Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển trồng trọt theo hướng thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Ưu tiên sản xuất và nâng cao tỷ trọng nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn phù hợp với thị trường. Tăng nhanh giá trị sản xuất và lợi nhuận trên một ha đất canh tác.
Phát huy tối đa lợi thế các cây trồng chủ lực, mùa vụ, các vùng truyền thống với quy mô thích hợp đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất, xây dựng thương hiệu cho một số nông sản hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Duy trì diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị cây ăn quả theo hướng bền vững.
Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 100 vùng sản xuất rau an toàn tập trung quy mô 10 ha trở lên được sản xuất và chứng nhận theo VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai dự án sản xuất rau an toàn (QSEAP).
Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả, cây lâu năm với mục tiêu duy trì diện tích 22.000 ha, trong đó: diện tích cây vải: 12.000 ha. Xây dựng một số vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao như: nhãn, ổi, quất, đu đủ, na, chuối… để nâng tỷ trọng hàng hóa và thu nhập cho nông dân. Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng vải kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả hoặc cây lâu năm cho hiệu quả cao hơn. Ứng dụng TBKT để khôi phục và phát triển một số cây lâu năm có lợi thế như: chè, dâu tằm, tre măng, cây dược liệu…Quy hoạch các vùng trồng hoa và cây cảnh.