II. TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ
2. Hạn chế và nguyên nhân:
Bên cạnh những thành công về chất lượng và tiến độ công trình, Công ty vẫn tồn tại một số mặt chưa đạt được.
(2.1) Công tác An toàn Lao động:
- Công tác đo và kiểm tra môi trường lam việc tại các công trường chưa được thực hiện đầy đủ do công trường ở quá xa các cơ sở khoa học công nghệ môi trường.
- Mạng lưới AT- VSV đã đi vào hoạt động nhưng chưa đồng đều và chưa đem lại hiệu quả thiết thực do còn nhiều hạn chế.
- Công tác thanh tra AT- VSLĐ chưa thường xuyên, đặc biệt là các công trường ở vùng xa, hẻo lánh.
- Ý thức chấp hành nội quy, quy trình KTAT của một số lao động còn chủ quan, chưa nghiêm túc.
- Công tác điều tra tai nạn lao động, xử lý kỷ luật những hành vi vi phạm nội quy, quy trình KTAT và những người có lỗi để xảy ra TNLĐ chưa nghiêm.
• Công tác ATLĐ gặp phải một số khó khăn do:
- Tại các công trường việc thi công xen kẽ giữa các đơn vị đã gây không ít trở ngại và nguy hiểm cho nhau.
- Diện tích thi công phân tán, trải rộng khắp 3 miền, do vậy công tác quản lý và công tác kiểm tra ATLĐ có nhiều khó khăn.
- Hầu hết số người lao động làn việc trong điều kiện nặng nhọc, có nhiều yếu tố nguy hiểm, tiến độ thi công luôn căng thẳng.
• Qua điều tra, phân tích các vụ tai nạn lao động cho thấy nguyên nhân chủ yếu chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do:
- Ý thức chấp hành nội quy, quy trình KTAT của một số lao động còn chủ quan, chưa nghiêm túc.
- Do môi trường làm việc trong hầm có nhiều yếu tố nguy hiểm, điều kiện địa chất hết sức phức tạp nên việc phòng tránh tai nạn lao động là hết sức khó khăn. - Công tác sắp xếp, tổ chức vật tư, vệ sinh công nghiệp sơ sở sản xuất một số đơn vị làm chưa tốt.
- Công tác điều tra tai nạn lao động, họp kiểm điểm rút kinh nghiệm của một số xí nghiệp còn thực hiện chưa nghiêm.
(2.2) Chất lượng công trình:
Thực tế cho thấy, những sự cố xảy ra trong năm qua đều ở giai đoạn đang thi công và có chung nguồn gốc là sự hiểu biết còn chưa đầy đủ về những tác động đặc biệt của thiên nhiên, sự thiếu độ dự trữ về độ bền, độ ổn định của chính bản thân các giải pháp trong quá trình xây dựng….
Có thể phân sự cố công trình thành 3 nhóm cơ bản:
• Nhóm thứ nhất gồm những lỗi và vi phạm nặng các tiêu chuẩn, định
mức trong thiết kế và thi công. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi mắc những lỗi này
thì sự phá hoại một phần hoặc toàn bộ công trình về nguyên tắc sẽ xảy ra trong giai đoạn thi công. Nhiều trường hợp như vậy đã được biết đến trong thực tế.
• Nhóm thứ hai có thể gồm một loạt nguyên nhân mà sự kết hợp của chúng có thể dẫn tới sự cố. Trước hết đó là những thiếu sót và những lỗi khác nhau
trong thiết kế và thi công đã làm giảm mức dự trữ độ bền của các chi tiết kết cấu riêng rẽ. Những công trình bị những thiếu sót dạng này cũng chưa đủ gây nên sự cố. Để làm giảm đáng kể chất lượng hoặc gây phá hoại công trình còn phải kể đến những tác động trong quá trình khai thác sử dụng.
Đặc biệt chúng ta cần bàn tới việc đảm bảo khả năng dự trữ an toàn của công trình trong công tác thiết kế, thi công. Những vấn đề này, thực tế hiện nay tồn tại ở khắp nơi, kể cả tại các nước phát triển. Những tác động của môi trường theo thời gian như lún không đều, nhiệt ẩm, mỏi về nguyên tắc có tính chất tích luỹ, những thiếu sót trong thiết kế, thi công đã thể hiện ra từ rất sớm ở dạng nứt, võng nhưng rất tiếc, chúng ta không coi trọng quan sát. Do đó, việc xây dựng một hệ thống quan sát lún và trạng thái làm việc của công trình hoạt động liên tục, thông suốt là hết sức cần thiết để ngăn chặn rủi ro về chất lượng. Việc theo dõi, quan trắc để đánh giá được khả năng dự trữ của công trình nhằm kịp thời đưa ra các cảnh báo cần thiết ngăn chặn sự cố cần phải thực hiện không chỉ ở những công trình đang xây dựng mà còn rất cần thiết đối với các công trình đang sử dụng
Điển hình là công trình thuỷ điện Tuyên Quang, phần xây dựng công trình cơ bản đã hoàn thành trong năm 2008, tuy nhiên cho đến nay tồn tại chủ yếu về chất lượng vẫn là hiện tượng thấm khu vực Tổ máy số 1 do rò rỉ nước từ đường ống áp lực vào gian máy và một số thiết bị quan trắc bị hư hỏng hoặc cho số liệu đo chưa đủ độ tin cậy, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi trạng thái làm việc của công trình...
• Nhóm thứ ba là những tác động nguy hiểm từ môi trường địa kỹ thuật và môi trường thiên nhiên mà các kết cấu của công trình không được thiết kế để sẵn sàng tiếp nhận và có thể vượt quá những gì mà tiêu chuẩn kỹ thuật quy định hay tiêu chuẩn kỹ thuật không quy định. Những tác động này thuộc nhóm này hiện nay đang là nguy cơ lớn nhưng không dễ loại trừ.
Vết nứt bê-tông đập hồ chứa nước Cửa Ðạt là một ví dụ. Ngày 31-1- 2008 xuất hiện khớp nối giữa tấm bê-tông bản mặt T27 và T28 có nước chảy ra từ thân đập. Vị trí nước từ khớp nối chảy ra ở cao trình khoảng +27m, tương đương với mức nước ở mái đập thượng lưu. Sau khi bơm nước ở hố móng mái thượng lưu để kiểm tra các tấm bê-tông bản mặt thì thấy các tấm bê-tông (mỗi tấm rộng 12m, dài
từ chân đập lên đến cao trình +117m) từ tấm số 28 đến tấm 36 xuất hiện nhiều vết nứt, chủ yếu vết nứt ở cao trình từ +20 đến +27 m; trong đó tấm 28 phồng hẳn ra. Sau khi siêu âm và khoan kiểm tra thấy rằng các vết nứt có bề rộng khe nứt và chiều sâu vết nứt rất khác nhau. Sau khi khoan bảy lỗ để rút nước trong thân đập ra thì các khe nứt thu hẹp lại, tấm bê-tông bị phồng ra cũng xẹp lại vị trí ban đầu. Các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này ở nước ta cũng như chuyên gia Trung Quốc đều kết luận các tấm bê-tông bị phồng và nứt là do áp lực nước trong thân đập đẩy ra khi mức nước mái thượng lưu được hạ thấp.
Xuất hiện vết nứt ở đập ngăn sông Thuỷ điện Sơn La 11/02/2009. Dù bám sát được mục tiêu tiến độ chung, nhưng theo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu nhà nước thì chất lượng công trình Thuỷ điện Sơn La là điều đáng báo động, doxuất hiện các vết nứt bê tông RCC tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 đập không tràn bờ trái và bê tông thường tại khối 26 đập không tràn bờ phải, nguyên nhân nứt có thể do sốc nhiệt (ví dụ khối bê tông đang phát triển cường độ, đang nóng, bất ngờ có trận mưa thì bề mặt lạnh đột ngột có thể gây nứt).
(2.3) Tiến độ thi công:
Một vấn đề lớn mà các công trình thủy điện đang trong giai đoạn thi công của Công ty đang gặp phải là vấn đề tiến độ thi công:
Công trình thủy điện Hương Sơn được khởi công xây dựng đầu năm 2004 tại xã Đại Kim, huyện Hương Sơn. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2006 công trình sẽ chính thức hoạt động với công suất 32 MW, nhưng đến thời điểm 3/ 2007 mới chỉ cơ bản hoàn thành 2/8 hạng mục chính là đường công vụ và đường điện. với vốn đầu tư 500 tỷ đồng đã bị ngưng trệ do thiếu vốn đối ứng từ các tổng công ty, do các B không được ban quản lý thanh toán sòng phẳng như hợp đồng đã ký kết nên công trình phải tạm dừng thi công.
Dự án thủy điện Huội Quảng chậm tiến độ do thiếu vốn: Cho đến nay thi công thủy điện Huội Quảng vẫn chậm tiến độ. Với hạng mục kênh dẫn dòng, đê quai hạ lưu nhà máy, nhà thầu thi công chỉ đạt khoảng 30-60% kế hoạch/ngày-tuần, nên sẽ không thể hoàn thành đê quai hạ lưu nhà máy trước 10-5-2009. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư không có vốn thanh toán phiếu giá của các nhà thầu. Ngoài nguyên nhân thiếu vốn, dự án thủy điện Huội Quảng bị chậm tiến độ còn do cầu
đường đến công trình bị các đợt mưa lớn làm hư hỏng nặng, các bên liên quan chưa xác định được nguồn cung cấp đá, cát cho công trình...
Công trình Thủy điện Bản Vẽ chậm tiến độ: Theo tiến độ năm 2009, tháng 12, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ sẽ khởi động không tải tổ máy số 1 và tháng 1-2010 khởi động không tải tổ máy số 2. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các hạng mục liên quan đến tiến độ khởi động không tải tổ máy đều bị chậm. Hiện đập chính mới thi công được 663.000/1.519.000m3, đạt khoảng 44% khối lượng thiết kế, chậm theo yêu cầu tiến độ khoảng 1 tháng; công tác lắp đặt thiết bị cơ điện cũng chậm hơn 1 tháng... Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà thầu không tập trung nhân lực để đáp ứng khối lượng công việc. Bên cạnh đó, việc lập thiết kế bản vẽ thi công do Công ty CP Tư vấn Sông Đà thực hiện chưa cung cấp kịp thời cho việc thi công.
Hai vòng đê quây phục vụ thi công cống dẫn dòng của thuỷ điện Sê San 3 (xã Ia M’nông, Chư Păh, Gia Lai) đã bị ngập nước và vỡ một số đoạn vào trưa 23/3/ 2006. Toàn bộ các thiết bị đang thi công như máy khoan, máy hàn, máy bơm, biến áp đều bị ngập nước.Sự cố nghiêm trọng xảy ra do nước lòng hồ được tích quá sớm (nhằm phục vụ cho tiến độ phát điện tổ máy số 1, dự kiến vào 31/3 tới), buộc phải xả để đảm bảo an toàn thi công. Nguyên nhân quan trọng khác là do các bên A và B đã thoả thuận thay đổi phương pháp thi công, không theo thiết kế đã được phê duyệt trước đó.
Bất kỳ một sự cố công trình hay một tai nạn nghề nghiệp nào trong xây dựng, trước hết bản thân nó phải được coi là một phần hay một mắt xích trong hệ thống nhiều mắt xích của hoạt động xây dựng. Nói vậy không có nghĩa chúng ta coi sự cố hoặc những sai phạm kỹ thuật là đương nhiên trong hoạt động xây dựng mà cần thừa nhận thực tế đó để chủ động phòng ngừa các rủi ro kỹ thuật. Chỉ có thể tránh khỏi các rủi ro đó khi đã xác định rõ các nguyên nhân rủi ro và chủ động có các giải pháp phòng ngừa trong quản lý chất lượng công trình ở các giai đoạn thiết kế, thi công và khai thác sử dụng. Những nguyên nhân từ những sai sót kỹ thuật, những sự cố công trình xây dựng được chọn lọc thành các bài học. Vì vậy, việc phân tích nguyên nhân sự cố, sai sót kỹ thuật nên được coi là một lĩnh vực cần được đầu tư nghiên cứu một cách hệ thống trong chiến lược phát triển KHCN xây dựng nước nhà.