Giáo dục khoa cử

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 79)

7. Cấu trúc luận văn

2.2. Giáo dục khoa cử

Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, vì vậy cũng là trung tâm giáo dục lớn của cả nước. Sau khi định đô ở Thăng Long, các vua là Lý đã rất coi trọng việc đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Năm 1070, Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu: “Mùa thu, tháng 8, làm

Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học” [18, tr.134]. Vậy là

Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Thời Trần, năm Nguyên Phong thứ 3 (1253), vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, cho mở rộng và thu nhận cả con em các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370, ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Lê sơ, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa.

Thời Mạc, tổ chức được 22 khoa thi, tuy nhiên do chiến tranh, loạn lạc nên có tới 21 khoa thi không dựng bia.

Sang thời Lê Trung hưng, các khoa thi tiến sĩ Nho học được khôi phục ngay từ thời vua Lê Trung Tông còn ở Thanh Hóa. Sau khi chiếm lại

được Thăng Long, các khoa thi được tổ chức đều đặn hơn, nhưng mãi đến năm 1653, nhà Lê mới tiến hành đợt dựng bia tiến sĩ lớn nhất tại Văn Miếu, với 25 bia cho các khoa thi từ năm 1554 đến năm 1652. Năm 1717, đợt dựng bia lớn thứ 2 với 21 bia cho các khoa thi từ năm 1656 đến năm 1715. Sau hai đợt dựng bia tiến sĩ lớn, về sau, việc dựng bia được tiến hành thường xuyên sau mỗi khoa thi cho tới khoa thi năm 1779, nhà Lê Trung hưng đã dựng được 69 bia (bị mất 1 bia) trong tổng số 82 bia tiến sĩ hiện còn (68/82).

Sang triều đại nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân - Huế nên các bia tiến sĩ không còn được dựng tại Văn Miếu (Hà Nội) nữa. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu Huế từ khoa thi năm 1822.

Như vậy, qua gần 8 thế kỷ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội là trung tâm giáo dục - khoa cử của đất nước, sự hiện diện của Văn Miếu cùng những tấm bia tiến sĩ thực sự là bức tranh phản ánh toàn diện về giáo dục - khoa cử của đất nước.

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 79)