Chính trị

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 96)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Chính trị

Từ thời Lê Trung hưng, mọi quyền hành của đất nước thực chất nằm trong tay nhà chúa, vua Lê chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Phủ chúa mới là nơi giải quyết mọi công việc của đất nước, các chúa Trịnh ngày càng lấn át, ức chế vua Lê.

Từ năm 1599, Trịnh Tùng tự lập làm Đô nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng phụ, Bình an vương. Uy quyền ngày một lớn, Trịnh Tùng được mở phủ chúa, đặt quan thuộc…Các chúa Trịnh đã tiến hành những đợt xây cất, mở rộng thành Thăng Long, xây dựng một số công trình phục vụ cho nhà chúa. Mọi công việc trong triều đình từ lớn đến nhỏ đều do nhà chúa phê chuẩn. Sự lộng hành đó đã được phản ánh trong một số tấm bia dựng vào thời kì này như bia: Nam Giao điện bi kí (南 交 殿 碑 記), bia tại Y Miếu Thăng Long và trong những tấm bia Đề danh tiến sĩ tại Văn

Miếu – Quốc Tử Giám, rồi đến những lệnh chỉ, ý chỉ đều do nhà Chúa ban hành.

Trong bia Nam Giao điện bi kí (南 交 殿 碑 記) tại đàn Nam Giao

(thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) dựng năm Vĩnh Trị 4 (1679) đời Lê Hy Tông với nội dung chủ yếu ca ngợi chúa Trịnh đã giúp vua Lê lên ngôi báu: “Đại nguyên soái, Chưởng quốc chính, Thượng sư

thái phụ, Đức công nhân uy, minh thánh Tây vương (Trịnh Tạc), tính trời thông minh, nếp nhà trung hậu, nối tiếp ngôi chúa, giữ gìn nghiệp lớn, giúp Hoàng thượng kế thừa đức cả, hưởng được phúc lành, chuyên uỷ Nguyên

soái điển quốc chính Định Nam Vương (Trịnh Căn) giải quyết mọi việc, mở mang nền thịnh bình…”.

Theo điển lễ, tế Nam Giao là tế trời, do vua đứng ra chủ tế, bởi vua được ví như con trời, đại diện cho muôn dân thiên hạ hàng năm phải tự đứng ra làm lễ nhằm tỏ lòng thành kính với trời để cầu phúc cho muôn dân. Thế nhưng, đến giai đoạn này, việc tế trời cũng do nhà chúa sắp đặt, vua không được tự quyết định: “Hàng năm, tết đầu xuân, chính mình rước xe

vua, dẫn các quan nghiêm chỉnh đến sân điện làm lễ lớn, hết lòng cung kính mà vẫn cho là chưa được đầy đủ”.

Để tỏ rõ uy quyền, chúa Trịnh đã cho dỡ bỏ đàn cũ ở ngoài trời và cho dựng điện Chiêu Sự để tế bên trong: “Bấy giờ, lệnh chúa ban ra, chọn

ngày tốt, tập trung các thợ, cột xà đều dùng nguyên liệu rất tốt, mực thước theo kiểu điện Trường Sinh, dỡ bỏ những cái cũ kĩ, xây dựng công trình mới mẻ…Điện này gạch xây làm nền, đá dựng làm cột, đao cong rực rỡ, đầu rồng dưới mái lượn song song. Vuông góc huy hoàng, chân ngao trên thềm chống cân đối, qui mô đổi mới sáng đẹp…”.

Tế Nam Giao là tế ở ngoài trời, không được làm ở trong nhà có nóc. Việc làm của chúa đã là điều không hợp lẽ, hợp lệ. Việc dựng điện Chiêu sự là sự chứng tỏ uy quyền của nhà Chúa đối với mọi công việc của đất nước. Người đời sau vô cùng chê trách nhưng cũng phê phán sự nhu nhược của vua Lê: “Muốn giữ được lễ của đời xưa thì đắp đất nên làm thành đàn,

mỗi năm lại làm đàn mới, như thế còn ý nghĩa chất phác, thành thực. Nếu lại tế ở trong nhà mà đặt bài vị, đem cái đạo thờ Thần mà thờ Trời thì tôi e là thân quá mà gần như là nhờn” [5, tr.122].

Chúa Trịnh thực chất nắm trong tay mọi quyền bính (từ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục….). Mọi chính sách xã hội thời kì này đều do các chúa Trịnh và tôn thất trong phủ chúa nắm giữ, quyết định. Điều này thấy rất rõ trong những tấm bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Thế

Tông Nghị hoàng đế, trong lúc đổi hổ thay lông thực nhờ Thánh tổ triết vương đứng đầu giúp dập, chiêu vời tuyển chọn kẻ sĩ, dương uy thần võ, xướng khởi nghĩa binh, khiến cho hai vầng nhật nguyệt lại sáng soi”(bài kí

trên bia dựng năm Quang Hưng 21 (1598)), “…Thần Tông Uyên Hoàng đế,

tiếp nối cơ đồ, đảm đương mệnh lớn. Thực nhờ Văn tổ Nghị vương (tức chúa Trịnh Tráng) giúp dập tạo nên công lao thánh đế, khuyếch trương việc trị nước, uỷ quyền cho Phó vương phủ là người đức độ, tô điểm trăm việc sáng đẹp, hiếu học, sùng Nho, làm chấn hưng văn học…” (bia dựng

năm Thịnh Đức 4 (1656)).

Sự có mặt của nhà Chúa còn thể hiện trong rất nhiều tấm bia Tạo lệ được dựng trong thời kì này. Bia Phụng lục sao tả nhập bi kí (奉 錄 稍 寫 入 碑 記), niên hiệu Hoằng Định 13 (1613) (tại đình Nhật Tân, quận Tây Hồ) cho biết: “Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An

Vương ra lệnh cho bọn Nguyễn Quang Tước, Nguyễn Quang Nhiêu ở phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức xin cho lập đền thờ và lấy đất 3 thửa ao dùng làm tiền thuế để tế lễ hàng năm. Cấm không cho ai được phép ngăn cản. Hai phường Yên Hoa, Nghi Tàm thuộc bản tổng hàng năm phải nộp một con trâu, phường Đông Hồ nộp 1 con dê, giao cho phường Nhật Chiêu làm thịt để tế thần”.

Vào năm 1623, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 4, chúa Trịnh đã theo tờ khải của Lệnh doãn phủ Phụng Thiên là Lại Xuân Tử, Nguyễn Tự Cường ra lệnh trả cho đình Nhật Tân 13 mẫu 6 sào để dùng vào việc thờ phụng thần (bia Thần từ phụng sự điền bi kí (神 祠 奉 事 田 碑 記) – đình Nhật Tân, Tây Hồ).

Năm 1656, niên hiệu Thịnh Đức 4, chúa Trịnh chuẩn y cho dân trại An Lãng được làm dân tạo lệ (bia Tạo lệ (造 例) ở chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa ). Năm 1781, chuẩn y cho dân phường Hàng Buồm được miễn không phải đóng góp các khoản thuế khoá, sưu dịch…để thờ cúng thần Bạch Mã (bia Tạo lệ bi kí (造 例 碑 記), đền Bạch Mã, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).

Ngoài ra, trong các hoạt động xây dựng, tu sửa đền, chùa đều thấy sự xuất hiện của nhà chúa và những người trong phủ chúa đứng ra hưng công, xây dựng, như bia chùa Hàm Long (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), bia Y Miếu Thăng Long (phường Văn Miếu, quận Đống Đa).

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của đời sống thị dân Thăng Long - Hà Nội (Qua khảo sát Văn bia (Trang 96)