Các nghề thủ công truyền thống

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 107)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Các nghề thủ công truyền thống

3.3.1.1. Các nghề thủ công khu vực 36 phố phường

Ngay từ thời Lý, Thăng Long đã được qui hoạch với ba vòng thành bao bọc và kết cấu trong thành ngoài thị đã sớm được hoạch định. Vòng thành ngoài cùng bao bọc toàn bộ khu vực “thành” và “thị” gọi là La thành (Kinh thành). Kinh thành được giới hạn bằng ba con sông: phía đông là sông Hồng, phía bắc và phía tây là sông Tô Lịch, phía nam là sông Kim

Ngưu. Vòng thành giữa là Hoàng thành và vòng thành trong cùng gọi là Cung thành. Cấm thành là nơi ở, làm việc của Vua và Hoàng gia.

Khu dân cư phía ngoài Hoàng thành tập trung nhiều nhất là khu phía đông (thuộc khu vực phố cổ ngày nay). Đây là khu đô thị tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương nhộn nhịp, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ thời Lý - Trần, phố cổ Hà Nội đã bắt đầu hình thành. Đến thời nhà Lê, vào đầu thế kỷ XVI thì hình thành khu vực gọi là 36 phố phường, thu hút nhiều người dân từ khắp nơi đổ về buôn bán, làm ăn. Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình và những sản phẩm được buôn bán đã trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước. Mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng riêng như: phố Hàng Bông chuyên làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm; phố Hàng Mã chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ... ; phố Mã Mây nguyên bao gồm hai phố xưa là phố Hàng Mã và phố Hàng Mây, nơi tập trung thuyền bè từ miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như: song, mây, tre, nứa; phố Hàng Bạc chuyên đúc bạc thành nén cho triều đình do những người dân Trâu Khê (hay Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang - Hải Dương) ra đây mở phường đúc bạc, thành lập trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc; phố Hàng Đào là nơi buôn tơ, bán vải vóc; phố Hàng Lược buôn bán các loại lược; phố Hàng Chai là nơi sản xuất, buôn bán chai lọ; phố Hàng Gà nơi tập trung các cửa hàng bán đồ gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây...v.v…

* Nghề làm vàng bạc:

năm 1461, quan Thượng thư bộ Lại Lưu Xuân Tín, người làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương) được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc nén cho triều đình. Ông đã đem người trong họ hàng và người làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Lưu Xuân Tín được xem là ông tổ của nghề đúc tiền, bạc. Trường đúc xưa nằm ở số nhà 58, phố Hàng Bạc ngày nay.

Ðến đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén được chuyển vào Huế. Phần lớn thợ Trâu Khê vẫn ở lại Thăng Long làm nghề kim hoàn, họ lập thành phường thợ tại đây. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng bạc ở Ðịnh Công và Ðồng Xâm tới lập nghiệp, phát triển thành ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền.

Dân các làng di cư ra phố Hàng Bạc theo họ hàng, làng xóm và họ sống quần cư tại một điểm, một phường. Mỗi làng lại chuyên một nghề, vì thế, ở con phố này có người thì chuyên sản xuất, người thì chuyên mua bán... Ngày xưa, khi người dân ở các làng lên đây lập nghiệp, họ đều dựng đình để làm nơi hội họp, tế lễ. Ví dụ như người dân làng Trâu Khê đã dựng ngôi đình Trương Thị và đình Kim Ngân để hội họp. Đến cuối thế kỷ 19, khi dân Trâu Khê lên lập nghiệp ngày càng đông thì đình Trương Thị và đình Kim Ngân không đủ chỗ cho dân làng hội họp tế lễ, vì thế, họ đã mua Nội Miếu ở thôn Hài Tượng (nay là số 30 phố Hàng Giầy) để làm đền thờ vọng.

Phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi tạo ra nhiều đồ trang sức tinh xảo và đẹp, nổi tiếng trong và ngoài nước. Những đặc điểm nổi bật của sản phẩm chế tác nơi đây là tạo dáng nghệ thuật, tạo văn (nét chìm, nét nổi) tinh xảo và sinh động. Với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc theo các

mẫu trang trí nhất định như: tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt, bát vật, bát bảo…

Tại đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) hiện còn lưu được một bản tục lệ ở phố chợ Kim Ngân, trong đó có những điều khoản cho biết đây là nơi chuyên làm vàng cống phẩm cho triều đình: “Hàng năm làm vàng cống phẩm phải mua nguyên liệu nấu,

không cứ nhiều hay ít phải chia thành 3 loại…” và cũng qui định việc thu tiền từ các lò đúc bạc để chi dùng vào các việc công của khu phố: “Thu tiền

đúc vàng để làm lễ hội tháng 4, hễ trong phố có ai nhận đúc vàng thu tiền 36 văn, vàng mỗi hốt không kể tốt xấu thu 30 văn, người ngoài ngụ cư ở phường thì thu một nửa…” và nêu rõ tầm quan trọng của nghề đúc vàng

bạc: “Nghề riêng của phố ta là của báu quốc gia, từ trước đã trở thành

khuôn thước, phải giữ phép phụng sự việc công không được xem nhẹ…”.

Nghề làm vàng bạc cùng với các nghề thủ công trong khu 36 phố phường tạo nên vẻ sầm uất cho kinh tế Thăng Long – Hà Nội qua nhiều thế kỷ.

* Nghề nhuộm:

Nếu như Thăng Long xưa có phố Thợ Nhuộm là phố nhuộm thâm của các làng Liêu Xá, Liêu Xuyên (Hưng Yên), Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội) thì phố Hàng Đào mới chính là nơi nhuộm cao cấp, nhuộm được nhiều màu sắc, được lịch sử ghi nhận từ rất sớm. Tấm bia Đan Loan Hoa

Lộc thị bi kí (丹 鑾 花 祿 市 碑 記), tại đình Hoa Lộc cho biết “Khoảng đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719), các cụ làng ta ở Hà Nội phát

hằng sản, hằng tâm, quyên góp mua một khu đất ở phường Đại Lợi, phố Hàng Đào xây đình thờ vọng phúc thần và tổ nghề cùng các bậc tiên triết của 7 dòng họ”.

Tương truyền nghề nhuộm của Đan Loan vốn nổi tiếng từ thời tiền Lê, những người thợ tài giỏi của làng đã được mời vào cung để nhuộm vải và tơ lụa làm tàn, lọng, áo, mũ, tua, hoa gắn vào trang phục của vua và các quan lại trong triều và chính họ là những người đầu tiên lập nên phường hội, làng nghề ở Thăng Long. Tại đây họ mở chợ nhuộm và dựng đình thờ Thành hoàng làng ở số 90A phố Hàng Đào, đó là đình Hoa Lộc thị (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) để thờ tổ nghề là Triệu Xương và vợ là Phương Dung công chúa.

* Nghề thêu:

Cùng với dòng người hội tụ về Thăng Long làm ăn, những người thợ thêu làng Quất Động (Thường Tín – Hà Nội) đã di cư ra Thăng Long đến định cư tại làng Yên Thái để sinh cơ lập nghiệp theo nghề do tổ tiên truyền lại, đó là nghề thêu. Tương truyền xưa kia, những thợ thêu ở trong làng Yên Thái cứ ngày phiên chợ là đem những đồ thêu ra bày bán và giao dịch với khách hàng tại ngôi đình Tú Thị, cho nên mới có tên là “Tú Đình thị” (tức Chợ đình thợ thêu) [28, tr.712]. Theo các tài liệu thì ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành, người làng Quất Động, huyện Thường Tín, từng đỗ tiến sĩ dưới triều Lê, khi đi sứ Trung Hoa đã học được nghề thêu và đem về truyền dạy cho dân các làng Đào Xá, Quất Động, Hướng Dương…. Tại đình Tú Thị (phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) còn tấm bia Tú Đình trùng tu bi kí (秀 庭 重 修 碑 記), niên hiệu Bảo Đại (1933) cho biết: “Tại phố Hàng Mành, thành Thăng Long có chợ Tú Đình, ở đây

dựng một ngôi đền, phụng thờ Thánh tổ ta. Thánh tổ ta sinh vào thời Lê, khoa cử hiển vinh, đức nghiệp rạng rỡ, danh tiếng một thời. Tổ đã truyền nghề thêu dệt cho dân ta, giảng dụ văn chương, muôn đời khoa bảng đề danh, và phép phật ngày càng sáng tỏ. Tổ ta phụng mệnh đi sứ Trung Hoa, học được phép tiên đan mầu nhiệm, có tài ứng biến, cải tử hoàn sinh,

người đương thời vô cùng tôn kính. Đến thời Hậu Lê, Vua ban sắc phong cho Tổ ta là Phúc thần và liệt danh trong điển tự”.

Để tưởng nhớ đến công lao của vị tổ nghề, hàng năm “Cứ đến ngày

12 tháng 6, thợ thêu các làng sắm lễ vật, rước kiệu về làng Ngũ Xã để tế Tổ. Năm Cảnh Hưng (1740) được nâng bậc trong bách thần, ghi vào điển lễ. Năm Bính Dần (1746) vâng chiếu chỉ ban áo lễ của nhà vua, phong làm Thượng đẳng phúc thần, cho phép 5 xã tổng Vũ Du và quan Khang Công Phiên làm chủ tế lễ việc công”7.

* Nghề giày da:

Nghề giày da có mặt ở Thăng Long từ khoảng thế kỷ XVIII do những người làng Chắm (Trắm) tức làng Phong Lâm (Tứ Kỳ - Hải Dương) lên cư trú và hành nghề ở ngõ Hài Tượng, họ đã xây dựng ngôi đình Trúc Lâm ở số nhà 16 ngõ này để thời tổ nghề là Nguyễn Thời Trung cùng ba đồ đệ: Phạm Đức Chính, Phạm Sỹ Bôn, Phạm Thuần Chính. Sau này, họ dần phát triển nghề của mình sang các phố Hàng Giày, phố Bảo Khánh, phố Hà Trung ,Phố Hàng Da, Phố Hàng Hài…

Những người thợ da có thể mua những tấm da đã thuộc sẵn hoặc mua da sống từ những lò mổ trâu, bò phần lớn ở Hồng Mai và An Xá (Lương Yên – quận Hai Bà Trưng ngày nay) mà Phan Huy Chú từng nhắc đến các loại thuế thu từ nghề giết trâu bò ở đây: “Thu các dân am hiểu

(quen nghề) như áo mã, đồ mã của dân xã Lạc Thổ, huyện Siêu Loại để cúng các lễ Hạ tiết và Trung nguyên, trâu bò do người các phường Hồng Mai, An Xá, huyện Thọ Xương giết thui để cúng ở các lễ” [5, tr.53-54], qua

các khâu xử lý, ngâm, nhuộm, cắt thành những miếng da.

Trong Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển II có nhắc tới một tấm bia

tại miếu phường Bạch Mai (xưa là phường Hồng Mai) nói về nghề giết mổ

trâu bò ở đây, đó là bia Tư tài bi kí (胥 財 碑 記) (bia về việc giúp của), niên hiệu Cảnh Trị 7 (1669) ghi: “Phá xương trâu thì dùng búa rìu, cắt thớ

thịt thì dùng dao nhọn. Đêm nghe gà thì dậy, hiểu một nghề tinh, ngày mua bò để buôn, sinh trăm lần lợi…” [43, tr.47].

Vậy là nghề mổ trâu bò ở Hồng Mai, An Xá đã cung cấp số lượng lớn nguyên vật liệu cho nghề giày da ở Thăng Long – Hà Nội trong việc sản xuất ra những mặt hàng da giày thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của xã hội lúc bấy giờ.

3.3.1.2. Các nghề thủ công vùng ven đô

Một trong những nghề tiêu biểu trong khu vực nay là nghề làm giấy. Nghề làm giấy ở Thăng Long – Hà Nội có từ sớm và phát triển khá mạnh, tập trung ở vùng ven đô thuộc khu vực Bưởi – Hồ Khẩu (Yên Thái), Hạ Yên Quyết, làng Nghè (Nghĩa Đô). Đến thế kỷ XV, nghề làm giấy ở Yên Thái đã được phổ biến và phát triển đến một trình độ cao được Nguyễn Trãi nhắc đến: “Phường Yên Thái làm giấy”. Thế kỷ XVIII, Phạm Hy Lượng cũng nhắc đến nghề làm giấy ở Yên Thái:

“Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”

Ngoài các loại giấy được sản xuất tại vùng ven sông Tô như: Yên Hoà làm giấy thô, Hồ Khẩu làm giấy moi, Đông Xã làm giấy quì, Yên Thái làm giấy lệnh… Có một loại giấy đã đạt kỹ thuật và trình độ cao, đó là giấy sắc của họ Lại (Nghĩa Đô) được biết đến muộn hơn (khoảng thời Lê - Trịnh). Theo gia phả họ Lại thì vào thời Lê Trịnh, ông Lại Thế Giáp đã kết hôn với quận chúa họ Trịnh là Phi Diệm Châu (con gái chúa Trịnh Tráng), thấy nhà chồng nghèo nên quận chúa Diệm Châu đã xin cho họ Lại được độc quyền sản xuất giấy sắc. Kể từ đó họ Lại được đặc quyền làm giấy sắc phục vụ triều đình. Sau này cháu bốn đời của Lại Thế Giáp là Lại Phú Vinh được

thăng chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô tư chỉ huy sứ ngự dụng giám Kim tiên cục, tước Đô Thịnh hầu8. Hiện nay, cổng nhà thờ họ Lại vẫn còn đôi câu đối nhắc tới nghề làm giấy của dòng họ:

Nguyên âm chữ Hán:

“Kim tiên tự cổ truyền gia bảo; Hoa bút kinh kim nhạ quốc hương”

Tạm dịch:

“Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo Bút ngọc nay còn đượm quốc hương”.

Tuy nhiên, nghề làm giấy của họ Lại đã kết thúc từ năm 1944, khi các con cháu của dòng họ đều đi theo kháng chiến, chỉ còn người duy nhất nắm được bí quyết nghề là cụ Lại Phú Bàn.

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 107)