Đầu tư phát triển ngành thủy sản

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 99)

Khai thác hợp lý tài nguyên đất và nước đưa vào nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ưu tiên phát triển nuôi các đối tượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư phát triển các khu nuôi tập trung và nuôi thủy sản xuất khẩu.

Phát triển thuỷ sản dựa trên cơ sở nội lực là chính, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các dự án, liên doanh, liên kết. Huy động mọi thành phần kinh tế tham gia nuôi trồng thủy sản dưới sự quản lý của nhà nước, trong đó lấy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại làm nòng cốt.

Mở rộng quy hoạch chuyển diện tích đất ruộng trũng thành vùng nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng thích đáng, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản và đổi mới công nghệ để nuôi theo phương thức nuôi thân thiện với môi trường, đồng thời tăng năng suất, tạo sản phẩm hàng hóa quy mô lớn.

Đầu tư khoa học công nghệ, không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh bị cấm trong sản xuất kinh doanh thủy sản để sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Trong những năm tới cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở các ao, hồ, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các giống có năng suất, sản lượng cao vào sản xuất như: rô phi, cá trê, cá chim trắng, cá quả, tôm càng xanh, baba, ếch và các loại cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép ta, chép lai…)

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 99)