Ngôn ngữ đời thường suồng sã

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 49)

Thơ ca sau 1975 lấy việc hoà nhập đời thường làm tiêu chí, sử dụng vốn từ không câu nệ; lời ăn tiếng nói đời thường kể cả từ địa phương, từ tục, tiếng lóng, vỉa hè, thông tục để phục vụ cho thủ pháp xây dựng hình tượng và biểu hiện cái tôi hiện đại. Có thể thấy đây là biểu hiện của tinh thần dân chủ đang diễn ra trên mọi phương diện của đời sống nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Loại ngôn ngữ này thể hiện sự thay đổi cái nhìn của nhà thơ về đời sống, về quan niệm thẩm mỹ. Trước đây, thơ hướng về thế giới thiên nhiên thanh sạch, thế giới bồng lai, tiên cảnh, những cảm xúc kì vĩ để điểm tô hiện thực. Còn giờ đây, thơ nói chung và thơ tự do nói riêng ở lại với cõi trần ai có giọt nước mắt mặn mòi, có cái tấp nập ồn ào và cả sự đắng cay chua chát.

Đêm nhấp nháy, nhạc xập xình như hóa dại người, vật rối tinh rối loạn xà ngầu

(Hội hóa trang – Trinh Đường)

tôi tự khoanh vùng mình

(Khúc chậm 2000 – Thanh Thảo)

Không phải vị hăng hắc mời mọc của cave mấy nàng

(Ớt xanh – Nguyễn Thụy Kha)

Thêm vào đó ngôn ngữ thơ ở thời kì này thường rất cụ thể, ít những từ mang tính khái quát, trừu tượng. Nó như một thứ ngôn ngữ để kể hơn là để biểu đạt cảm xúc hay tạo nhạc tính.

Tôi lao vào đêm với con dao trong tay Lùng sục cái bóng của mình

Chưa tìm ra mà đã vấy máu bức tường văn chương lở lói ngồi bệt xuống bãi cỏ

tôi khóc cho một người từng khen cái bóng của tôi đẹp hơn chủ nó

(Khương Hà - Đêm)

Đọc những câu thơ trên, ta thấy chủ yếu ngôn ngữ ở đây gần với ngôn ngữ tự sự nhằm trình bày một chuỗi sự việc nào đó. Chính vì thế, đâu đây ta thấy âm vang tiếng nói của cuộc sống đời thường. Các nhà thơ hiện đại sử dụng ngôn ngữ đời thường trong đó danh từ là chủ yếu tạo nên chất giọng kể chuyện, từ đó nhằm thể hiện cuộc sống một cách trực diện nhất. Cách sử dụng ngôn ngữ như vậy không phải là chưa từng có trong thơ ca Việt Nam. Trước đây, thơ ca chống Pháp cũng tạo nên một bước đột phá mới trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường. Đến nay, chúng ta vẫn còn nhắc đến những bài thơ của Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Trần Hữu Thung... như những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho việc sử dụng ngôn từ chân thành, giản dị, gần gũi với đời sống của tầng lớp công nông binh. Có lẽ đây là một yêu cầu tất yếu khi thơ ca lúc này trở thành một thứ vũ khí kì diệu của cuộc kháng chiến nhằm kêu gọi và tổng hợp sức mạnh của toàn dân. Và tiếp nối mạch truyền thống ấy, thơ tự do đương đại cũng lựa chọn ngôn ngữ của cuộc sống đời thường nhằm tạo dựng nên một không khí, một màu sắc đương thời cho thơ. Chính lớp từ ngữ này khiến cho người đọc chúng ta có thể cảm nhận được hơi thở của đời, mùi vị của cuộc sống đang từng giờ, từng phút chảy trôi. Tuy vậy, ngôn ngữ đời thường trong thơ đương đại còn mang những giá trị thẩm mỹ khác biệt. Nếu trước kia, ngôn ngữ đời thường là để phù hợp với lời ăn tiếng nói cũng như tầm nhận thức còn hạn chế và giản đơn của người nông dân, thì giờ đây mục đích đầu tiên của nhà thơ khi sáng tạo ngôn ngữ là để tái hiện một hiện thực toàn vẹn với tất cả những mảng màu sáng – tối như bản thân hiện thực cuộc sống vốn có. Thêm vào đó, ngôn ngữ của đời sống đi vào thơ ca một cách tự nhiên và phổ biến như hiện nay có lẽ còn mang một thông điệp sâu sắc của ý thức cá nhân, ý thức phản kháng lại khuynh hướng sử thi hào quang một thời còn rơi rớt. Bằng ngôn ngữ đời sống, các nhà thơ đã hiện thực hóa cuộc đời với những xô bồ, những đua tranh mà bản thân mỗi con người tồn tại trong “thế giới hiện hữu” đều đang phải đối mặt. Đến với thơ đương đại, người đọc không thể “thoát lên tiên” hay “say trong trường tình” mà chỉ có thể đặt bàn chân mình giữa những ngã rẽ đầy âm thanh ồn ào, khói bụi của con đường cuộc sống.

Ngôn ngữ đời thường suông sã còn mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc. Bởi thứ ngôn ngữ này với thể thơ tự do phóng khoáng cho phép các nhà thơ có thể miêu tả cụ thể , sinh động số phận của những kiếp người bần cùng, đau khổ trong xã hội. Cái thô mộc của ngôn ngữ đời thường phù hợp với cái lấm lem, bùn đất của

những em bé mồ côi, tàn tật, những cậu bé bán vé số, đánh giầy, những cô gái bán hoa lầm lỡ một đời hay những kiếp người “sống bụi”.

Chiều vàng xuống lưng đèo Em bé một mình với gánh củi ...Em gái ơi sao em không nói Đôi mắt to, tóc cháy nắng thế kia

(Em bé câm – Trần Hùng)

Tôi đi, những thằng bé lau nhau chạy long đường bán vé số, đánh giầy, “tử vi” và “kết quả”

(Tôi đi trên đường – Phan Huyền Thư)

Cỏ hoa quen mùi thịt da em không quen ngủ một mình không quen cả nhịn đói

em không thể ngủ dậy mà không soi gương anh bước nhanh khỏi hàng cây son phấn vứt mẩu tàn thuốc vào đêm

rất lâu trong bóng tối lãng quên còn lập lòe ngôi sao lạc

(Du khách – Từ Quốc Hoài)

Nhà thơ - người luôn luôn có trái tim nhạy cảm và lòng yêu thương tha thiết không thể nào không xót xa, thương cảm cho số phận những kiếp người bé mọn. Bằng ngôn ngữ đời thường chân thực, họ đã tái hiện lại bức chân dung của những con người có thật giữa cuộc đời mà đôi khi vì vội vàng, mải miết với những lo toan thường nhật ta vô tình lãng quên. Đọc những vần thơ ấy, ta thấy yêu thương con người hơn và cũng biết trân trọng hơn hạnh phúc đơn sơ nhưng quý giá mà ta đang có.

Thêm vào đó, thứ ngôn ngữ đời thường gần với văn xuôi này còn có tác dụng sâu sắc trong việc thể hiện chiều sâu thân phận con người. Chẳng hạn, cái sù sì, trần trụi trong thơ Nguyễn Quang Thiều có ý nghĩa như một sự tương thích với cõi cô đơn của con người hiện đại, một thế giới tối tăm mà đôi khi chúng ta chỉ có thể cảm nhận được chứ không lý giải được:

Những người đàn bà xuống bến, những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái...

(Những người đàn bà gánh nước sông) Hoặc:

Vạch áo xem trộm vú mình trong gác bếp đầy rơm Rồi bước ra sân không gọi ai chỉ gọi con chó Con chó liếm lưỡi hôi lên kí ức buồn

(Trong tiếng súng bắn tỉa)

Mới đọc qua những dòng thơ này, nhiều người đọc vốn quen với cách sử dụng ngôn ngữ truyền thống sẽ không khỏi cảm thấy ngượng ngùng, đỏ mặt. Nhưng thực chất, đó là những câu thơ nghiêm túc và gây ấn tượng. Đằng sau lớp ngôn ngữ trần trụi, gồ ghề kia ta thấy được giá trị hiện thực sâu sắc từ hình ảnh những người đàn bà gánh nước sông tần tảo đến chai sạn cả cuộc đời, thấy được những khát khao thầm kín riêng tư, thấy được cả một khoảng lặng của kí ức buồn mà con người không dễ dàng

để quên. Tất cả những giá trị đằng sau lớp ngôn ngữ thô ráp ấy chắc chắn còn gieo vào lòng người đọc những dư ba, gợi lên những trường liên tưởng không dứt. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Như vậy, cùng với những biến động của đời sống hiện thực, ngôn ngữ trong thơ cũng có những biến đổi theo. Ngôn ngữ đời thường suồng sã đi vào thơ ca nghệ thuật một cách tự nhiên. Nó là thứ ngôn ngữ thông dụng ở đầy đủ các thể loại thơ nhưng đặc biệt hữu ích và phát huy được thế mạnh ở thơ tự do phóng khoáng. Bên cạnh việc tạo ra một không gian hiện thực đời sống đương đại rất đáng tin cậy, ngôn ngữ đời thường còn mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm – giá trị tạo nên sức sống của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng.

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 49)