Ngôn ngữ giàu tính hình tượng

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 52)

Tính hình tượng là một đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Trong nhận thức luận, khái niệm hình tượng chỉ những kết quả của hoạt động nhận thức của con người, độc lập với hình thức của hình tượng (không chỉ những hình tượng cụ thể mà cả những hình tượng trừu tượng: những khái niệm, những công thức, những lý thuyết...). Trong tâm lý học, người ta hiểu hình tượng trước hết là sự phản ánh thực tế một cách cụ thể cảm tính. Trong nghiên cứu văn học, từ hình tượng được xem xét theo ba nghĩa: Hình tượng như là một chi tiết có màu sắc, hình ảnh, một ẩn dụ hoặc một hình thức chuyển nghĩa khác gắn với nghĩa bóng; hình tượng như là nhân vật văn học và hình tượng như là một kiểu đặc biệt của nhận thức và phản ánh một thế giới khách quan. Cách giải thuyết thứ ba là cách giải thuyết chung nhất về hình tượng , hai cách giải thuyết còn lại có thể coi là những phương tiện nhận thức và phản ánh một cách hình tượng thực tế khách quan. Còn trong ngôn ngữ học, tính hình tượng, theo nghĩa rộng nhất có thể xác định là thuộc tính của lời nói thơ (lời nói nghệ thuật) truyền đạt không chỉ thông tin logic mà còn cả thông tin được tri giác một cách cảm tính (cảm giác, tri giác, biểu tượng) nhờ hệ thống những hình tượng ngôn từ. còn bản thân hình tượng ngôn từ đầu tiên có thể được xác định như là mảnh đoạn của lời nói (từ hoặc cụm từ) mang thông tin hình tượng, mà ý nghĩa của thông tin hình tượng này không tương đương với ý nghĩa của những yếu tố được lấy tách riêng ra của mảnh đoạn đó cộng lại. Một từ trong tác phẩm nghệ thuật không thể được coi ngang bằng như từ của ngôn ngữ thực hành , vì trong văn bản nghệ thuật, từ thi ca (từ nghệ thuật) có hai bình diện theo khuynh hướng nghĩa của mình, có mối tương quan đồng thời cả với những từ của ngôn ngữ văn hoá chung, cả với những yếu tố của cấu trúc ngôn từ của văn bản nghệ thuật. Như vậy, ngôn ngữ mang tính hình tượng là thứ ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng khơi gợi những liên tưởng, cảm nhận vượt lên trên ý nghĩa của bản thân nó. Chính vì thế, nó tạo nên tính chất đa nghĩa, hàm súc cho lời thơ. Không phải ngẫu nhiên mà ở mỗi một giai đoạn khác nhau, mỗi một người đọc khác nhau lại có những liên tưởng, cảm nhận khác nhau. Thậm chí, cùng một người nhưng ở những độ tuổi khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau thì sự cảm nhận cũng không đồng nhất. Chính điều này tạo nên sức sống bền bỉ, khẳng định vai trò không thể thay thế được của văn chương nghệ thuật cũng như thơ ca.

Sự gia tăng tính hình tượng trong ngôn ngữ thơ sau 1975 có ý nghĩa tích cực trong việc biểu hiện một thế giới đa thanh, phức tạp đang không ngừng vận động, biến đổi. Các nhà thơ bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, suồng sã đã không

ngừng tìm tòi, sáng tạo tính hình tượng cho ngôn ngữ bằng cách kết hợp những tổ hợp từ ngữ vốn tưởng như không liên quan gì với nhau, từ đó tạo nên những trường liên tưởng ngữ nghĩa mới mẻ. Tiêu biểu cho khuynh hướng này phải kể đến Lê Đạt:

Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió Đùi bãi ngô non

ngo ngó sông dầy Cây gạo già

lơi tình lên hiệu đỏ La lả cành cởi thắm để hoa bay (Quan họ)

Nói thiên nhiên ở những câu thơ trên đã được nhân cách hóa, mang dáng dấp con người e chưa thật chính xác. Chính xác hơn ở đây, nhà thơ đã tạo nên những ẩn dụ nhất thể hóa thiên nhiên và con người. “Đùi bãi ngô non”, “ngo ngó sông đầy”, “cây gạo già cởi thắm để hoa bay” là vẻ đẹp của người thiếu nữ mà cũng là vẻ đẹp của thiên nhiên đấy thôi. Cái tình tứ, xốn xang trong bài thơ cũng chẳng nên phân tách rạch ròi là khởi phát từ lòng người hay từ đất trời, tất cả cứ hô ứng, hoà điệu với nhau rất tự nhiên. Phép làm chữ này của Lê Đạt có thể tìm thấy tiền thân từ những thể nghiệm của Nguyễn Xuân Sanh. Trong thơ Lê Đạt, những sự vật, hình ảnh vốn ít có quan hệ gần gũi về mặt liên kết ngữ nghĩa và ngữ pháp lại đứng kề nhau, không có một dấu hiệu ngữ pháp nào lý giải quan hệ giữa chúng. Câu thơ bị vỡ ra thành những đơn vị độc lập, nhà thơ hoàn nguyên từ thành những hình vị, có khả năng kết hợp tự do theo nhiều kiểu quan hệ với đơn vị kế bên nó, thậm chí cách quãng với nó, không chỉ kết hợp theo trục ngang mà còn có thể kết hợp theo trục dọc. Mỗi khả năng kết hợp đó có thể tạo sinh ra một lớp nghĩa. Cố nhiên khả năng phát nghĩa này phụ thuộc vào hành động đọc của độc giả. Không nên nhìn nhận “trò chơi chữ” này với thái độ tiêu cực. Trò chơi ấy có những thú vị của nó, như Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra “từ hữu hạn những con chữ, bài thơ có thể mở ra vô hạn (ít ra trên bình diện lý thuyết) những đường dây ngữ nghĩa làm tăng các chiều kích của không gian thẩm mỹ”[80, 61].

Cùng với cách sử dụng từ ngữ giàu tính hình tượng theo kiểu này, ta còn có thể kể đến các ví dụ khác:

Khát khao nào trèo vách núi thời gian Nếu không nợ những lời tình lọ- kọ? Nếu không có lứa đôi tìm nhau nữa Thì ngôi trăng chải chuốt nhạt vành trời

(Lời tình lọ-kọ – Vương Anh)

Đêm về khuya

Trăng ngả màu hoa lý Tiếng gọi đò

Căng chỉ ngang sông

(Đò khuya – Phùng Cung)

Đoàn Mạnh Phương lại gây ấn tượng cho người đọc bằng thủ pháp nhân hóa:

Những cơn gió vịn vào vết nứt cổng làng tôi Mùi rơm rạ bế tôi lên bằng đầm đìa ký ức Lưng bà đã còng hơn

Lúa phơi như nước mắt

Những mùa đông hốc hác gọi tên chồi

(Cổng làng )

Quá khứ tưởng như đã lùi xa nhưng thực tế vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống thực tại. Một vết nứt nơi cổng làng, một mùi thơm nồng của rơm rạ quê hương hay lưng còng của bà cũng có thể khơi gợi con người ta nhớ về quá khứ với biết bao yêu thương, day dứt. Ngày mai, mùa xuân và chồi non lộc biếc sẽ tới nhưng đừng quên rằng nó đến từ tiếng gọi hốc hác đến nao lòng của mùa đông. Hiện thực hôm nay luôn ẩn hiện đâu đây dấu vết của quá khứ hôm qua. Nhà thơ trân trọng yêu thương biết bao nhiêu chiếc cổng làng không phải chỉ vì nó là hình ảnh của quê hương mà còn bởi nó là dấu vết của một thời xa vắng còn hiện hữu với hiện thực cuộc đời đang chảy trôi.

Trên đây là những thủ pháp quen thuộc, phổ biến mà nhiều nhà thơ sử dụng để tạo nên tính hình tượng cho ngôn ngữ của mình. Những thủ pháp này không phải là mới, chỉ có điều trong một dung lượng phóng khoáng của thể thơ tự do, nó giúp ích đắc lực cho người nghệ sĩ ngôn từ tạo dựng nên những con chữ mang hình tượng dư âm đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 52)