Hình ảnh mang màu sắc siêu thực

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 46)

Ở một mức độ nhất định, có thể nói, yếu tố siêu thực đã tiềm ẩn trong thơ từ xưa, trong thơ cổ điển và ngay cả ca dao, nếu ta hiểu hình ảnh siêu thực là những hình ảnh không rõ dấu ấn của logic hiện thực, đậm chất hư ảo, được hình thành bởi trí tưởng tượng phóng khoáng của thi sĩ. Những câu thơ kinh dị của Lý Hạ đời Đường: “Xà độc mùng ngưng động đường thấp – Giang ngư bất thực hàm sa lập” (Do các phòng trong sơn độngẩm ướt, nóng nực nên khí độc của loài rắn ngưng tụ không tan – Cá trong sông không đi tìm thức ăn mà ngậm cát đứng lên), những hình ảnh trong

Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều : “Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh... Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương”, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Mây Tần khoá kín song the – Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”... theo nhiều nhà nghiên cứu có thể xem như đã mang mầm mống của siêu thực. Những tìm tòi về kĩ thuật tạo hình theo hướng đi như vậy sẽ được các nhà thơ siêu thực đầu thế kỉ XX nâng lên thành lý thuyết. André Breton, chủ soái của trào lưu này xem việc kết nối những thực thể vốn rất xa nhau, không có hoặc có rất ít mối liên hệ với nhau, bất chấp logic của lý trí như một nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng. Ông đã viết: “...sự gần gũi có thể nói là ngẫu nhiên của hai từ làm phát ra một thứ ánh sáng đặc biệt, ánh sáng của hình ảnh, làm ta thấy xúc động vô cùng. Giá trị của hình ảnh tuỳ thuộc và vẻ long lanh của ánh sáng ấy, vì thế, nó tuỳ thuôc vào hiệu số điện thế khác nhau giữa hai chất dẫn... Với tôi, hình ảnh gợi cảm manh nhất là hình ảnh cực kì tuỳ tiện và võ đoán, tôi không hề che giấu điều ấy, người ta phải tốn khá nhiều thời gian trong việc dùng ngôn ngữ thông thường để giải thích, hoặc là hình ảnh chứa đựng dung lượng quá lớn mâu thuẫn với bề ngoài, hoặc là một trong những từ tạo hình gợi tò mò bí ẩn, hoặc là tiên báo cảm xúc”. Ông dẫn ra một số ví dụ của những người được xem là tiền bối của phong trào siêu thực, của bản thân và những người có cùng khuynh hướng thẩn mỹ: “Trên chiếc cầu giọt sương ở đầu con mèo đong đưa” (André Breton), “Trong khi rừng cháy, những con sư tử đều mát tươi” (Roger Vitrac).

Quan điểm tạo hình của các nhà siêu thực đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong thơ ca hiện đại thế giới. Quan điểm đó đã khai mở mãnh liệt trí tưởng tượng của nhà thơ. Nó cho phép nhà thơ nhìn xuyên bề mặt các sự vật, phát hiện những mối liên hệ ngầm ẩn, đa phương giữa chúng. Nó có khả năng gây sốc mạnh mẽ đối với người đọc, phá vỡ cái nhìn theo quán tính đối với sự vật, mở ra những kênh liên tưởng mới, bất ngờ về một hiện thực khác, một hiện thực được cảm thấy, chứ không phải chỉ là cái hiện thực biểu kiến. Quan sát thơ hiện nay, có thể nói, ta dễ dàng tìm thấy nhiều hình ảnh thơ in đậm chất kì lạ, không cấu tạo theo logic hiện thực. Màu sắc siêu thực hiện diện ở hầu hết các thể nghiệm cách tân thơ hiện nay, tất nhiên mức độ biểu hiện đậm –

nhạt như thế nào còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Xin đưa ra một số dẫn chứng để minh họa:

Tôi bồng bềnh tôi nở chật không gian Tôi nhìn tôi bay khỏi mặt đất

(Số – Hoàng Hưng)

Hôm qua, tôi ghé alfa alfa không có nhà,

ồ gặp nhau rồi sao vẫn cứ ly một nắm hột khuya rắc vào bến lạ Đời jì

Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến lạ

(Bến lạ - Đặng Đình Hưng)

Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ái ngại Qua những ngôi sao đã mở mắt nhưng lưỡi thì chưa mọc Tôi gặp dơi của bình minh, sơn ca của bóng tối

Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về

(Bài hát – Nguyễn Quang Thiều)

Có những ngày mặt trời lép kẹp lũ mèo hoang nhảy với đàn chuột Từng giờ như chiếc kèn

thổi phồng ngực trai trẻ nắng nằm đỡ đần nghe đàn sâu rơi

(Thời gian – Văn Cầm Hải)

Chúng tôi lựa chọn dẫn chứng từ các tác giả theo những lối viết, phong cách khác nhau để thấy, mặc dù không thể nói tất cả những thể nghiệm cách tân thơ hiện nay đều hướng sang ngã rẽ siêu thực nhưng trên thực tế, kinh nghiệm siêu thực đã được nhiều tác giả tiếp thu một cách tự giác, có chọn lọc, trong đó có kinh nghiệm tạo hình. Những hình ảnh tân kì, ấn tượng như trên có lẽ không phải đơn thuần là kết quả của các phép nhân hóa, vật hóa, phóng đại... Những hình ảnh ấy cho ta thấy cái nhìn của nhà thơ muốn đột phá vào cái “bề xa, bề sau, bề sâu” (Chế Lan Viên) của hiện thực, muốn chạm đến tận cái miền mông lung, hư ảo của tâm cảm, muốn nhận thức cái phi lý chứ không dừng lại ở những quy luật logic thông thường. Một tinh thần siêu thực chủ nghĩa nghiêm túc không bao giờ là một trò xiếc chữ, môt thái độ lập dị, bệnh hoạn.

Sự thể nghiệm kinh nghiệm tạo hình có tính chất siêu thực đã làm xuất hiện trong thơ của nhiều tác giả hiện nay những hình tượng grotesque (nghịch dị). Khái niệm nghịch dị có thể được hiểu là “một kiểu tổ chức hình thức nghệ thuật dựa vào huyễn tưởng, vào tính trào phúng, vào tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyền hoặc và cái thực, cái đẹp và cái xấu, cái bi và cái hài, cái giống thực và cái biếm họa”. Nghệ thuật nghịch dị chủ ý trình bày một thế giới dị thường, phi tự nhiên, lạ kì. Hình tượng nghịch dị thường phá vỡ ấn tượng thẩm mỹ đơn nhất của con người về đối tượng mà nó biểu hiện. Nó là bức tranh khảm kết gắn nhiều sắc thái đối cực : hài hước – bi đát, thô tục – nên thơ, lãng mạn – hiện thực... Theo chúng tôi hình tượng người phụ nữ trong những bài thơ của Nguyễn Quang Thiều có thể xem như những hình tượng nghịch dị. Họ được khắc hoạ như những chân dung bị biến dạng, nhàu nhò, những đường nét thể hiện sự gợi cảm của phái tính trên cơ thể như bị thui chột.

Không phải ngẫu nhiên nhà thơ thường dùng hình ảnh những con vật : con nhện, con cào cào, gà mái... để tô đậm ấn tượng đó.

Cà cuống có còn cay? rùa trắng có còn thiêng?

Những người đàn bà thụ thai suốt mùa đông cùng gió lạnh Rồi khóc sự hiện hình của mình trong đáy lưới

Lấy khăn vuông bọc những ổ trứng ung không thể nở, và cười...

(Người đàn bà mùa đông)

Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm của nửa đời toi thấy

Những người đàn bà xuống gánh nước

(Những người đàn bà gánh nước sông)

Song những người đàn bà tưởng như thâu góp trong mình tất cả những khổ sở, nhọc nhằn trên mặt đất này đồng thời cũng hiện lên với vẻ đẹp “lẫm liệt” (Phạm Tiến Duật), “lãng mạn, cao vời, lớn lên ngang tầm vũ trụ” (Nguyễn Đăng Điệp). Những nét vẽ của nhà thơ lúc này trở nên bay bổng, đậm chất huyền ảo:

Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt

Một bàn tay họ bám và đầu đong gánh bé bỏng chơi vơi Bàn tay kia bấu vào mây trắng

(Những người đàn bà gánh nước sông)

Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh như những tấm huân chương

(Trên đại lộ)

Hiệu quả thẩm mỹ của các hình ảnh mang màu sắc siêu thực thể hiện trước hết ở chỗ nó gây ấn tượng mạnh đến người đọc, buộc người đọc phải thay đổi tư duy tiếp nhận. Đó là hiện tượng thơ mà một nhà thơ dòng chính thống phải thừa nhận là đọc thấy sợ mà sướng, thấy sướng mà sợ. Nó chứng tỏ sức mạnh của trò chơi ngôn ngữ và khiến người đọc hiểu rằng, không có cái gì gọi là không thể trong thế giới hiện đại này. Ở một góc độ nào đó, nó thể hiện tính nhân bản sâu sắc khi diễn tả được góc khuất trong đời sống tinh thần của con người thời hiện đại. Nó giúp con người giải tỏa những bế tắc, uẩn khúc khó tránh khỏi trong cuộc đời. Nói cách khác, đó là một cách phá tung những luật lệ rào cản trong cả văn chương lẫn đời sống một cách vô hại nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào các thể nghiệm thơ siêu thực của các nhà thơ này cũng thành công. Chẳng hạn với Hoàng Hưng, những câu thơ siêu thực lên đến mức cực đoan phải kể đến phần thơ vụt hiện với lối viết tự động như một bản tốc ký những hình ảnh, âm thanh, ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu óc. Đó là những bài thơ như mê hồn trận chữ : “Biển hà hát. Tóc mượt. Vòng cung. Riu ríu cành bàng bàng. Chấm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm”. Các hình ảnh nối nhau hiện lên không đầy đủ diện mạo giống như một đoạn phim ghép nối các cảnh được quay nhanh, các cảnh gần như đồng hiện rồi vụt biến để lại cho người xem cái bâng khuâng khó hiểu và nỗi ám ảnh sâu xa. Có những hình ảnh như đánh đố người thẩm thơ: “Gió đánh hãi hùng góc bít, không đầu, không cuối, ở giữa trăng rằm. Chận non xa, chận hút nẻo, tôi một mình vỗ cánh”... Có lẽ những câu tho này đã siêu thực đến mức chẳng đem lại giá trị gì cho

người đọc. Chúng ta thấy nó ở thật xa trong một thế giới khác, không có bước chân con người.

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 46)