truyện cổ tích “Sự tích công chúa Liễu Hạnh” thể hiện rõ nét cho tín ngưỡng thờ Mẫu rất phổ biến trong xã hội người Việt.
Với con số 3 trong truyện thần thoại “Thần Bếp”, cùng các truyền thuyết: “Thần chính khí Long Đỗ”, “Thần Tô Lịch”,… và truyện cổ tích “Sự tích ông đầu rau”,… tập trung biểu hiện cho tín ngưỡng thờ Thần ở nước ta.
Tín ngưỡng sùng bái tổ tiên được thể hiện khá rõ trong truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương”, “Trường Tân Nhị Vị tướng quân Lê Thạch, Hà Anh”, “Uy Minh Vương Lý Nhật Quang” và truyện cổ tích “Mỵ Châu – Trọng Thủy hay là truyện nỏ thần”,…
Ngoài ra con số 3 còn biểu hiện cho tín ngưỡng hiến tế thần linh, truyện cổ tích “Bảy Giao, Chín Qùy”, “Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại ?”, “Thạch Sanh”,… thể hiện rõ ràng cho điều đó.
Sau đây chúng tôi sẽ đi vào kiến giải trong một số trường hợp tiêu biểu hơn cả để có thể nhận diện được một số tín ngưỡng có mặt trong đời sống tinh thần của người xưa mà con số 3 trong truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích đã phản ánh khá rõ nét.
Có thể nói rằng loại mã này có mặt trong cả ba thể loại thần thoại ,truyền thuyết và cổ tích – những bộ phận rất quan trọng của văn học dân gian Việt Nam.
Trước hết, tất cả con số 3 xuất hiện trong các câu chuyện thuộc thể loại thần thoại, truyền thuyết, đều ít nhiều gắn liền với sự sinh sản kì diệu, những truyện như: “Họ Hồng Bàng”, “Hùng Hải trị nước”, “Ba anh em lốt rắn”, “Bà Tăng Má” thể hiện rõ nét cho điều đó.
Sự sinh nở trong những câu chuyện này quả là khác thường: không mang thai 9 tháng 10 ngày như bao người khác mà lại là 3 năm, ba tháng, 10 ngày (Họ Hồng Bàng); đứa con chào đời không phải là hình hài của một con người như bao đứa trẻ khác mà lại là 3 con rắn hoặc ba con rồng (Ba anh em lốt rắn, Hùng Hải trị nước).
Ta cũng thấy rằng, trong mỗi câu chuyện sự sinh nở gắn với con số 3 ấy cũng dẫn tới những điều kì diệu: Âu Cơ sau một lần vượt cạn là sự hiện sinh của 100 người con trai trí dũng song toàn, được người người kính trọng là tổ tiên của người Việt muôn đời; 3 rồng là kết quả của cuộc hôn nhân Hùng Hải và Trang Hoa, sự có mặt của 3 rồng không phải là vô tình mà để gánh vác những nhiệm vụ lớn lao, nhận sự phân công của cha đi cai quản ghềnh Ngọc Tháp, ghềnh Ba Triệu, đầm Đào Xá; trút bỏ lốt rắn để rồi vươn vai trở thành 3 người con trai cao lớn, tuấn tú, hình dung hơn người đóng góp công lao to lớn trong việc giữ nước, là những tướng tài, cánh tay đắc lực của Hùng Vương trong cuộc tranh chấp Hùng - Thục và những cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc.
Như vậy con số 3 gắn liền với sự sinh nở nói lên điều gì? Phải chăng dưới góc độ môtip sinh nở thần kỳ, con số 3 là một biểu tượng thể hiện ý niệm phồn thực.
Hầu hết các truyện trong hai thể loại thần thoại và truyền thuyết có sự xuất hiện của con số 3 về sinh nở đều gắn với sự ra đời của các chàng trai: 3 năm, 3 tháng, 10 ngày đẻ ra một bọc trăm trứng sau đó nở thành 100 người con trai; 3 rồng, 3 rắn cũng lột bỏ lốt để biến thành 3 chàng trai.
Có lẽ đây là thời điểm mà chế độ phụ hệ đang dần thay thế cho chế độ mẫu hệ. Khi đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, công việc đồng áng nặng nhọc, chiến tranh gian lao, nghiệt ngã, săn bắn vất vả,… người xưa đã nhận thấy nam giới có sức chịu đựng dẻo dai, sức lao động vượt trội hơn phụ nữ gấp bội. Và đó là lý do mà họ đã bộc lộ ước muốn nhân nhanh giống nòi với ý nghĩa tăng thêm nhân lực cho lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên, đấu tranh chống ngoại xâm. Chính vì người xưa nhận thức và quan niệm như vậy mới có sự sáng tạo lí thú đến thế.
Như vậy dưới góc độ văn hóa phồn thực thì con số 3 là một con số của sự phát triển, thần thoại và truyền thuyết Hùng Vương đã phản ánh khá chính xác biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực mang đặc trưng của thời đại đó. Qua đây chúng ta có thể thấy rằng tín ngưỡng phồn thực ở thời đại Hùng Vương đã phát triển cao ở tầm tư duy triết học, thành biểu tượng chẵn lẻ mà 3 là một biểu tượng tiêu biểu rất độc đáo và đặc sắc.
Không chỉ có mặt trong thần thoại và truyền thuyết mà mã văn hóa về tín ngưỡng phồn thực còn xuất hiện trong cả cổ tích. Đoạn kết của truyện “Sự tích trầu cau và vôi” với chi tiết: “Từ đó vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống cho nhiều loại cây ấy. Điều đáng chú ý là luật của nhà vua bắt buộc trai gái khi kết hôn cũng phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tí để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu” [3;92]. Từ câu chuyện cảm động của ba người mà trầu, cau và vôi được xem như một linh vật không thể thiếu trong các lễ nghi, phong tục của người Việt. Phải chăng phong tục ăn trầu này có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực – một loại tín ngưỡng phổ biến và được tôn thờ ở rất nhiều dân tộc không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nơi trên thế giới ?
Cây cau thân thẳng tượng trưng cho Linga (sinh thực khí nam); lá trầu tượng trưng cho Yoni (sinh thực khí nữ); cây cau ra nhiều quả tượng trưng cho con đàn cháu đống; một thứ mà luôn gắn với trầu cau đó là vôi, với chiếc bình vôi cũng thể hiện rõ cho tín ngưỡng phồn thực, có một vị trí hết sức quan trọng trong văn hóa của người Việt; đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng với
Linga ba thành phần của văn hóa Chăm, vừa có Linga, vừa có Yoni, bình vôi cũng vậy vừa có miệng tròn lại có cả vòi dài. Phải chăng với quan niệm và nhận thức như vậy mà trong hôn lễ, trong đêm động phòng hoa chúc, thay vì chén rượu “giao bôi hợp cẩn” một số dân tộc ở Đông Nam Á đã đút trầu cho nhau ăn. Còn trong hôn lễ của người Việt xưa cũng như nay, từ ăn hỏi cho tới khi tổ chức đám cưới đều cần đến trầu cau. Điều đó rất có thể là biểu hiện cho một khát vọng đông con nhiều cháu của người Việt. Bởi vậy mà trong “Sự tích trầu cau và vôi”, vua Hùng là chứng nhân cho cuộc tình tay ba đó đã ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống thật nhiều cho hai loại cây ấy, biểu hiện cho nhân sinh quan cao nhất của con người là triết lí về sự sinh tồn và nảy nở.
Trải qua thời gian cùng với những biến thiên của xã hội, tín ngưỡng phồn thực cũng có sự biến đổi để thích nghi, đặc biệt ở thời điểm mà Phật giáo và Đạo giáo đã xâm nhập vào Việt Nam. Cảm nhận được điều đó là sự hóa thân vào nhiều hình tượng và tục ăn trầu, xem trầu cau như một linh vật cũng là một sự biến hóa hết sức tài tình của tín ngưỡng phồn thực.
- Mã văn hóa về tín ngưỡng sùng bái tổ tiên:
Ta có thể cảm nhận sâu sắc nhất về mã văn hóa này thông qua 14 lần xuất hiện con số 3 trong truyện “Phù Đổng Thiên Vương” của cuốn “Truyền thuyết Việt Nam” do tác giả Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo sưu tầm và biên soạn.
Trước thông tin giặc Ân mượn cớ chuẩn bị sang xâm lược nước ta, Hùng Vương thứ VI đã triệu tập triều thần lại hội kiến thì có một vị Lạc Hầu tâu rằng:
“Bấy lâu nay ta vẫn chăm lo thờ cúng Trời Đất, Tổ tiên nên nhất định phen này sẽ được phù hộ. Vả lại từ đời các tiên đế còn truyền là hễ trong nước có việc lớn thì lập đàn chay, xin Long Vương về cứu giúp cháu chắt kia mà. Vậy xin bệ hạ giờ hãy cho làm ngay việc đó” [20;44].
Nhà vua nghe lời bèn cho lập đàn tràng, lễ vật bày biện chu đáo, đèn nến thắp sáng trưng, khói hương trầm nghi ngút, nhà vua trai giới cúng cấp đủ trong ba ngày, lại cầu khấn rất thành kính.
Vậy ba ngày đó có ý nghĩa gì ? Phải chăng người Việt là một dân tộc có tín ngưỡng, thường tin vào sự linh thiêng của tổ tiên, hễ gặp khó khăn thì bao
giờ tổ tiên cũng hiện về độ trì khi con cháu cầu khẩn. Điều tin tưởng này đã có từ ngàn xưa qua câu chuyện “Họ Hồng Bàng” với câu nói của Cha Rồng Lạc Long Quân với Mẹ Tiên Âu Cơ trước khi mỗi người dẫn 50 người con xuống biển và 50 người con lên non là: “Một đằng lên núi, một đằng xuống biển, hữu sự thì báo cho nhau biết,…” [37;5]. Cho nên có thể thấy rằng Tổ là biểu trưng cho tinh thần, cho hồn thiêng của dân tộc. Cầu Tổ còn bộc lộ niềm tin bất diệt vào tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, vào sức sống bất khuất của dân tộc Việt Nam:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng Đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về…”
(“Đất nước” – Nguyễn Đình Thi).
Trước sự thành kính, khẩn khoản của vua Hùng, Long Vương đã hiện về sau ba ngày cầu đảo, nhưng không về thẳng triều đình mà lại ngồi ở ngã ba đường cười nói vui vẻ. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao không phải là một chỗ nào đó hay thậm chí là ngã tư, ngã năm đường mà lại là ngã ba đường ? Phải chăng ngã ba đường thời xưa là nơi dân chúng hay tụ họp. Mà Tổ lại về giữa đám đại chúng đó. Với hình ảnh cụ già ngồi ở ngã ba đường còn thể hiện cho sự khôn ngoan của đại chúng. Bởi “Gừng càng già càng cay”, người lớn tuổi thường suy tư chín chắn và cặn kẽ hơn người trẻ tuổi, vì vậy cụ già là biểu hiện cho sự khôn ngoan đó.
Vua Hùng đã đích thân tìm đến ngã ba đường tìm gặp cụ già, thể hiện cho sự quyết tâm vận dụng tinh hoa văn hóa Việt trong cuộc chiến tranh giữ nước. theo lời khuyên của cụ già (Long Vương), vua Hùng đã cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài đức ra giúp nước biểu hiện của một đường lối cai trị rất dân chủ, vừa loan báo cho toàn dân biết tình trạng nguy khốn của đất nước để toàn dân cảnh giác, đồng thời là một hành động kêu gọi sự đoàn kết của toàn dân để chống xâm lăng. Trong tình cảnh đất nước như vậy thì đường lối này là sáng suốt, vì nhân dân là sức mạnh duy nhất của quốc gia và trong chiến tranh chính
người dân phải đổ công sức, có khi là cả xương máu để chiến đấu nên nếu kế hoạch không chu toàn thì người dân không thể yên tâm chiến đấu được. Hiệu lực của dân chủ, trên dưới đồng lòng trong chiến tranh mấy ngàn năm sau đã được thể hiện rõ nét trong hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần giúp cho quân dân Đại Việt giành được chiến thắng vẻ vang, oai hùng trước quân Nguyên Mông vốn rất hùng mạnh.
Như vậy có thể thấy rằng con số 3 ở đây cho chúng ta thấy được sự linh thiêng của tổ tiên người Việt. Cũng chính bởi niềm tin bất diệt của hậu duệ vào sự linh ứng của Long Vương, vào sức sống vô tận và truyền thống siêu việt của dân tộc Việt mà đã có những sự chuẩn bị chu đáo về sức người lẫn sức của cho một cuộc chiến không tránh khỏi trước mắt. Đó chính là nền tảng đích thực của công cuộc cứu nước, cứu dân ở thời đại Hùng Vương nói riêng và mọi thời đại nói chung.
- Mã văn hóa về tín ngưỡng thờ thần:
Người Việt Nam có một tín ngưỡng hết sức đặc biệt là tục thờ thần Bếp hay còn gọi là thờ Thổ Công, với bộ ba nhân vật là người vợ, người chồng cũ và người chồng mới trong truyện “Sự tích ông đầu rau” ta có thể cảm nhận rõ nét điều đó.
Sau đây chúng tôi xin được tóm tắt lại câu chuyện “Sự tích ông đầu rau” của Nguyễn Đổng Chi trong bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” để làm căn cứ cho việc phân tích được cụ thể.
Truyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng son, cuộc sống của họ tuy thiếu thốn, nghèo khổ nhưng họ rất yêu thương nhau. Vào một năm trời mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn, hai vợ chồng từ việc phải đi làm công cho các nhà giàu