Hình ảnh của cuộc sống đời thường, trần tục

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 41)

Trong thơ ca Cách mạng 1945 – 1975, có thể thấy hình ảnh thơ có mẫu số chung qua các thời kì. Đó là những hình ảnh, biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến thần thánh: Hình ảnh lãnh tụ, người lính, Tổ quốc và nhân dân anh hùng. Những hình ảnh của cuộc sống đời thường, mang đậm màu sắc hiện thực đặc biệt những hình ảnh là biểu tượng của tình yêu cá nhân dường như không tìm thấy vị trí trong thơ. Đó là điều dễ hiểu ở một nền thơ mang âm hưởng sử thi với cảm hứng bao trùm là Tổ quốc giang sơn hùng vĩ.

Sau 1975, thơ áp sát hiện thực hơn, nói nhiều về mất mát, hi sinh, về cuộc mưu sinh đầy toan tính nhọc nhằn. Hình ảnh người chiến sĩ kì vĩ một thời : “Anh đi xuôi ngựơc tung hoành/ Bước dài như gió xoay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc thuyền con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương” (Tố Hữu) không còn làm rung động tâm hồn người yêu thơ nữa. Thơ ca oằn mình, nhọc nhằn theo nhịp sống đời thường, trần tục.

Ta bắt gặp trong thơ tự do không ít những hình ảnh của cuộc đời trần trụi, thô nhám với những vất vả, lo toan cơm áo gạo tiền. Đây là Bút ký thơ của một kế toán trưởng:

Mặt gầy choắt mà đồng nghiệp gọi là “thằng – mặt – nặng” Máy tính dính tay lẩm bẩm suốt ngày

Chủ nhật máy em bay

Để quyết toán anh ngồi xanh mặt Râu mọc dài trong tay

Mực đậm thế mà chuỗi số cứ mịt mờ héo hắt Vốn liếng ra đi quên cả lối về

( Trần Hoàng Cương)

Các nhà thơ không còn thần thánh hoá thơ như trước nữa. Mỗi vần thơ được đặt trong cái nhìn trực diện tỉnh táo:

Đêm ngủ chỉ toàn lo vật giá Xa dần truyện ngắn, bớt dần thơ

(Chế Lan Viên)

Lo phấp phỏng với đồng lương trượt giá

(Trương Nam Hương)

Câu thơ thật đổi lấy đồng tiền giả Vã mồ hôi sôi nước mắt thắt lòng

(Nguyễn Duy)

Trong thơ lúc này ta không còn bắt gặp những hình ảnh mang tính biểu tượng như: máu và hoa, chiến hào, chiến luỹ, cuộc chia ly màu đỏ, đất quê ta mênh mông, dáng đứng Việt Nam ... như trước. Thơ ca lặng lẽ ghi lại trong mình những hình ảnh của đời

sống bụi bặm, sần sùi như: “những chiếc vé số vứt bên đường/ lẫn trong cỏ rác”

(Những chiếc vé số – Lê Văn Vọng), cột thu lôi (Lê Trung Nguyệt), vết sơn mặt sàn

(Cao Phương), hạt muối (Viết cho hạt muối – Phạm Trọng Thanh)... Hình ảnh những con người xuất hiện trong thơ cũng thật nhỏ bé, yếu đuối. Đó là hình ảnh người đánh trống dàn nhạc “ngồi khuất sau biết bao nhạc cụ/ ngồi lấp sau biết bao người đời” (Phạm Ngọc Cảnh), hình ảnh người nghệ sĩ sau đêm diễn với ánh đèn sân khấu hào nhoáng là sự trống trải, cô đơn, lạnh lẽo (Nguyễn Văn Chương); hình ảnh những người khóc thuê trong đám tang để rồi rưng rưng trước sự ra đi của người thân mình mà không biết đó là thật hay giả (Trần Quang Đạo), hình ảnh của người hát rong (Lê Giang), của những đứa trẻ lang thang chọn nơi cửa Phật làm điểm dừng chân (Thi Hoàng)... Tất cả những con người đó đã và đang từng ngày từng ngày tồn tại vật lộn với cuộc đời và cũng từng ngày từng ngày bị cuộc đời cuốn trôi.

Bên cạnh những hình ảnh trần trụi của cuộc sống đời thường, nhiều nhà thơ còn tìm đến những hình ảnh mà quan niệm lâu nay thường xem là thiếu chất thơ, tầm thường, thô tục. Đó là những con bọ, rác rưởi, cống rãnh, cái bồn cầu, cái ống chích, xác chết... Dường như khi đưa vào thơ những hình ảnh này, người nghệ sĩ ngôn từ không còn có ý niệm phân biệt sự vật này là nhiều thi vị, nên thơ còn sự vật kia thì không. Tất cả mọi sự vật đều bình đẳng như nhau, đều mang một giá trị tự thân và đều có quyền trở thành đối tượng miêu tả của thơ. Đó là biểu hiện của tinh thần dân chủ hoá trong quan niệm về thi liệu trong thơ hiện nay.

Việc đưa vào trong thơ những hình ảnh có vẻ ít chất thi vị, không theo quan niệm truyền thống như trên không phải lúc nào cũng làm cho thơ bị ghì sát mặt đất. Bằng những cách khác nhau, các nhà thơ đã thổi linh hồn cho những sự vật vốn rất hằng thường ấy đi vào văn bản nghệ thuật trở thành những hình ảnh thơ đầy ám ảnh. Chẳng hạn, với Nguyễn Quyến, thế giới con vật trong thơ anh là biểu tượng về bản nguyên của con người. Bản nguyên của con người hấp thụ trong mình cả cái ban sơ, trong trẻo, thanh khiết, coi đó là cái đẹp, cao hơn cái bụi bặm, thô nhám của tự nhiên. Bài thơ Mẹ ơi, mẹ nhặt con từ đâu – một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Quyến là sự truy tìm của cái bản nguyên sâu xa đó. Câu hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nhặt con từ đâu?” xuyên suốt cả bài thơ, mỗi lần vọng lên lại gắn liền với những hình ảnh dường như là tiền kiếp của con người. Nhân vật trữ tình thấy mình được nhặt lên từ đám lá tre rơi, từ bếp tre đầy tiếng cám sôi, từ tiếng gà, tiếng chó, tiếng lợn, tiếng mèo... “từ tất cả và từ không tất cả”. Tất cả mọi sự vật hiện hữu xung quanh ta đều là tiền thân của ta, đều là một phần bản ngã của con người. Bài thơ có lẽ đã thấm nhuần cảm quan triết học phương Đông ở cái nhìn không tách biệt bản ngã con người với thế giới xung quanh. Con người tìm thấy mình ở vạn vật và tìm thấy vạn vật ở trong mình.

Nguyễn Hữu Hồng Minh lại có một cái nhìn độc đáo khác đối với một sự vật tầm thường – cái bồn cầu trong bài Đề cao hiện thực. Bài thơ gợi ta nhớ đến phong cách vịnh vật của thơ cổ điển (Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương). Tuy nhiên, không dùng sự vật để thay lời con người, nhà thơ cố gắng miêu tả nó một cách khách quan theo đúng tinh thần đề cao hiện thực.

Bọn họ sẽ quên mi khi vò giấy chùi

Thực phẩm mi là bã, thức uống mi là giải Bạn bè mi là những cặp mông

Sự tức thở mi là những cặp đùi chẹn ngang cổ họng Khinh khoái mi là lông lá

Lắc lư mi là Linga và Yoni

Câu thơ “bởi mi là cái bồn cầu láy lại đến ba lần trong cả bài thơ nhấn mạnh tất cả những gì cái bồn cầu phải nếm trải, chịu đựng kia là định mệnh của nó, không rũ bỏ được. Song bài thơ kết lại giống như một hành động tấn phong: “Mi lãnh chứa phần tối tăm nhất của con người để ngợi ca vẻ đẹp con Người – Tại sao sứ mệnh mi không cao cả như trời sao đặt trên đôi vai thần Atlát?”. Cái bồn cầu đáng được nhìn nhận như một ý niệm về sự cao cả, ngang hàng với những thần tượng tự nguyện chấp nhận chịu đựng những nỗi khổ sở vì con người.

Một phương diện nữa chứng minh hình ảnh thơ sau 1975 mang tính đời thường, trần tục đó là sự du nhập của những hình ảnh, biểu tượng gắn với đời sống tình dục. Có thể nhận thấy đề tài tình dục được một số tác giả thể hiện khá táo bạo, có khi còn lộ liễu, thẳng thắn, không hề né tránh.

Làm sao tới Niết Bàn trên cái bụng nhà nghề

(Đêm du lịch 3 – Hoàng Hưng)

Khoả thân trong chăn (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi Mình ôm lấy anh ôm mình

Biết sự bình yên của mặt đất

(Chân dung – Vi Thuỳ Linh)

vào sau cửa buông vần vũ mười lăm phút Ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha

(Thị Mầu 1997 – Phan Huyền Thư)

...Thân thể hợp nhất

Ngày của những tiếng rên nén đặc cổ họng

(Hợp nhất – Nguyệt Phạm)

Nhiều tác giả có lẽ không quan tâm lắm đến những quy đinh về sự kiêng kị, chừng mực trong việc xây dựng hình ảnh thơ. Họ chủ động sử dụng những hình ảnh dục tính (bộ phận sinh dục, hành vi tính giao...) một cách trực tiếp và cụ thể. Hệ thống hình ảnh ấy thực sự đã khiêu khích ngưỡng tiếp nhận của nhiều người đọc vốn xem cái đẹp gắn liền với cái thanh nhã, nên thơ.

Như vậy, với hình thức thơ tự do, mọi vấn đề của đời sống bộn bề đều được đưa vào thơ. Hình thức thơ tự do mở đường cho sự sáng tạo và khẳng đinh những hình ảnh thơ phi truyền thống – hình ảnh của cuộc đời trần trụi, thô ráp.

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 41)