Có thể nói, đặc điểm bao trùm của văn học đổi mới là tính chất “phi sử thi hóa” (Trần Đình Sử). Điều đó đồng nghĩa với sự phá vỡ hệ thống quy phạm chi phối văn học suốt bao nhiêu năm chiến tranh, thậm chí còn tiếp tục ảnh hưởng đến văn học mười năm sau đó như một quán tính. Khuynh hướng phi sử hóa đưa văn học thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề phức tạp của đời sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân. Nó cũng kích thích văn học phát triển nhiều tìm tòi thể nghiệm đa dạng phong phú về nội dung, tư tưởng, phương pháp sáng tác, giọng điệu... Văn học đổi mới vì thế có xu hướng đa thanh hóa, hội tụ những đổi thay trong ý thức của người cầm bút, trong cách nhìn nhận những vấn đề của đời sống. Các nhà thơ nhận thức một cách sâu sắc rằng cần phải làm mới thơ ca từ cả nội dung đến hình thức nghệ thuật của nó. Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra cho thơ là tinh thần dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật. Giờ đây văn chương phải đối mặt với hiện thực bằng cái nhìn rạch ròi, duy lý và tỉnh táo. Lớp nhà thơ trưởng thành sau cách mạng dường như đang có một độ lùi cần thiết để tự chiêm nghiệm, suy ngẫm về những gì đã qua và những gì đang tới. Một cách tự giác, các nhà thơ đều hiểu rằng, để làm tròn sứ mệnh lịch sử, có một thời, văn chương đã lạm dụng yếu tố đại ngôn, xáo rỗng. Trong thơ ca xuất hiện tâm thế tự nhận thức, đối thoại với những chuẩn mực giá trị cũ của quá khứ. Tất nhiên, không phải mọi giá trị đều được định vị lại nhưng cuộc sống đã được nhìn theo một lăng kính khác trước. Và hơn lúc nào hết, sự chân thật trong thơ ca được đặt lên hàng đầu:
Tôi lột hết ngữ ngôn bóng bảy
những áo xống triệu thần trong những tụng ca
những bài thơ trẻ trung cởi áo dưới mặt trời làm nghĩa vụ công dân
(Thu Bồn)
Tôi đi qua tuổi học trò
Nói năng khuôn phép câu thơ xáo mòn Cười mình quen thói đại môn
Thương vay khóc mướn véo von một thời.
(Anh Ngọc)
Đó là những lời tận đáy lòng của một lớp thế hệ các nhà thơ lớn lên cùng cách mạng. Không thể phủ nhận được những thành tựu của thơ ca kháng chiến cũng như trách nhiệm lịch sử vinh quang mà nó đã đảm đương. Nhưng cuộc sống sau chiến tranh đầy những bộn bề khắc nghiệt. Văn học phải dũng cảm đón nhận sự thật, đối mặt với nó. Những đại ngôn, xáo ngữ giờ đây nhường chỗ cho những suy tư thâm trầm, lắng đọng. “Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm/Tiếng hát lẫn với im lìm của đất” (Chế Lan Viên). Nhu cầu nhận thức lại giá trị của thơ ca, nghệ thuật, cuộc
sống đang đặt ra cho thơ sau 1975 trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Hình thức thơ tự do đã thực hiện rất tốt vai trò của nó khi chuyên chở hiện thực đời sống những năm cách mạng, theo kịp tâm tư, tình cảm của người cầm bút. Sau 1975, thể loại thơ tự do vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, thậm chí còn giữ thế áp đảo hơn so với các thể thơ khác. Bởi nhu cầu nói lên sự thật, nói lên tiếng nói của chính mình là nhu cầu bức thiết đến đau đớn của thơ ca đương đại. Để phơi trải lòng mình đến tận cùng chân thật, không gì thích hợp hơn là thơ tự do. Thơ tự do với khả năng co duỗi nhịp nhàng có thể đi vào mọi ngõ ngách sâu kín trong nội tâm con người, lúc trải dài, lúc cô đặc theo từng diễn biến tâm lí. Các nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ sau 1975, tìm đến thơ tự do như một công cụ đắc lực nhất để truyền tải ý hướng sáng tạo, năng lực nhận thức đời sống và cái tôi cá nhân tràn đầy xúc cảm của mình. Thơ tự do được tôn vinh ở vị trí rất cao. Đây là đánh giá của cây bút trẻ Vi Thuỳ Linh: “Trong nền thơ Việt Nam đương đại, tôi cho rằng thơ tự do có thể là loại thơ duy nhất có thể cập nhật với nền thơ hiện đại của thế giới. Nó là thể thơ duy nhất có thể dịch một cách khá hoàn chỉnh (về nội dung) ra tiếng nước ngoài cũng như tạo được hiệu ứng tiếp nhận tương đối chuẩn xác mà không lo bị biến đổi như thơ lục bát, thơ thất ngôn dịch sang tiếng Anh. Và hơn cả, việc tìm kiếm mới lạ cũng như làm mới những cái cũ trong thơ tự do, mang đầy biểu hiện của tính hiện đại”. Nhận định trên đây có thể hơi cực đoan, mang đầy nhiệt tình khẳng định tuổi trẻ, nhưng không thể không nhận thấy hạt nhân hợp lý của nó cũng như nguyện vọng của cả một lớp các nhà thơ trẻ sau 1975: muốn được làm mới thơ ca theo tinh thần hiện đại, muốn những sáng tác kết tinh tài năng, tâm hồn của dân tộc được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới...Ý kiến trên đây của Vi Thuỳ Linh chỉ là một trong rất nhiều ý kiến cổ vũ cho thơ tự do, một lối thơ đã khởi sắc từ rất lâu và mới đây là những thể nghiệm độc đáo của Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều... Đổi mới hình thức nghệ thuật thơ ca là nhu cầu nội tại của chính bản thân thơ trên những bước đường phát triển. Người đọc ngày nay cũng hoàn toàn có quyền đòi hỏi ở thơ ca một trình độ cập nhật với thế giới hiện đại, bắt kịp với nhịp sống mới của thời đại. Làm mới hình thức thể loại thơ tự do là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến trình làm mới thơ Việt Nam từ sau 1975. Bởi xét đến cùng, hình thức không đơn giản là bình chứa của nội dung mà là nơi thể hiện cái nhìn nghệ thuật, tư duy nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ về con người và cuộc sống.