Tài nguyên

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 35)

* Tài nguyên đất:

Theo các tài liệu thổ nhưỡng hiện có, đất đai Hải Dương gồm 2 nhóm chính: - Nhóm đất đồng bằng: chủ yếu là phù sa sông Thái Bình có xen kẽ phần nhỏ phù sa sông Hồng, diện tích 147.900 ha, bằng 88,97% diện tích đất tự nhiên trong tỉnh, thuận tiện cho việc thâm canh và sản xuất nhiều loại cây trồng cho năng suất cao.

- Nhóm đất đồi núi: Diện tích 18.320 ha bằng 11,03% diện tích tự nhiên trong tỉnh, phân bố ở phía đông bắc tỉnh, thuộc 2 huyện Chí Linh và Kinh Môn; chủ yếu phù hợp trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả như vải thiều, dứa; cây công nghiệp như lạc, chè…

Theo nguồn gốc phát sinh, đất đai của tỉnh được phân thành những loại sau: - Nhóm đất đồng bằng (đất lúa nước): Do hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tạo nên, cùng là đất phù sa nhưng có tính chất và đặc điểm khác nhau.

+ Đất phù sa sông Hồng thường có màu nâu tươi, kết cấu tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, đất trung tính, ít chua, địa hình nghiêng dần từ phía sông vào nội đồng. Các yếu tố dinh dưỡng từ trung bình đến tốt.

+ Đất phù sa hệ thống sông Thái Bình đa số có màu nâu nhạt hoặc hơi xám. Thành phần cơ giới thường từ trung bình đến thịt nặng, địa hình lồi lõm, phức tạp, có hướng nghiêng dần về phía hạ lưu. Đất loại này thường chua, nghèo lân và kali, các yếu tố dinh dưỡng từ nghèo đến trung bình.

Đất phù sa được phân thành các nhóm sau:

Đất mặn ít: Diện tích khoảng 2.000 ha, phân bố ở phía đông bắc tỉnh thuộc khu Nhị Chiểu (Kinh Môn) và một số xã thuộc phía nam huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ. Đặc điểm: đất có địa hình thấp, độ chua thấp, hàm lượng muối thấp, dinh dưỡng ở

mức trung bình và nghèo.

Đất phù sa được bồi: Diện tích 1.367 ha. Loại đất này có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ, cát pha, tầng đất dày và phân lớp. Đất ít chua hoặc trung tính, dinh dưỡng ở mức khá và giàu. Loại đất này phân bố ở các bãi ngoài đê, rất thích hợp với việc trồng cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Đất phù sa không được bồi, không glây hoặc glây yếu. Diện tích 47.600 ha, phân bố tản mạn theo từng khu vực thuộc các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn. Loại đất này có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình. Đất thường chua, nghèo lân và kali, thích hợp trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và lúa, song phải bón phân bổ sung, chống chua, tăng cường lân và kali cho cây trồng.

Đất phù sa không được bồi, glây trung bình hoặc glây mạnh: Diện tích 78.114 ha, chiếm tỷ lệ lớn nhất (52,40%). Phần lớn đất này thuộc phù sa sông Thái Bình ngập nước. Loại đất này có địa hình vàn hoặc vàn thấp, thành phần cơ giới chủ yếu là đất thịt nặng, hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình, thích hợp với việc cấy 2 vụ lúa, hoặc 2 lúa 1 màu vụ đông (nếu chủ động tiêu thoát nước tốt cuối vụ mùa).

Đất phù sa glây mạnh, úng nước mùa hè: Diện tích 3.489 ha, phân bố chủ yếu thuộc 2 huyện Cẩm Giàng và Chí Linh. Đất có địa hình trũng, ngập nước quanh năm, úng nặng về vụ mùa. Thành phần cơ giới thịt nặng, có độ chua cao, yếm khí, dinh dưỡng ở mức trung bình đến khá. Thường cấy 2 vụ bấp bênh, đã được chuyển đổi một phần sang nuôi trồng thuỷ sản.

Đất phù sa cũ có sản phẩm feralit: Diện tích 6.330 ha, phân bố ở các huyện Kinh Môn, Gia Lộc. Đặc điểm có địa hình cao hơn xung quanh, đất có sản phẩm feralit bạc màu, tầng canh tác mỏng, thành phần cơ giới nhẹ. Các tầng đất phía dưới có kết cấu rất chặt, thành phần cơ giới thịt nặng hoặc sét, hàm lượng dinh dưỡng nghèo.

- Nhóm đất đồi núi: Diện tích 18.320 ha, được chia làm 6 loại chính như sau: Đất phù sa xen kẽ vùng đồi núi: diện tích 322 ha; Đất lúa nước vùng đồi núi: diện tích 4.369 ha; Đất feralit nâu đỏ, phát triển trên phiến thạch sét và phấn sa, diện tích 73 ha; Đất feralit màu vàng nâu, phát triển trên sa thạch, cuội kết và dăm kết, diện tích 4.210 ha; Đất feralit trên núi (độ cao > 170m) phát triển trên sa thạch và cuội kết, diện tích 4.860 ha; Đất feralit sói mòn mạnh, trơ sỏi đá, diện tích 4.488 ha.

Mỗi loại đất núi đều có sự khác biệt nhau về đặc điểm và lý hoá tính của đất. Tuy nhiên theo nguồn gốc hình thành có thể chia làm 2 loại lớn:

- Đất đồi núi sản phẩm dốc tụ: Diện tích 4.610 ha. Nhóm đất này có địa hình không bằng phẳng, cao thấp xen kẽ nhau, thành phần cơ giới nhẹ đến pha cát, lẫn nhiều hạt thô do sự pha trộn giữa các sản phẩm khác nhau của quá trình dốc tụ. Đất thường chua nhiều, nghèo dinh dưỡng, được sử dụng gieo trồng 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ màu, nguồn nước tưới phụ thuộc thiên nhiên.

- Đất feralit phát triển trên đá mẹ sa thạch, cuội kết, dăm kết: Tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi Chí Linh, là sản phẩm phong hoá của tầng đá mẹ. Đại bộ phận tầng đất từ mỏng đến trung bình. Khu vực đất phát triển trên đá mẹ sa thạch thì tầng đất khá dày, như khu vực Hoàng Tiến có nơi dày tới 3m. Do có nguồn gốc từ cuội kết, dăm kết nên hầu hết đất đồi núi của tỉnh có thành phần cơ giới nhẹ và cát pha, khả năng giữ nước kém. Quá trình sử dụng đất đồi núi phải gắn liền với các biện pháp chống rửa trôi. Sử dụng nhóm đất này theo 2 hướng:

+ Vùng có độ dốc dưới 300 trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ. Vùng có độ

dốc lớn hơn 300 trồng rừng phòng hộ, chủ yếu các loại cây chịu hạn: thông, keo, dẻ.

Bảng 1.2 Cơ cấu sử dụng các loại đất chính tỉnh Hải Dương năm 2012

STT Loại đất Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)

Tổng diện tích tự nhiên 165.598,54 100,00

1. Đất nông nghiệp 105.806,75 63,89

2. Đất phi nông nghiệp 59.231,47 35,77

3. Đất chưa sử dụng 560,32 0,34

Nguồn: Số liệu kiểm kê đất đai năm 2012- Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

* Tài nguyên nước:

Bao gồm 2 loại là nước mặt và nước ngầm, cụ thể:

- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt của Hải Dương tương đối phong phú. Với 4 sông lớn, chiều dài 500 km và trên 2.000 km sông ngòi nội đồng, tổng lượng

dòng chảy qua tỉnh hàng năm trên 1 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, nước phân bố không

đều. Lượng dòng chảy về mùa hạ lớn (70 – 80%) chịu tác động của lũ thượng nguồn, nước có nhiều phù sa, dâng nhanh, phải đầu tư nhiều cho các công trình đê,

kè cống mới tránh được lụt lội, vỡ đê. Về mùa cạn từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, lượng nước trên các sông chỉ còn 20 – 30% lượng nước cả năm. Tình trạng thiếu nước trong mùa khô gây không ít khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thuỷ, phải đầu tư lớn để nạo vét, khơi dòng.

Khu hạ lưu Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà về mùa kiệt, khi triều lên mang theo nước mặn vào khá sâu, ảnh hưởng tới cây trồng.

Chất lượng nguồn nước mặt đang có biểu hiện nhiễm bẩn. Khu công nghiệp

Việt Trì đã sử dụng nước sông Hồng 200.000m3/ngày đêm, thải ra sông trên

100.000m3. Khu công nghiệp Thái Nguyên sử dụng nước sông Cầu 260.000m3/ngày

đêm, thải ra sông 192.000m3/ngày đêm. Trong nước thải đều có chứa sắt, NO2, NH4

và một số kim loại nặng khác. Nước thải từ các nhà máy thuộc khu công nghiệp Sài Đồng, Phố Nối đổ vào hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải cũng chứa kim loại nặng và các chất gây bẩn khác cần được xử lý triệt để.

- Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm của tỉnh có trữ lượng khá dồi dào.

Lượng nước ngầm tại các giếng khoan có thể khai thác từ 30-50m3/ngày đêm.

Nguồn nước ngầm nằm chủ yếu trong tầng chứa nước lỗ hổng Plutôxen, hàm lượng Cl dưới 200mg/lít. Tầng khai thác phổ biến ở độ sâu trung bình từ 40-120m. Tuy nhiên chất lượng nước ngầm ở một số nơi có chứa nhiều sắt ion, nước tạo váng kết tủa vàng phải lọc mới tạm sử dụng được. Có tới 10 – 12% số giếng khoan có hàm lượng Asen (thạch tín) vượt ngưỡng an toàn, phải khử qua lọc cát và dàn phun mưa mới sử dụng được. Ngoài ra ở một số nơi phát hiện nước ngầm có độ sâu 250 – 350m, nước có chất lượng tốt, trữ lượng lớn, là tiềm năng cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

* Tài nguyên rừng:

Theo tiêu chí phân loại giữa đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp (chủ yếu căn cứ vào độ dốc) qua kiểm kê phân loại rừng thì hiện tại đất lâm nghiệp của tỉnh có 11.935,75 ha, phân bố ở 2 huyện: Chí Linh 10.296,19 ha; Kinh Môn 1.639,56 ha.

Diện tích rừng phòng hộ 7.045,51 ha gồm Chí Linh 6.071,67 ha; Kinh Môn 973,84 ha.

Diện tích rừng sản xuất, chủ yếu trồng cây ăn quả 3.313,24 ha gồm Chí Linh 2.973,52 ha; Kinh Môn 339,72 ha.

Trong số diện tích rừng trên, rừng tự nhiên hiện được tu bổ, chăm sóc và bảo vệ là 2.335,3 ha; chiếm 19,57% diện tích, còn lại là rừng trồng.

Tài nguyên rừng của Hải Dương có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về cảnh quan, du lịch và cân bằng môi trường sinh thái. Rừng đặc dụng gắn với các di tích lịch sử văn hoá lớn của đất nước như Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ, nơi lưu giữ dấu tích các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Liễu, Chu Văn An…

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w