Hình ảnh lạ, mang tính trực giác cao

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 43)

Trong thơ hiện nay, bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống thường nhật, các tác giả còn không ngừng sáng tạo nên những hình ảnh mới lạ, độc đáo. Đây cũng là một trong những tiêu chí để chúng ta đánh giá nỗ lực cách tân, đổi mới thơ ca không mệt mỏi của các nhà thơ trẻ.

Tiếp nhận thơ đương đại hôm nay, thật dễ dàng để chúng ta bắt gặp một số hình ảnh đặc biệt mà dường như chỉ tồn tại trong thơ mà thôi. Đó là những “lá diêu bông”, “cỏ bồng thi”, “cầu bà Sấm”, “bến cô Mưa”... trong thơ Hoàng Cầm; những “hoa thiên cầm”, “ngọn trinh sơn” trong thơ Văn Cầm Hải. Chúng là những hình ảnh, biểu tượng được hình thành bởi trí tưởng tượng, bởi những kinh nghiệm từ vô thức, tiềm

thức của nhà thơ song ý nghĩa của chúng thường rộng mở hơn hành vi kinh nghiệm cá nhân, khó có thể khuôn vào một ý niệm duy nhất. Bao giờ chúng cũng có tính chất mơ hồ. “Lá diêu bông”của Hoàng Cầm có hình dạng, màu sắc ra sao? Nó tượng trưng cho ý niệm gì? Và vì sao nhà thơ lại sáng tạo ra cái tên gọi “diêu bông” để biểu đạt cho ý niệm ấy? Phải chăng chiếc lá ấy biểu tượng cho một ảo giác về tình yêu ám ảnh không nguôi trong cuộc đời con người? Ta không thể xác định một cách chắc chắn. Chiếc lá hư ảo ấy cõ lẽ chứa đựng rất nhiều những khả năng diễn dịch khác nhau.

Bên cạnh đó các nhà thơ còn tạo ra những hình ảnh mới lạ bằng những phép tu từ quen thuộc như: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh. Chẳng hạn như hình ảnh: “Đường dương cầm xanh, chúm chím nụ dương cầm biếc, vằng vặc ngực dương cầm trinh, đêm thơm mọng” (Serenade 3) trong thơ Dương Tường. Có thể dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trên được làm lạ bằng cách sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Bản thân biện pháp nghệ thuật này không mới mà cái mới lạ nằm ở các hình ảnh ẩn dụ, so sánh táo bạo được tạo ra bởi trí tưởng tượng phong phú và cách liên tưởng độc đáo của nhà thơ. Những hình ảnh mà Dương Tường sáng tạo nên là những hình ảnh đẹp, có tác dụng hữu hình hoá âm thanh vốn là thứ chỉ tiếp nhận được bằng thính giác. Nó tạo dựng nên không gian chờ đợi tràn ngập âm thanh, màu sắc, hương vị trong sự cảm nhận tinh tế của nhân vât trữ tình, trong đó, tiếng dương cầm du dương, trong trẻo ám ảnh nhất, vang vọng nhất. Thế nhưng cũng là dương cầm trong Mea Culpa, Dương Tường lại có sáng tạo khác : “Những giọt dương cầm / lã chã/ nhỏ vào không tên”. Ở đây nhà thơ đã ngầm so sánh tiếng dương cầm với những giọt nước mắt lã chã rơi vào miền không tên – cõi hư vô của cuộc đời. Từ đó có thể thấy âm thanh đã được thị giác hoá để tạo ra hình ảnh giàu sức gợi, từng giọt, từng giọt buông vào không gian, trong trẻo, thánh thót nhưng thấm đầy cay đắng.

Hình ảnh: “Cây bàng thổ huyết một chậu lá đỏ/ Phố bàng ho sù sụ heo may” của Trần Dần cũng là hình ảnh độc đáo được tạo bởi phép nhân hóa, ẩn dụ. Mùa thu vốn quen thuộc với hình ảnh cây bàng lá đỏ và gió heo may se lạnh, dưới cái nhìn của Trần Dần bỗng trở nên sinh động lạ thường. Với cách so sánh ngầm, nhà thơ đã nhấn mạnh ấn tượng của thị giác, thính giác và xúc giác trước cảnh lá bàng đỏ rụng nhiều trong cái lạnh của gió heo may cuối mùa. Thu không còn khoác cái áo lãng mạn mà bao nhiêu tình ca, bao nhiêu thi phẩm đã từng thêu dệt. Trong con mắt của Trần Dần, hình ảnh của mùa thu như một con bệnh nặng lúc trái gió trở trời. Mặc dù vậy, nó vẫn mang những vẻ đẹp đặc trưng vốn có một cách tự nhiên như quy luật hiện hữu mà chúa trời đã ban tặng cho vạn vật.

Bên cạnh việc sáng tạo ra những hình ảnh mới, gây ấn tượng cho người đọc, các nhà thơ còn làm mới hình ảnh trong thơ mình bằng cách cấp phát cho chúng những ý nghĩa mới:

Trong bão táp tháng Mười, tôi lắng nghe dự cảm của cây liễu Bầu trời là vòm cung, thân cây là mũi cung

Sự hoang bạo của gió làm những mũi tên run lên Như chuẩn bị bắn vào nỗi khát vọng chưa rõ mặt Qua bình yên nắng tháng Hai

tôi không còn nghe chúng nói Nhưng dưới thảm lá đã đểlộ một cuộc sống thật khó nhọc và bền bỉ

Tiếng rễ quẫy mạnh da thịt đất đai Khơi nguồn dự cảm trong xanh

chờ cơn bão tới...

(Dự cảm cây liễu – Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Cây liễu là hình ảnh rất quen thuộc và chứa đựng những hàm nghĩa xác định sự yếu đuối, tín hiệu báo mùa, nỗi niềm ly biệt... Cây liễu trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh có lẽ tượng trưng cho một thái độ sống quyết liệt. Nó yếu đuối nhưng nó dám chấp nhận dấn thân vào cuộc sống bão táp để tìm kiếm mình, cứ như thể đấy mới là cuộc sống của mình, là định mệnh của mình. Và vì thế, nó muốn vượt thoát sự bình yên,êm đềm, để sẵn sàng đón nhận bão táp. Yếu đuối và phi thường, ý niệm toát lên từ biểu tượng cây liễu trong bài thơ đồng thời cũng quy chiếu về con người. Qua cây liễu, tác giả đã nghiền ngẫm về định mệnh cũng như bản lĩnh của con người trước định mệnh dành cho mình. Cây liễu, trong tâm thức văn hóa của con người, còn là biểu tượng của sự bất tử. Phải chăng, sự bất tử được làm nên bởi thái độ và khát vọng sống quyết liệt như thế?

Một cách khác, nhiều nhà thơ tạo ra những hình ảnh phi chuẩn truyền thống, có thể hơi khó tiếp nhận theo quan điểm thẩm mỹ thông thường nhưng cũng vì thế mà không kém phần mới lạ. Người nghệ sĩ thích tạo ra hình ảnh với những đường nét xiên lệch, không theo bố cục chặt chẽ, phi cân xứng...Trần Dần từ rất sớm, đã muốn tìm một hệ quy chiếu mới cho cái đẹp. Những bài thơ đượm chất humour của ông như bài thơ dưới đây đã hàm ẩn cái ý hướng tìm đến một bút pháp tạo hình mới:

Đáng lý em không nên đẹp! Đùi len mã vĩ

Triển lãm vườn hoa loã thể Anatomie canh hẹ

Ôi chao! Ngón chân thường lệ Mông non phi lý

Em mang chức năng bé tý...

Thông qua việc phác ra một chân dung người con gái rất khác lạ so với những bức chân dung ta thường bắt gặp cả trong hội họa lẫn trong thơ, nhà thơ muốn xây dựng một biểu tượng mới về cái đẹp. Đẹp đồng nghĩa với sự lệch chuẩn một cách độc đáo, vượt ra khỏi những công thức quen thuộc. Nó cũng không nhất thiết phải giống như thật, phải có sự tương ứng với quan sát của thị giác. Nhiều nhà thơ trẻ sau này cũng chủ trương tìm kiếm cái đẹp lệch chuẩn, gai góc, không thuận mắt. Họ “khiếp đảm sự hoàn thiện” (Văn Cầm Hải), họ tự giác “làm mất sự đối xứng” (Vi Thuỳ Linh). Họ muốn tạo ra một không gian phóng khoáng hơn, từ đó đa dạng hoá các thủ pháp tạo hình.

Nói tóm lại, bằng những cách khác nhau, các nhà thơ trẻ hôm nay đang không ngừng nỗ lực lạ hóa hình ảnh thơ. Lạ hóa vốn là thuật ngữ được đề xuất đầu tiên bởi các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Xuất phát từ luận điểm trong cuộc sống hàng ngày, nhận thức của con người có xu hướng bị tự động hóa, biến thành thói quen, các nhà hình thức luận nhấn mạnh chức năng của nghệ thuật là phải ngăn hãm quá trình tự động hóa đó, giải phóng cái nhìn sự vật theo quán tính ở con người. Để thực hiện điều đó, nhà thơ cần phải vượt qua những cách diễn đạt, miêu tả quen thuộc về sự vật, theo những quy tắc đã sẵn có để trình bày sự vật như thể đó là lần đầu tiên nó xuất hiện và

qua lối viết của nhà thơ, lần đầu tiên nó được định danh. Trong tiểu luận Ai đầu tiên gọi chích choè là chích choè tác giả Dương Tường cũng khẳng định phẩm chất thi sĩ của con người thể hiện ở khả năng khai sinh tên gọi cho sự vật một cách đích đáng. Chính nhờ điều này mà nghệ thuật có thể nuôi dưỡng một năng lực mà càng ngày ta càng nhận ra tầm quan trọng của nó đối với con người: năng lực biết ngạc nhiên trước sự sống. Và những hình ảnh mới lạ ấy càng khẳng đinh được vị thế của nó với biên độ rộng mở của thơ tự do. Thiết nghĩ một hình thức thơ gò bó về vần luật sẽ khó khăn trong việc khai sinh những hình ảnh thơ lạ biết bao nhiêu!

Một phần của tài liệu Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000 (Trang 43)