7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Văn bia phản ánh tư tưởng trọng đạo học, ca ngợi ngườ
Ngoài nội dung ghi tên họ của những người đỗ trên bia, các bia tại Văn Miếu và các văn chỉ đều tập trung:
+ Ca ngợi người tài đức, khẳng định vai trò, vị trí của người trí thức trong việc xây dựng và phát triển đất nước:
Bia Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất tiến sĩ đề danh ký (1442) đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước
mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Sự trọng dụng nhân tài là quốc sách trị nước của nhà nước phong kiến bởi: “Sự lớn lao của nền chính trị của các bậc đế vương không gì
quan trọng bằng trọng dụng nhân tài” (bia tiến sĩ khoa thi 1448)… “Từ khi các bậc đế vương trị nước, chấn hưng giáo hoá, mở mang thịnh trị không đời nào không coi việc cầu tìm nhân tài, kén chọn kẻ sĩ là việc đầu tiên”
(bia tiến sĩ khoa 1496).
+ Tư tưởng trọng đạo học:
Đây vốn là tư tưởng cốt lõi của dân tộc ta trong việc khuyến khích học tập. Đất nước có nền giáo dục mạnh thì thế nước sẽ thịnh vượng, do vậy, tầng lớp trí thức luôn được xếp vào hàng đầu trong 4 lớp người trong xã hội: “Sĩ – Nông – Công – Thương”. Kẻ sĩ là những người được học
hành, được hưởng nền giáo dục Nho học, am hiểu về mọi mặt, tinh thông kinh sử, nên có thể trị nước, bình thiên hạ.
Ngoài những tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề cao đạo học, đề cao người tài đức, văn bia tại các văn chỉ cũng không ngoài nội dung này. Bia Thọ Xương tiên hiền từ vũ bí kí (壽 昌 先 賢 祠 宇 碑 記) – là tấm bia văn chỉ của huyện Thọ Xương còn lại duy nhất trên đất Thăng Long, lập năm Minh Mệnh 13 (1832), hiện đang lưu giữ tại văn chỉ Thọ Xương (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) đã viết: “Mong trở thành
người hiền là chuẩn đích của sự học” ……Trong phạm vi hẹp thì trở thành các bậc quân tử trong làng, các vị thầy dạy trong xã. Mở rộng ra sẽ là tôn chúa, giúp dân. Và đây chính là biểu hiện cụ thể của ý nghĩa đó” [43,
tr.108].
Mục đích cao cả của đạo học là trở thành những người có ích cho xã hội, có thể đem mọi kiến thức để giúp nước (làm quan, dâng hiến những kế sách trị nước, cải cách…), giúp dân, giúp đời (làm thầy), hoặc làm bất cứ một công việc gì cũng cần phải học mới làm được. Vì vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống tốt đẹp bao đời nay bởi “Không thầy đố mày làm nên”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, đó cũng là tư tưởng đề cao đạo học, đề cao vai trò của người thầy trong mọi xã hội: “……Không có sức học của các bậc hiền triết thì ai mở mang giáp ấy,
khoa danh nối đời, công ấy nên chuông. Dạy dỗ, rèn luyện là tạo nên những trò giỏi đeo ngọc chương, ngọc khuê. Những người hăng hái tiến tới là dòng thi lễ nối gót khoa danh, kề vai ra làm quan, làm đồ quí, làm vàng bạc, làm cột đá, làm rường nhà, nhỏ thì ích nhà, lớn thì ích nước…” (bia Hương Tượng giáp từ vũ bi kí (鄉 像 甲 祠 宇 碑 記), đền Hương Tượng, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm).
Những người có học là niềm tự hào của quê hương, gia đình, dòng họ, vì vậy phải là tấm gương sáng về đạo đức, không ngừng rèn luyện phẩm chất, trí tuệ để xứng danh với người đời sau: “Kẻ sĩ được khắc tên
vào tấm bia này, thật may mắn biết bao, cho nên phải đem lòng trung nghĩa, tự thẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc hợp sở học để làm nên sự nghiệp to lớn, quang minh, khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết…” (bia
tiến sĩ, khoa Hồng Đức 18 (1487).
“…Gọi là tiên hiền tức là những người đỗ đạt, nổi tiếng, làm việc ích giúp người đời sau…”(bia Tiên hiền bi kí (先 賢 碑 記), đình Giai Cảnh, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình).
Để khuyến khích đạo học trong thiên hạ, triều đình đã cho xây Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thờ Khổng Tử và và dựng bia vinh danh những người đỗ đạt. Các địa phương cũng có văn miếu hàng tỉnh, hàng huyện, hàng tổng để thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền của quê hương: “…Thờ
phụng tiên hiền là phép tắc của lễ. Năm Nhâm Thìn (1832), bọn thân sĩ chúng ta cảm kích nhớ tới đạo đức, phẩm chất các vị tiên hiền, nên bàn cách khiến cho được lưu truyền mãi, tham khảo qui chế phụng thờ ghi thành ước lệ…” (bia tại Văn chỉ Thọ Xương), hay: “Thôn xã thờ cúng các tiên hiền trong làng là theo lễ xưa. Người đời sau tôn trọng lễ ấy, nhằm làm cho phong tục tốt đẹp (bia Văn chỉ bi kí, phường Hà Khẩu, tức phường
Hàng Buồm hiện nay).
Việc dựng văn chỉ cũng là để đề cao nền văn hiến của địa phương mình. Khi đến làng nào thấy có văn chỉ, chắc hẳn làng đó xưa kia có nhiều người đỗ đạt nên người ta mới dựng văn chỉ để thờ cúng, tôn vinh. Có những nơi trước kia đã có văn chỉ, song vì nhiều nguyên nhân đã bị tàn phá. Sau này, dân mới dựng lại như văn chỉ làng Vạn Phúc (phường Đội
Cấn, quận Ba Đình) là một ví dụ: “Trại ta từ khi có dân cư đến nay, hàng
năm, vào mùa xuân các tiết, các gia đình, các vị đương cai đều đến lễ bái, nên toàn hội tư văn bèn bàn rằng: Từ chỉ vốn xây ở Trúc Sơn đã vài trăm năm, lễ bái có nơi có chốn. Nay vì đổ nát nên tuỳ quy cách khởi công xây dựng lại, đạo ta không vì lẽ đó mà thịnh lên hoặc suy đi. Từ nay được kính được tôn, vị tất đã là vô bổ. Cho nên khắc vào bia đá để người sau chưa rõ sự khai sáng đó được tường tận. Bởi vậy, tất cả tổn phí và tên người hằng tâm đều không thể mất được bèn ghi lại…” (bia Văn chỉ bi (文 址 碑),
niên hiệu Tự Đức 19 (1866), đình Vạn Phúc, Ba Đình).
Thời Nguyễn, một số tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam mạnh mẽ, đặc biệt là Thiên chúa giáo, dân chúng đôi khi tỏ ra lúng túng, không phân biệt nổi đâu là tà đạo, đâu là chính đạo, khiến cho những bậc nho sĩ, trí thức đất kinh kỳ không khỏi trăn trở, đau xót: “Những đền thờ nhảm nhí trái với
điển lễ cũng ngất nghểu cột rường, sơn vẽ huy hoàng. Lại như các thánh Gia Tô, Do Thái, nhà thờ, chỗ nào cũng thấy. Người hiểu biết không khỏi đau đớn trong lòng, đó chẳng phải là sự thiếu sót sao?”[43, tr.100].
Nguyễn Văn Siêu trong bài kí trên bia văn chỉ thôn Thanh Hà đã nói lên trăn trở đó: “Ngày nay, tôn giáo Tây Dương lấn tới, triều đình đương lo
nghĩ đem đạo thánh để duy trì lòng người. Ấy thế mà một ấp nhỏ hẻo lánh lại biết tôn sùng đạo của ta thì đâu có vì nhỏ bé, hẻo lánh mà ngăn cấm xây dựng văn chỉ. Vì vậy, việc làm này càng đáng quí, đáng mừng cho những người theo đòi Nho học…”.
Như vậy, Văn Miếu, văn chỉ, văn từ chính là thước đo nền văn hiến của mỗi địa phương, nhằm khuyến khích việc học, khuyến khích người tài, là niềm từ hào của quốc gia, dân tộc bởi một đất nước, một xã hội văn minh hay lạc hậu dựa vào nền giáo dục của nước đó.
Văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội (được ghi chép qua văn bia) từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn có nhiều sự xáo trộn. Nếu như thời Lê Trung hưng, các tập tục (gửi giỗ, bầu hậu, thờ cúng thần linh…) mang tính ổn định thì đến thời Nguyễn, đặc biệt, từ sau thời kỳ Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, lại là thời kỳ bia gửi giỗ và bia hậu phát triển đến đỉnh cao. Sự phát triển này, một mặt do tâm lý của các tầng lớp xã hội bất ổn, nên họ tìm đến thần linh mong được giải thoát, cứu vớt. Mặt khác, chính do sự cưỡng bức văn hóa của người Pháp (du nhập nền văn hóa Tây học vào một bộ phận xã hội, bỏ nền văn hóa Hán học, thay đổi một số thói quen truyền thống, tìm mọi cách du nhập tôn giáo lạ (Thiên chúa giáo) đã gây ra tình trạng xung đột văn hóa, mà biểu hiện là các tập tục, truyền thống lại càng được khơi dạy để tạo sức mạnh chống lại nền văn hóa ngoại lai.
Tuy nhiên, giáo dục - khoa cử của Thăng Long – Hà Nội lại có sự mờ nhạt dần. Từ năm 1919, nhà Nguyễn chấm dứt chế độ khoa cử Hán học, sau đó người Pháp đã thay thế dần nền giáo Hán học bằng nền giáo dục Tây học. Qua khảo sát, các bia văn chỉ hầu như được tạo lập từ thời Tự Đức trở về trước, còn về sau không thấy xuất hiện loại bia này.
Tiểu kết Chương 2
Phong tục, tập quán của thị dân Thăng Long - Hà Nội được ghi chép qua văn bia khá phong phú, thể hiện ở nhiều khía cạnh của đời sống xã hội đương thời, đã trở thành những truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ người Việt Nam sống trên mảnh đất ngàn năm văn vật.
Văn bia phản ánh phong tục, các nghi thức sinh hoạt văn hóa ở Thăng Long – Hà Nội không đồng đều, nội dung phản ánh chủ yếu tập trung vào một số khía cạnh như: tục gửi giỗ; tục bầu hậu, cúng hậu; tục thờ cúng thần linh, thờ cúng tổ nghề, trong đó, nhiều nhất là bia gửi giỗ. Gửi giỗ vốn xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Với quan niệm chết là chấm dứt mọi hoạt động của thể xác, còn linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cửu trong cõi hư vô, nên khi còn sống, nhiều người đã lo nghĩ cho những việc mai sau. Tục gửi giỗ dưới thời phong kiến được coi như một sự cứu cánh về mặt tinh thần cho những người không có con trai nối dõi.
Tục bầu hậu, cúng hậu cũng là một trong các phong tục tốt đẹp của người Việt, nhằm tri ân đối với những người đã có công với địa phương trong việc chung của làng xã. Sau này, tục bầu hậu đã có nhiều biến tướng, nảy sinh tục mua bán hậu. Song, nhìn chung, đây vẫn là những tập tục đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt.
Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội, nơi có lượng dân tứ chiếng đến làm ăn, sinh sống vào bậc nhất trong cả nước, vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng của người dân cũng rất đa dạng, nhiều màu sắc. Là kinh đô, nên Thăng Long có đền thờ Thành hoàng của quốc đô, lại có đền thờ Thành hoàng của mỗi làng trong kinh thành. Khi kinh tế, thương mại phát triển, những người dân vùng phụ cận đến làm ăn sinh sống đã rước theo cả Thành hoàng và những vị tổ nghề từ quê cũ ra
Thăng Long thờ cúng đã tạo nên một hệ tín ngưỡng đa thần, mang đủ các yếu tố văn hoá của mọi miền trong cả nước.
Cùng với yếu tố văn hoá, tín ngưỡng, giáo dục - khoa cử ở Thăng được phản ánh qua văn bia đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện, chính xác hơn bức tranh toàn cảnh về khoa cử ở Thăng Long, số người đỗ và các mức đỗ qua những kỳ thi.v.v…
Tuy nhiên, đến thời cận đại, các tập tục truyền thống của Thăng Long – Hà Nội có sự chuyển biến phức tạp, nền giáo dục nho học mờ dần nhường chỗ cho nền giáo dục Tây học của người Pháp.
Chương 3: ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG, LUẬT PHÁP, KINH TẾ