Vai trò và tác dụng của TFP đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp nhằm phát triển bền vững các doanh nghiệp tỉnh khánh hòa (Trang 25)

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh và toàn cầu hoá, các doanh nghiệp đều phải đối mặt với rủi ro, sự thâm hụt, hoặc tình trạng lỗ lãi thất thường cho dù các doanh nghiệp luôn có mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Một cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hay tổ chức hoạt động với năng suất cao có thể có nhiều khả năng thu hồi vốn đầu tư hơn. Những doanh nghiệp như vậy cũng có sức đề kháng cao hơn với mọi trạng thái của nền kinh tế. Mặt khác, một tổ chức hoạt động với năng suất thấp cũng có thể đạt được thặng dư tương đối do các điều kiện cạnh tranh khác trong kinh doanh mang lại, nhưng bên cạnh đó rất dễ bị tổn thương và lâm vào tình trạng khủng hoảng trong một số điều kiện nhất định. Vì vậy, vai trò của năng suất đã thực sự được khẳng định khi nền kinh tế đi vào khủng hoảng. Nó giúp các doanh nghiệp hạn chế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài và cũng là cách phục hồi kinh tế nhanh nhất khi có khủng hoảng. Vì chỉ tiêu tốc độ tăng TFP phản ảnh chiều sâu về quá trình sản xuất, kinh doanh. Chỉ có tăng trưởng kinh tế nhờ vào tăng TFP mới là sự tăng trưởng có tính chất ổn định và bền vững.

TFP là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh, sự tồn tại lâu dài và khả năng mở rộng tái sản xuất của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt, ổn định cho người lao động. TFP là chỉ tiêu phản ảnh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động.. Theo đó, chúng ta có thể chia kết quả sản xuất thành ba phần: (i) phần do vốn tạo ra; (ii) phần do lao động tạo ra; (iii) và phần do nhân tố tổng hợp tạo ra. Như vậy, đối với một cơ sở sản xuất kinh doanh thì không nhất thiết lúc nào cũng phải tăng lao động hoặc vốn để tăng yếu tố đầu ra, mà có thể có đầu ra lớn hơn bằng cách sử dụng tối ưu nguồn vốn và lao động bằng cách cải tiến quá trình công nghệ, trình độ quản lý và các nhân tố đầu vào được phối hợp sử dụng hiệu quả nhất. Do đó, tốc độ tăng TFP là chỉ tiêu phản ảnh đích thực khái quát về hiệu quả sử dụng vốn và lao động, là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tăng trưởng cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và là căn cứ để phân tích hiệu quả kinh tế vĩ mô và đánh sự tiến bộ khoa học và công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương.

Một phần của tài liệu nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp nhằm phát triển bền vững các doanh nghiệp tỉnh khánh hòa (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)