“Thơ hiện đại là nỗi khát khao tự nhận thức triệt để con người hiện đại. Nó đòi ghi hình trực tiếp diễn biến vật lộn sinh thành trong bóng tối của bản ngã, đề cao, tuân thủ tuyệt đối hóa mục đích sáng tạo ngôn ngữ của thơ, muốn tạo nghĩa mới cho con chữ, muốn sống lại sự trinh nguyên của con âm để cho ngòi bút dẫn dắt bởi một lực dấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian, thời gian, giống như trong giấc mơ hòa tấu những ngôn ngữ của trí tuệ, tình cảm, trực giác, tiềm thức, tâm linh”[6, 123].
Từ phong trào thơ Mới 1932 – 1945, cái tôi cá nhân, cá thể trỗi dậy mạnh mẽ và đòi được khẳng định vị trí của nó trong đời sống văn học. Đến nền thơ kháng chiến 1945 – 1975, do yêu cầu của lịch sử, thời đại, cái tôi cá nhân tạm thời lắng xuống, nhường chỗ cho cái ta rộng lớn của dân tộc. Sang giai đoạn thơ hiện đại sau 1975, cuộc sống hòa bình trở lại, thơ cũng trở lại với bản ngã đích thực của mình. Lần này, cái tôi cá nhân được đào sâu, phát lộ với tất cả tính chất phức tạp, gai góc, nhiều mâu thuẫn của con người hiện đại. Nhiều khi, sự khẳng định bản ngã được đẩy tới mức cực đoan, siêu hình khiến cho nó trở nên xa lạ, dị biệt với phần lớn công chúng độc giả. Không dừng lại ở địa hạt tượng trưng, cái tôi hiện đại tìm đến với cõi siêu thực, lặn sâu vào vô thức, bản thể và tâm linh. Ở một khía cạnh khác, ta bắt gặp cái tôi trần trụi với muôn mặt dục tính của đời thường, những đòi hỏi bản năng không che đậy, cái tôi lưỡng phân với cả mặt tốt – xấu, cao thượng – hèn kém...
Thơ hiện đại mà hạt nhân là cái tôi hiện đại tìm cách biểu đạt mình bằng một loạt ý hướng cách tân, tìm tòi, thể nghiệm. Họ quan niệm thơ bây giờ không phải để nghe, ngâm ngợi mà chủ yếu để đọc nên yếu tố thị giác được chú ý để tạo nghĩa cho thơ. Ở phương Tây đã nảy sinh các hình thức thơ hình thoi, hình tam giác, hình bình hoa...Các khuynh hướng này quan niệm yếu tố thị giác cũng kích thích cao độ khoái cảm thẩm mỹ của người đọc, buộc người đọc phải thực hiện hành động đọc. Do vậy, hình thức bài thơ, câu thơ được chú trọng, ngôn ngữ được nhào nặn, xếp đặt theo chủ quan của các nhà thơ. Đến đây lại phải nhờ đến ưu thế của thể thơ tự do, một thể thơ có sức mạnh tuyệt đối trong việc biểu đạt thế giới tinh thần của con người hiện đại vượt mọi quy chuẩn ràng buộc, mọi cái có sẵn. Nhiều nhà thơ đã chú ý đến kiểu dáng
chữ, tự đặt cho mình những phép tắc chính tả riêng, phi truyền thống như “Jờ joạcx”
(Trần Dần), “Bão loạn – Lốc dù – Xanh mi. Cốc ré – Váy hè. Tiện nghi lạc – xon – chất chồng trô trố....”(Hoàng Hưng). Cách viết như trên tạo cho người đọc cảm giác về một thế giới đang bị phân rã, gián đoạn, kích thích trí liên tưởng, tưởng tượng của độc giả. Hoàng Ngọc Hiến gọi đó là lối viết nội dung, buộc người đọc phải đọc bằng mắt. Cách đọc bằng mắt cho phép người đọc giải phóng bài thơ ra khỏi chiều tuyến tính của ngôn từ, có thể tự do kết hợp ngôn từ theo trục dọc, trục ngang, đồng hiện nhiều hình ảnh trong một khoảnh khắc như kĩ thuật lắp ghép điện ảnh. Không có một khuôn khổ cố định nên thơ tự do rất thuận lợi cho các nhà thơ trình diễn ý tưởng sáng tạo của mình. Lối viết tự động, dùng chữ ngẫu nhiên, kết hợp chữ không theo một quy luật cú pháp nào, “để ngòi bút dẫn dắt bởi một lực dấu mặt” chính là một trò chơi ngôn từ của các nhà thơ hiện đại. Qua cuộc chơi ấy, tác giả cũng như người đọc được dấn thân vào cuộc phiêu lưu ngôn từ thú vị, chỉ có thể có trong thơ hiện đại, thậm chí đã bước sang phạm trù hậu hiện đại. Cách biểu cảm hiện đại của thơ: dồn nén thông tin, ham bầy tỏ, ít so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngầm, câu thơ co duỗi tự nhiên, đóng mở linh hoạt, hình ảnh táo bạo... Sự linh hoạt, tự nhiên được xem là một trong những phẩm chất ưu việt của thơ hiện đại. Có nhiều yếu tố tạo nên phẩm chất ấy, trong đó không thể thiếu được vai trò của thể thơ tự do. Nó đã đáp ứng tốt những yêu cầu về cách biểu đạt hiện đại cho thơ, mở ra những khoảng không rộng rãi để cả tác giả lẫn người thưởng thức có thể đồng sáng tạo, đẩy trí tưởng tượng lên đến biên độ cao nhất. Có thời kỳ, do những yêu cầu của đất nước, thơ chúng ta nhiều khi dài dòng, sa vào kể lể, thiên về phản ánh trực tiếp đời sống, nên đã hạn chế khả năng biểu hiện, sức tưởng tượng phong phú và những liên tưởng độc đáo của thơ. Ngày nay, thơ phải tìm tòi, đổi mới để đi vào những bí ẩn sâu kín nhất, những mong manh, tinh tế nhất của tâm hồn con người. Thơ có thực nhưng phải có cái ảo, có cả ý thức và vô thức, tiềm thức, tâm linh.
Lấy hiện thực tâm linh làm đối tượng phản ánh nên cấu trúc của thơ hiện đại sau 1975 là cấu trúc của những giấc mơ. Bài thơ được dẫn dắt bởi nhữn tiếng gọi xa xôi trong tiềm thức, những ám ảnh mơ hồ lẩn khuất đâu đây. Thể thơ tự do là công cụ đắc lực nhất để các nhà thơ hiện đại biểu đạt thế giới của những giấc mơ nhạt nhòa, không đầu không cuối. Xét về lĩnh vực này, Hoàng Cầm là nhà thơ tiêu biểu nhất. Ta bắt gặp trong thơ ông một thế giới Kinh Bắc đầy siêu thực nhạt nhòa với đêm và mưa, vừa thực vừa hư, vừa quen vừa lạ, trong đó có một người ngẩn ngơ đi tìm những hoài vọng, nhặt nhạnh những mảnh ký ức còn vương sót lại của thời quá vãng, đem về ủ ấp, để dệt mộng thơ và để mơ... Những bài thơ của ông được dệt theo âm vang của những giấc mơ, ngôn từ như chảy từ suối nguồn của quá khứ:
Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá Đi đầu non cuối bể Gió quên vi vút gọi
Diêu bông hời!
...ới diêu bông
Những vần thơ chấp chới như kiếm tìm một niềm vô vọng, càng kiếm tìm càng thấy mờ mịt, cô đơn, rút cuộc, lại mê man trong những ảo giác, trong nhòa nhạt của những giấc mơ, của không – thời gian mộng mị. Lúc nào thi sĩ cũng là một người lỡ nhịp trong cuộc đời, nên khắc khoải, u buồn với mối tình cất sâu, tuyệt vọng:
Chị lỡ xe hồng Mẹ đi lấy chồng
Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc Mật vàng mọng rách vỏ nâu non ...
Khấn thầm gặp chị Mắt nứa cứa tay Em vẫn nón đầu làng
Những câu thơ cứ nhoà lẫn giữa mơ và thực, có lẽ mơ là chính. Bài thơ đưa người đọc trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, trong một giai điệu bồng bềnh những kỉ niệm, những mối u tình khắc khoải, sâu kín. Những vần thơ chập chờn ảo mộng, mang bóng dáng của thơ siêu thực: “Mùa chưa về/ Tu hú gọi em đi tìm Mẹ/ Dãy tre xa giấu biệt dải khăn điều...”.Đó là tiếng vọng của cõi mơ, sự siêu thăng của vô thức đã chuyển hóa vào bước thơ với một cấu trúc ngôn từ đầy âm vang. Có thể xem trường hợp thơ Hoàng Cầm như là ví dụ của lối viết tự động, để con chữ tự tràn ra đầu ngọn bút theo dòng trôi của tâm trạng, cảm xúc. Ở đây, thể thơ tự do góp phần đắc lực cho việc biểu đạt thế giới nội tâm, cõi tâm linh, tiềm thức của con người.
Các nhà thơ hiện đại có tham vọng “đi vào miền còn hoang dã”, “tìm tới tâm lý học miền sâu”, gạt bỏ thơ ra ngoài miền ý thức nên những hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ của họ lộn xộn, thoắt hiện, thoắt biến, hình thành một lối thơ gọi là thơ vụt hiện. Lê Đạt nói: “Mỗi con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên đường tâm thức ra khỏi lối đi ngữ nghĩa “tiêu dùng”, một điều quen thuộc hàng ngày”. Các nhà thơ hiện đại chủ trương hình thức bài thơ tự do đã đành mà ngôn ngữ thơ cũng phải được tự do tuyệt đối, thậm chí đến mức cực đoan, quái dị là có thể lắp ghép bất cứ từ, chữ ngẫu nhiên trên báo cắt dán thành một bài thơ. “Đề cao vô thức nhưng các nhà thơ hiện đại có ý thức xóa bỏ vần luật, cú pháp,thực hiện một thứ tự do không giới hạn cho ngôn ngữ, mọi từ đều được tự do, chẳng cần nhịp, chẳng cần dấu ngắt câu, chẳng cần nghĩa”[42, 218]. Lối thơ này nhiều khi dẫn đến sự bí hiểm,cầu kỳ, lập dị. “Tóc mướt. Vòng cung. Ríu rít cánh bàng bàng. Chấm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm” hay sự kết hợp các từ trên phương diện quan hệ về ngữ âm: “Noel- đèn- môi em- za em- jeusalem- phaphem- hang Đức Mẹ- jọt- jọt- hế he- mùi quen- mà quên...(Dương Tường). Tất nhiên sâu xa trong những con chữ lắp ghép rời rạc, vô nghĩa trên là sợi dây liên hệ về ý nghĩa nào đó, một ấn tượng, một cảm giác, một ẩn ức... Nhưng kĩ thuật viết trên phần nhiều còn xa lạ với độc giả, đôi khi gây một sự phản cảm, khó tiếp nhận, một lối thơ bí hiểm, tắc tị.
Trong cách thể nghiệm của thơ hiện đại, có một thứ gọi là thơ vụt hiện. Sự xuất hiện các hình ảnh thơ hoàn toàn tự do, ngẫu nhiên, bất ngờ trong một khoảnh khắc lóe sáng của tiềm thức, được dẫn dụ bằng những ảo giác của tâm linh. Chính bản thân hình thức thơ tự do cũng là một nhân tố tạo nghĩa cho lối thơ này. Những tập thơ tìm tòi theo thể nghiệm trên là
Ba sáu bài tình (Lê Đạt – Dương Tường), Ngựa biển, người đi tìm mặt (Hoàng Hưng), Bến lạ, ô mai (Đặng Đình Hưng), Bóng chữ (Lê Đạt)... Ở đây, kinh nghiệm của lý trí bị khước từ vì toàn bài thơ là sự đan dệt của những ấn tượng, những cảm giác mơ hồ, siêu thực. Với Đặng Đình Hưng, Ô mai là một cõi ảo vọng “ảo vọng như man mác – như mây trôi, lại như trống trải cô ly – như tiếng gọi mùa”, ở đó có “giọng nữ cao lê thê dài dọc phố mùa tro thổi thốc trời đông”, ở đó có tuổi ấu thơ “ngây ngây ngày chớm lửa, lửa bồi hồi biết lửa, lửa bùng quên, bùng bốc cháy- xoay vần- cô lánh- mưa sa...”. Toàn bộ tập thơ là những ảo ảnh, hư huyền, những hình ảnh nối tiếp, dắt dẫn nhau như cuốn phim quay chậm về quá khứ, cuộc
đời, một cuộc tổng tảo mộ cuối đời của nhà thơ. Cả chuyện tình Ô mai thoang thoảng hương quê vùng đồng chiêm trũng cũng chỉ là một hư ảnh, ảo giác của nhà thơ khi biết mình sắp sửa sang thế giới bên kia. Nhịp điệu của tập thơ rất lạ, vừa quằn quại, vừa siêu thoát. Đây chính là thứ thơ vọng từ đáy sâu của tiềm thức, câu chữ cũng hư thoảng, phải để hồn lắng sâu trong cõi tâm linh mới có thể cảm hiểu được.
Với lối thơ vụt hiện, các hình ảnh nảy sinh một cách không chủ định, các mệnh đề không có mối liên hệ, rời rạc, phân mảnh. “Cột đèn rớm điện”, “mimoza chiều khép cánh mi- môi- xa”, “giàn trầu khua những át cơ rơi”...(Lê Đạt). Cách kết hợp từ hoàn toàn ngẫu hứng nhưng nó vẫn gợi lên một hiệu quả thẩm mỹ nào đó cho người đọc bằng sự liên hệ giữa những yếu tố ngữ âm của các từ.
Do tính chất lộn xộn, ngẫu nhiên, tùy hứng của thơ vụt hiện mà cấu trúc bài thơ rất lỏng lẻo, thường có kết thúc mở để tạo khoảng không cho người đọc liên tưởng, tưởng tượng. Đó cũng là cấu trúc đặc trưng riêng của hình thức thể loại thơ tự do.
Nhìn chung thơ hiện đại chủ nghĩa là tiếng nói của cái tôi cá nhân hiện đại muốn được khẳng định dấu ấn cá tính bằng những tìm tòi, thể nghiệm, cách tân độc đáo, vượt thoát khỏi thi pháp truyền thống. Qua đó, các nhà thơ hiện đại thể hiện một nhãn quan mới đối với hiện thực và một thái độ ứng xử khác so với kinh nghiệm nghệ thuật của những thế hệ đi trước. Những bài thơ hiện đại chủ nghĩa khắc sâu ấn tượng cho người đọc về một thế giới tâm linh, vô thức, ảo giác, siêu thực, trong đó, những sợi dây kiên hệ về mặt lôgic, ý nghĩa bị mờ hóa, gián đoạn, những vần thơ đôi khi rơi vào bí hiểm, giọng điệu cảm xúc không lộ thiên mà ẩn đi, chìm đi. Đặc điểm hình thức trên như một tuyên ngôn chống lại quyền năng của chủ nghĩa duy lý vốn tồn tại khá lâu trong văn học nhưng không phải lúc nào cũng còn nguyên sức mạnh của nó. Trong cuộc cách tân thơ đầy nhọc nhằn và khắc nghiệt đó, hình thức thơ tự do là một phương tiện không thể thiếu để các nhà thơ phô diễn kĩ thuật của mình. Hầu hết các bài thơ hiện đại chủ nghĩa đều là thơ tự do. Nó cũng cho thấy thơ tự do có vai trò, vị trí quan trọng như thế nào trong nền thơ ca hiện đại.
Chương 3: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ TỰ DO 1975-2000
Mọi nỗ lực tìm kiếm về nội dung thường phải song hành trong những cách tân về hình thức. Bởi vì, hình thức là cái đầu tiên trực diện mang lại giá trị tiếp nhận cho người đọc. Nội dung mới nhưng định dạng trong một hình thức cũ thì vẫn chưa được xem là đổi mới. Như vậy, cái gây dị ứng đầu tiên là hình thức, nhưng cái xây dựng được cuối cùng của một cuộc cách tân lại cũng là hình thức. Một cuộc cách tân chân chính cần phải làm mới và làm giàu cho hình thức từ nhiều nguồn khác nhau. Thơ Việt Nam 1975 – 2000 nói chung và thơ tự do nói riêng đang có những nỗ lực không ngừng, với ý thức làm giàu cho cuộc đổi thay về hình thức, đem lại cho thơ ca một thể phách mới.