Một số nét đặc thù của tỉnh Khánh Hòa

Một phần của tài liệu nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp nhằm phát triển bền vững các doanh nghiệp tỉnh khánh hòa (Trang 41)

Khánh Hòa, ngoài những nét chung về tự nhiên, kinh tế xã hội, phải nói đến những nết đặc thù, trong đó điển hình là 3 địa bàn kinh tế:

(i) Khu Kinh tế Vân Phong

Vân Phong là vịnh biển lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích 503 km2, độ sâu trung bình trên 10m, nơi sâu nhất trên 30m. Vùng vịnh Vân Phong cùng với vùng núi Sơn Tập - Trại Thơm, bãi biển Dốc Lết là nơi có tiềm năng du lịch tổng hợp biển - rừng- núi lớn nhất tỉnh Khánh Hòa và cả nước, do nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa trời, mây, sóng nước, đảo, rừng núi với những bãi tắm cát trắng và là nơi có mức độ ô nhiễm môi trường còn rất thấp. Vịnh Vân Phong là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp trong môi trường lý tưởng hiếm có với khí hậu ôn hoà, bãi biển đẹp, cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh cùng với những cánh rừng nhiệt đới hầu như còn nguyên vẹn, những rạn san hô đa sắc, đẹp có dấu tích sinh tồn của một khu rừng ngập mặn, hàng trăm sinh cảnh, muông thú đặc chủng và hàng chục ngàn loài thuỷ, hải sản quý. Đây là những ưu thế giúp Vân Phong có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái rõ nét. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xếp Vân Phong vào “vùng du lịch trọng điểm phát triển”. Vân Phong được Hiệp hội Biển thế giới xếp vào danh sách 4 vị trí du lịch biển lý tưởng nhất hiện nay.

Vùng Vịnh Vân Phong cũng có tiềm năng rất lớn và rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. Khu Kinh tế Vân Phong được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, gồm 70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước. Khu Kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển quốc tế giữ vai trò chủ đạo. Khu kinh tế Vân Phong gồm 2 khu chức năng chính: Khu phi thuế quan và khu thuế quan, trong đó khu phi thuế quan gồm: cảng trung chuyển quốc tế, khu hậu cần cảng và trung tâm thương mại – tài chính, và khu thuế quan gồm: cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính. Khu Kinh tế Vân Phong có hệ thống giao thông liên vùng miền rất thuận lợi. Về đường bộ thì Quốc lộ 1A chạy dọc bờ biển Vịnh Vân Phong, Quốc lộ 26 nối Quốc lộ 1A tại thị trấn Ninh Hòa với thành phố Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 26B nối Quốc lộ 1A với khu vực Nam Vân Phong, Quốc lộ 1A nối cảng trung chuyển quốc tế. Về đường sắt thì có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua. Về cảng biển thì sẽ có cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng Hòn Khói và cảng trung chuyển dầu. Đường hàng không thì sử dụng sân bay quốc tế Cam Ranh.

Với trị trí tự nhiên rất thuận lợi, vịnh Vân Phong rất phù hợp để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế nước sâu do gần các tuyến hàng hải quốc tế lớn với mực nước sâu 20-27 m, có đồi núi che chắn 4 phía, diện tích rộng, địa chất tốt, không bị bồi lắng, là điều kiện rất lí tưởng để xây dựng các công trình cầu cảng. Xây dựng cảng nước sâu Vân Phong cho phép tiết kiệm một nguồn đầu tư rất lớn, theo tính toán có thể giảm khoảng 70% chi phí nếu xây dựng cảng biển có quy mô tương tự ở vùng biển hở do không cần phải làm đê chắn sóng, không phải vét luồng tàu chạy và khu nước bể cảng, không phải gia cố nền đất xây dựng bãi.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và giao thông thuận tiện, khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế động lực tổng hợp với cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo (công suất có thể đạt 17-18 triệu TEU/năm), kết hợp phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, gồm cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản và xây dựng các khu đô thị. Với tầm quan trọng và vị trí chiến lược nên khu kinh tế Vân Phong hiện được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt cao nhất hiện nay.

(ii) Khu kinh tế thành phố Nha Trang

Thành phố Nha Trang với khoảng 400 nghìn dân, có đường bờ biển dài hơn 10 km, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Nha Trang là vịnh biển lớn thứ hai sau vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với diện tích khoảng 400 km2. Phía Ðông và phía Nam vịnh được giới hạn bằng một vòng cung các đảo. Lớn nhất là đảo Hòn Tre (còn gọi là Hòn Lớn) có diện tích khoảng 30 km2. Trên đảo có những bãi tắm đẹp quen thuộc như Bãi Trũ, Bãi Tre, Bích Đầm, trong đó khu du lịch Hòn Ngọc Việt (Vinpearl Land) trên đảo Hòn Tre là khu du lịch, nghỉ mát sang trọng bậc nhất ở Việt Nam. Ðảo Hòn Mun là nơi thiết lập khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam có những rạn san hô với một quần thể sinh vật biển còn nguyên sơ, gần như độc nhất vô nhị không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Ðông Nam Á. Các đảo Hòn Tằm, Hòn Chà Là, Hòn Hố, Hòn Ðụn, Hòn Xưởng là những hòn đảo không chỉ có những cảnh đẹp trên bờ, dưới nước mà còn đem lại nguồn thu nhập lớn cho tỉnh Khánh Hòa, do có chim yến cư trú và làm tổ. Tại Đại hội lần thứ hai câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới tổ chức tại Tadoussac (Québec, Canada) tháng 5/2003, vịnh Nha Trang đã được công nhận là thành viên chính thức của Câu lạc bộ, mở ra một cơ hội lớn quảng bá hình ảnh Nha Trang-Khánh Hoà. Với vị trí địa lý

thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi cả về cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa, Nha Trang hiện tại và tương lai sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa du lịch của Việt Nam.

Bao bọc bởi bán đảo Hòn Hèo thuộc huyện Ninh Hoà là đầm Nha Phu có diện tích khoảng 100 km2. Giữa đầm có một số đảo, lớn nhất là Hòn Thị có đỉnh cao 220m. Cụm đảo Hòn Thị, Hòn Lao, và Khu Du lịch suối Hoa Lan (Hòn Hèo) tạo thành quần thể du lịch đảo phía bắc Nha Trang.

Nha Trang là địa bàn hội tụ đậm nét các yếu tố nền tảng cho một trung tâm du lịch biển quốc tế bao gồm đô thị phát triển với đầy đủ các giá trị văn hóa, nhân văn được đánh giá cao, môi trường khá trong sạch, con người hiền hòa, nhã nhặn… kết hợp với các giá trị về cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của vịnh, biển, núi, sông, vùng ngập mặn, cảnh quan sinh thái nông nghiệp trù phú, hệ sinh thái biển đa dạng. Thành phố có nhiều di sản văn hóa lịch sử quý giá như Tháp Bà Ponagar, Viện Pasteur, Viện Hải dương học… Trong thành phố đã hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ văn hóa ẩm thực chất lượng cao, mang nét truyền thống, góp phần tạo nên bản sắc hấp dẫn của du lịch Nha Trang. Các di sản thiên nhiên - văn hóa, nhân văn đã và đang được bảo tồn ổn định, bước đầu khai thác có hiệu quả. Vì vậy, số lượt khách du lịch đến Nha Trang ngày càng tăng.

Giao thông của Nha Trang là một ưu thế lớn. Từ sân bay Cam Ranh đến Nha Trang chỉ mất 30 phút bằng đường bộ. Đường bộ hiện đã mở thông lên Đà Lạt tạo cho Nha Trang lợi thế triển khai du lịch, trung chuyển tới các vùng trong cả nước một cách thuận tiện.

(iii) Khu kinh tế Vịnh Cam Ranh

Khu vực vịnh Cam Ranh có diện tích khoảng 185 km2, độ sâu phổ biến từ 5 đến 10 m, phía ngoài có độ sâu khoảng 20 m, ra khỏi cửa vịnh tiếp cận với “đường đẳng sâu” 40 m. Vịnh Cam Ranh được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới cùng với cảng San Francisco và Rio De Janeiro. Vịnh Cam Ranh có diện tích vùng vịnh kín tới 60 km2 với độ sâu trung bình 18 - 20m nước, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió, không bị bồi lấp rất thuận tiện cho phát triển cảng, công nghiệp đóng tàu, du lịch, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Thị xã Cam Ranh có Quốc lộ I và đường sắt đi qua. Khu vực Cam Ranh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp lớn (150 - 200 ha) để thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp.

Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ). Trong vịnh còn có một số cảng đang hoạt động như cảng khai thác cát, cảng Ba Ngòi, cảng cá Ðá Bạc và cảng quân sự. Trong quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Khánh Hòa, khu vực kinh tế Cam Ranh là một trong những trọng điểm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh. Nhiều dự án về phát triển du lịch và các khu công nghiệp đã được duyệt và đang được triển khai, trong đó việc mở rộng Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối liền thành phố Nha Trang với khu vực vịnh Cam Ranh tạo đà phát triển vực dậy một khu vực với nhiều tiềm năng mới. Biển Cam Ranh được thiên nhiên ban tặng những bãi cát dài trắng mịn, kết hợp với màu xanh ngắt của biển, xa xa là những ngọn núi thấp thoáng với rừng phi lao, rừng mai tự nhiên tạo nên một khung cảnh hữu tình tại biển Bãi Dài với dải cồn cát thiên nhiên 15 km cát trắng tinh khiết. Biển Bãi Dài rất trong và thoai thoải, vẫn giữ được vẻ hoang sơ, rất thuận tiện cho phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp nhằm phát triển bền vững các doanh nghiệp tỉnh khánh hòa (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)