Nảy sinh trên cơ sở của một nền văn hóa nhất định, trải qua quá trình lưu truyền liên tục, văn học dân gian mang trong mình những dấu ấn văn hóa, những quan niệm văn hóa nghệ thuật, những tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán của cộng đồng đã tiếp nhận nó. Vì vậy cần phải bóc tách các lớp lang văn hóa ẩn chứa trong những câu chuyện đó để xem xét các phương diện nó phản ánh.
Một trong những trung tâm của sự phản ánh đó chính là tôn giáo, là một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân, tôn giáo đi vào truyện kể dân gian như một lẽ tự nhiên. Toàn bộ những yếu tố tôn giáo như: giáo chủ, giáo lý tôn giáo, niềm tin tôn giáo (Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, thuyết nhân quả của Đạo Phật, quan niệm và cách thức thực hành ma thuật của người dân và những thuật phù thủy của Đạo giáo,…) tồn tại rất phong phú trong các truyện cổ dân gian.
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài mà chúng tôi đang triển khai không thiếu những truyện kể mang hình bóng của tôn giáo, có thể kể đến các truyện: “Tấm Cám”, “Xẩm sờ voi”, “Cây tre trăm đốt”, “Đá trông chồng”, “Sự tích đá Bà Rầu”, “Sự tích ông Bình Vôi”, “Sự tích cái chân sau con chó”, “Sự tích cây huyết dụ”, “Sự tích cá He”, “Sự tích con Nhái”, “Sự tích con muỗi”, “Cái cân thủy ngân”, “Chử Đồng Tử”, “Từ Thức gặp Tiên”,… Nhưng những truyện có con số 3 xuất hiện ẩn chứa những mã văn hóa về tôn giáo thì không phải là tất cả, thông qua sự hóa thân, hóa kiếp của bộ ba nhân vật chính trong các truyện “Sự tích ông đầu rau”, “Sự tích trầu cau và vôi” có thể cảm nhận được quan niệm luân hồi của Đạo Phật một cách sâu sắc.
Trong truyện “Sự tích trầu cau và vôi”, số phận của ba con người ấy, kết thúc bằng một cái chết và một sự hóa thân thành trầu, cau, vôi quấn quýt, gắn bó bên nhau mãi mãi và kết hợp làm một qua miếng trầu tình nghĩa như là một sự
thể hiện cho niềm tin và sức tưởng tượng phong phú, thuần phác của người xưa về quy luật chuyển hóa và quy luật luân hồi sinh tử trong Đạo Phật. Người xưa tin rằng người chết không phải thể xác và tinh thần bị phân hủy mà chuyển sang một dạng vật chất khác, điển hình là trong truyện “Sự tích trầu cau và vôi” là biến thành hai thứ cây trầu, cau và vôi.
Hóa thân thành ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp sau những lần quên sinh của ba người trong cuộc, là một sự hóa thân khác mà truyện “Sự tích ông đầu rau” thể hiện.
Thông qua sự hóa thân, hóa kiếp này, chúng ta cũng có thể nhận thấy tâm tư của người xưa gửi gắm vào trong đó: với mong muốn được bất tử trước mọi sự biến thiên nghiệt ngã của thời gian và họ cho rằng trong cuộc đời này nếu con người ta sống theo nghĩa đích thực của từ sống, dám sống vì nhau và cũng dám chết vì nhau, với tình cảm mặn nồng sâu sắc thì chẳng có lý do gì buộc họ phải chết, phải rời xa nhau cả; mà ngược lại những con người đó họ xứng đáng được sống và họ cần có nhau trong cuộc đời này; có thể không tồn tại trong hình hài của một con người nhưng linh hồn của họ lại trú ngụ trong một dạng khác là cây, là đá,… hay bất kể là một dạng nào khác, miễn là họ được sống.
Như vậy nhìn nhận con số 3 trong các truyện kể trên dưới góc độ tôn giáo ta không chỉ cảm nhận được quan niệm luân hồi của Đạo Phật, mà còn thấu hiểu được khát vọng, ước muốn rất chính đáng của người xưa gửi gắm vào trong đó.
* Tiểu kết: Con số 3 trong truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích gắn liền với các mã văn hóa về: lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, phong thủy, triết lí âm dương, tam tài rất đặc sắc. Đi sâu vào lí giải các mã văn hóa đó trong một số truyện tiêu biểu của ba thể loại sẽ giúp cho chúng ta có thể cảm nhận được tình hình xã hội, cũng như cách tư duy cùng đạo lí của người xưa cho đến những nét hay, nét đẹp văn hóa của một phong tục, tín ngưỡng trong xã hội của người Việt một cách sâu sắc. Nhứng lớp ý nghĩa mà con số 3 huyền bí thể hiện quả là tiềm ẩn nhiều giá trị quý báu về tâm thức văn hóa của dân tộc ta.
KẾT LUẬN
Văn học dân gian là một loại hình folklore rất phong phú, bao gồm nhiều thể loại và vô vàn các tác phẩm có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Gắn liền với lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc, văn học dân gian phản ánh một cách chân thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cùng cuộc đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm, nó toát lên vẻ đẹp của lao động đầy sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, trí tuệ và tâm hồn người Việt Nam.
Trong kho tàng văn học dân gian đó, thần thoại, truyền thuyết và cổ tích được xem là những bộ phận quan trọng, qua những câu chuyện của ba thể loại này, chúng ta có thể cảm nhận được nhiều vấn đề về xã hội, biết thêm nhiều điều về bản sắc và truyền thống dân tộc, về nghệ thuật và phong tục,… của xã hội người Việt xưa kia. Với con số 3 ẩn chứa muôn vàn các lớp ý nghĩa của văn hóa có mặt trong các truyện thuộc ba thể loại này, đi sâu vào nghiên cứu để khám phá được những lớp ý nghĩa ẩn chứa bên trong con số đó, nhằm mở ra một hướng tiếp cận mới để có thể thấu hiểu một cách sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam, tâm thức văn hóa dân gian của người Việt.
Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) là một đề tài mới mẻ và chúng tôi tạm thời đưa ra những kết luận sau:
- Thừa nhận con số 3 trong thần thoại, truyền thuyết và cổ tích chứa đựng trong đó các mã văn hóa, chứ không đơn thuần là một con số ngẫu nhiên. Các mã văn hóa đó là: mã văn hóa về lịch sử, mã văn hóa về tín ngưỡng, mã văn hóa về tôn giáo, mã văn hóa về phong tục tập quán, mã văn hóa về phong thủy và mã văn hóa về triết lý âm dương, tam tài…
- Đi vào cắt nghĩa, lí giải con số 3 trong những truyện tiêu biểu của ba thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích thể hiện cho loại mã văn hóa đó, chúng tôi thấy được nhiều điều thú vị trong những quan niệm và nhận thức của người Việt xưa về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thế giới quan, về lịch sử - văn hóa, về thuật phong thủy, về phong tục tập quán,…
- Văn học dân gian, đặc biệt là thần thoại, truyền thuyết và cổ tích được xem là một bộ bách khoa toàn thư về lịch sử cội nguồn và đời sống văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Với những giá trị không thể phủ nhận, kho tàng thần thoại, truyền thuyết và cổ tích đã góp phần đắc lực vào việc bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc cho muôn vàn các thế hệ mai sau. Mã văn hóa về con số 3 trong những câu chuyện của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích cũng góp phần rất tích cực vào công việc ấy.
Chúng tôi hy vọng rằng đề tài Giải mã về con số 3 trong tâm thức văn hóa của người Việt (nghiên cứu trường hợp thần thoại, truyền thuyết và cổ tích) sẽ đóng góp một phần mới mẻ vào việc giải mã văn hóa trong khi khai thác các tác phẩm văn học dân gian và có thể mở đường cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu khác.