Tiềm năng phát triển DLST

Một phần của tài liệu chiến lược phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia u minh thượng, tỉnh kiên giang đến năm 2020 (Trang 40)

U Minh Thượng là một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất ở vùng ĐBSCL. Trong hệ sinh thái rừng tràm úng phèn ở Việt Nam chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của VQGUMT có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh, đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với diện tích trên 3.000

ha. Các đầm lầy và các sinh cảnh thực vật trên các kênh đê nằm xen kẽ, rải rác trong các khu rừng tạo nên những khu cư trú thích hợp cho các loài động vật hoang dã. Bên cạnh các giá trị về ĐDSH VQGUMT còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng đã được Bộ văn hóa thông tin ban hành Quyết định số 1768/QĐ-VH ngày 28/6/1997 công nhận là di tích lịch sử.

2.1.2.1. Đa dạng sinh học

(1). Thực vật rừng

Hình 2.2: Cây Mật Cật là loài thực vật tại VQG U Minh Thượng

Thảm thực vật rừng của VQGUMT thuộc hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn với đặc điểm của sinh vật sống ở đó là: Chúng thích nghi với nhịp sống theo mùa nước cạn trong mùa khô luân phiên với tình trạng ngập úng 5 - 6 tháng liền trong mùa mưa lũ; môi trường không đồng nhất và ổn định, thay đổi độ mặn, độ phèn theo mùa nước; Lửa rừng luôn đe dọa trong mùa khô, nếu xảy ra không ngăn chặn kịp thời chúng sẽ tiêu hủy thảm thực vật rừng và cháy ngầm nền than bùn dưới rừng Tràm, làm mất đi nơi cư trú của động vật trên cạn và động vật thủy sinh.

Thành phần thực vật của VQGUMT bao gồm 243 loài thực vật có mạch bậc cao, thuộc bốn nhóm chính và trong mỗi nhóm bao gồm những hợp đoàn thực vật khác nhau đó là:

- Nhóm thực vật rừng Tràm gồm có rừng Tràm hỗn hợp trên đất than bùn, rừng Tràm thuần loại trên đất than bùn và rừng Tràm trên đất sét.

- Nhóm thực vật đồng cỏ: gồm có đồng cỏ Sậy, đồng cỏ Năng.

- Nhóm thực vật đầm lầy: có các dạng đầm lầy với Súng trắng, đầm lầy với Bèo cái, Bèo tai chuột, đầm lầy với Bồn bồn.

- Nhóm thực vật ở các dòng chảy: Hình thành các quần xã thực vật khác nhau ở các dòng chảy nhiên thảm thực vật trên các dòng chảy tự nhiên (là các lung) và nhóm thực vật trên các kênh đào.

Rừng Tràm trên than bùn, rừng Tràm trên đất sét, đồng cỏ Sậy, đồng cỏ Năng và các đầm lầy là những kiểu thảm thực vật chiếm diện tích lớn nhất. Rừng hỗn hợp trên than bùn chỉ hiện diện tại một khu vực nhỏ với diện tích xấp xỉ 4 ha. Đây được xem là kiểu thảm thực vật cực đỉnh của hệ sinh thái rừng ngập nước trên than bùn của vùng ĐBSCL.

Rừng hỗn hợp trên than bùn có thành phần các loài cây gỗ đa dạng nhất trong 3 kiểu rừng của VQGUMT. Các loài cây gỗ ghi nhận được gồm có: Mốp (Alstonia

spathulata), Bùi (Ilex cymosa), Trâm (Syzygium cumini), Trâm sắn (Syzygium

polyanthum), Dấu dầu 3 lá (Euodia lepta), Tràm (Melaleuca cajuputi), Bí bái (Acronichya

pedunculata), và Côm (Eulaeocarpus hygrophylus). Cây Tràm không phải là loài cây

chiếm ưu thế trong tổ thành của rừng hỗn hợp.

Rừng Tràm trên than bùn bao gồm các trạng thái rừng trên than bùn trong đó cây Tràm chiếm ưu thế. Lớp than bùn có độ dầy dao động trong khoảng 50cm đến 200cm. Ngoài cây Tràm, một số loài cây gỗ khác cũng hiện diện nhưng với mật độ thấp như Dấu dầu 3 lá, Bùi, Mốp, Trâm, Trần mai (Trema orientalis). Các loài cây này tuy hiện diện với mật độ thấp nhưng có vai trò sinh môi quan trọng vì chúng cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài chim và thú nhỏ. Sự hiện diện của các cây gỗ này cũng là một nét đặc trưng của rừng Tràm trên than bùn, tạo nên sư khác biệt so với rừng Tràm thuần loại thường gặp ở vùng ĐBSCL.

Rừng Tràm trên đất sét chỉ gồm hầu như một loài cây gỗ duy nhất đó là cây Tràm. Ở VQGUMT, rừng Tràm trên đất sét phát triển trên những khu vực mà lớp than bùn đã hoàn toàn mất đi do cháy. Các vùng rừng này có thể là do tái sinh tự nhiên hoặc do trồng lại. Tuổi của rừng từ những đám mới được trồng lại một hai năm gần đây đến những đám đã hơn 10 tuổi.

Hình 2.3: Sân Chim VQG U Minh Thượng

 Các sinh cảnh phân bố động vật

VQGUMT là khu rừng nằm độc lập, xung quanh là Vùng Đệm và đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Các khu vực tách biệt với nhau bằng hệ thống kênh đê. Kết hợp giữa yếu tố địa hình và thảm thực vật rừng và hệ thống các đầm lầy, vùng ngập nước trong Vườn hình thành nên các sinh cảnh phân bố động vật chính như sau:

Trên sinh cảnh rừng Tràm nhiều cấp tuổi thích hợp cho phân bố của nhiều loài chim vừa và nhỏ, đặc biệt là Cò, Còng cọc, Chim lớn, Già đẩy Java, Giang sen.

Sinh cảnh trảng Sậy, cây bụi lúp xúp là nơi thích hợp cho Diệc. Trích. Sinh cảnh các đầm lầy là nơi kiếm ăn của các loài chim nước. Sân chim đa loài (tiểu khu 39), thuộc khu rừng do Phòng Hậu Cần - Sở Công An tỉnh Kiên Giang quản lý. Máng Diệc (tiểu khu 46A, 46B) phía Tây Bắc của khu bảo tồn khu vực chốt A (đầu kênh 20). Máng Dơi (tiểu khu 58), cách Hồ Hoa mai 1 km về phía Đông Nam trên rừng Tràm nguyên sinh. Các gò cao, kênh đê là nơi làm hang ổ của Rái cá, Chồn, Chuột.

Đất canh tác nông nghiệp ở các kênh, đê ngoài đã liên kết giữa rừng của khu bảo tồn với những đám rừng trồng trên đất giao khoán hộ gia đình, khu vực này đóng góp đáng kể các loại thức ăn cho các loài động vật như: Cây rau, màu, củ quả, hạt cây lương thực... thích hợp cho các loài chim ăn hạt, Heo rừng, Khỉ, Chồn và trong các kênh hộ cũng là nơi mà các loài Rái cá, Mèo cá...ra săn mồi (Cá, Tôm nuôi).

 Thành phần động vật rừng

VQGUMT có phân bố của 32 loài thú, 202 loài côn trùng, 38 loài bò sát, ếch nhái. Những loài động vật như Lợn rừng, Rái cá, Trăn, Rắn, Rùa là những loài động vật phổ biến và có số lượng lớn ở VQG.

Hình 2.4: Tê tê (Trúc) tại VQG Hình 2.5: Rái cá lông mũi tại VQG

Các loài thú quý hiếm ở khu vực gồm có Tê tê (Manis javanica) Rái cá vuốt bé

(Aonyx cinerea), Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Cầy giông (Viverra zibetha), Cầy

giông đốm lớn (Viverra megaspila), Cầy hương (Viverricula indica), Mèo rừng

(Prionailurus bengalensis), Mèo cá ( Prionailurus viverinus) Dơi chó tai ngắn

(Cynopterus branchyotis), Dơi ngựa lớn (Pteropus vampirus) Những loài lưỡng cư và

bò sát điển hình ở U Minh Thượng gồm có các loài Trăn mốc (Python molurus), Rắn cạp nong (Bulgarus fasciatus), Rắn Hổ trâu (Ptias korros), Rùa hộp ăm-boa (Cuora

amboinesis), Rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga)... Rái cá được chọn là biểu tượng của

VQGUMT. U Minh Thượng có 2 loài rái cá: Rái cá vuốt bé (Rái cá cùi) với khoảng 100- 120 con và Rái cá lông mũi (Rái cá móng) hiện có khoảng 150-200 con. Cả hai loài này đều là những loài quý hiếm, có nguy cơ diệt vong và đã được ghi vào Sách đỏ của thế giới. Rái cá lông mũi từng phân bố ở Thừa Thiên Huế, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau, nhưng hiện nay chỉ được ghi nhận ở rừng U Minh, tập trung chủ yếu tại VQGUMT.

Sân chim U Minh Thượng có thành phần và số lượng các loài chim phong phú và đa dạng. Các nhà khoa học đã nhận biết được 147 loài chim thuộc 39 họ, 13 bộ chiếm 17,7% so với 828 loài chim ghi nhận tại Việt Nam. Trong đó có 8 loài chiếm tỷ lệ 0,1% trở lên trên tổng số cá thể trên toàn cầu.

Những loài chim có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam và trên thế giới đã quan sát được ở các sinh cảnh khác nhau như Điên điển cổ rắn (Anhinga

melagonater); Giang sen (Mycteria leucocophala); Cò nhạn, cò óc (Arastonus

leucocephala); Già đẫy Java, Già sói (Leptoptilos javanicus); Quắm đầu đen

(Threskiornis melanocephalus); Quắm đen (Plegadis falcinellus); Đại bàng đen

(Aquila clanga); Cồng cộc, Cốc đế (Phala crocorax niger); Rồng rộc vàng (Ploceus

hypoxanthus); Diệc lửa (Ardea purpurea); Chàng bè (Pelecanus philippensis); Diều ăn

cá (Ichthyophaga ichthyaetus); Hạc cổ trắng, Hạc khoang (Ciconia episcopus).

Tháng 11 năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra giống chim quý hiếm có tên gọi Già Sói (Leptoptilos Javanicus) tại VQGUMT. Đây là giống chim đang có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu; tại vùng Đông Nam á chỉ có hai nơi tìm thấy loài chim này, trong đó có VQGUMT. Đây là loài chim có tầm di trú rộng theo mùa, chiều cao trung bình từ chân đến mỏ khoảng 1,2 mét, sải cánh rộng từ 0,8 đến 1 mét, trọng lượng trung bình 4 - 5 kg.

Năm 2004, sau hai năm rừng bị cháy số lượng chim về trú ngụ tăng đột biến, đông nhất vẫn là họ Cò, kế đến là Vịt trời, Trích và các loại Diệc. Ngoài những loài chim thông thường, Vườn bước đầu quy tụ trở lại những loài chim di trú xa, trong đó có những loài Khoang cổ trắng, Bồ nông, Giang sen kéo về thành bầy lên đến cả nghìn con. Các loài chim về làm tổ, sinh sản không chỉ trong phạm vi Vườn, mà còn lan sang diện tích rừng tái sinh, rừng trồng của nhân dân quanh vùng đệm.

(3). Tài nguyên thủy sản

Khu hệ cá ở U Minh Thượng bao gồm 37 loài thuộc 19 họ, trong đó có 9 loài cá có giá trị kinh tế lớn: cá Rô đồng (Anabas testudineus); Thát lát (Notopterus

notopterus); Lóc (Channa striata); Dày (Channa lucius); Lóc bông (Channa

micropeltes), Sặc rằn (Trichogastes pectoralis); Sặc bướm (Trichopterus

trichopterus); Trê vàng (Clarias macrocephalus); Trê trắng (Clarias batrachus). Họ

cá Chép (Cyprinidae) có 9 loài (24%); họ cá Sặc (Belontiidae) có 6 loài (16%); họ cá Lóc (Channidae) có 3 loài (8%); họ cá Lăng (Bagridae), họ cá Trê (Clariidae) và họ cá Thát lát (Notopteridae) gồm 2 loài (5%); các họ còn lại chỉ có 1 loài chiếm 3%.

Hình 2.6: Cá Sặc Rằn tại VQG

Trong các loài cá trên có 4 loài được xếp vào Sách đỏ động vật Việt Nam gồm cá Trê trắng (Clarias batrachus); cá Còm (Chitala ornata), cá Lóc (Channa striata) và cá Lóc bông (Channa micropeltes).

Mức độ đe dọa các loài nói trên ở bậc T (bị đe dọa), cần có biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý các đối tượng cá này. Giảm hoặc cấm khai thác chúng trong mùa sinh sản, bảo vệ vùng cư trú cấm khai thác trong mùa khô nhằm giữ gìn nguồn cá bố mẹ cho mùa vụ sinh sản sau.

Khu hệ cá được phân biệt thành hai nhóm. Nhóm cá đồng có nguồn gốc tại chỗ. Nhóm cá này tồn tại và phát triển trong các thủy vực VQGUMT (kênh, lung, bàu, rừng tràm..) ít di cư, mùa khô chúng rút xuống những lung, bàu trũng và chịu được môi trường khắc nghiệt (pH và oxy thấp, môi trường chật hẹp) nhờ có cơ quan hô hấp phụ. Trong mùa mưa chúng di chuyển phát tán rộng trong khu rừng Tràm và các kênh rạch kiếm thức ăn và sinh sản, trong mùa này phiêu sinh vật cũng phát triển mạnh tạo nên nguồn thức ăn phong phú cả về thành phần lẫn số lượng.

Mùa mưa cũng là thời kỳ sinh trưởng nhanh của hầu hết các loài cá sống trong VQGUMT. Chúng di chuyển rộng ra các vùng lân cận khi mực nước dâng đầy các khu rừng tràm. Đặc biệt một số loài cá như Lóc, Trê, Rô, Sặc, Thát lát, có khả năng sinh sản và phát triển khép kín vòng đời trong các khu rừng Tràm U Minh Thượng.

Nhóm cá di cư từ sông vào mùa mưa, nhóm cá này gồm các loài cá có nguồn gốc từ sông, rạch ưa nước chảy theo dòng nước sông vào các kênh rạch nối liền VQGUMT vào mùa mưa khi mực nước các kênh dâng đầy. Nhóm này có các đại diện

như Cá ngựa (Hampala dispar Smith, 1934), Cá tựa mại xiêm (Parachela siamensis

Gunther, 1868), Cá rằm (Puntius brevis Bleeker, 1860), Cá đỏ đuôi (Rasbora

borapetensis Smith, 1934), cá Lòng tong (Rasbora urophthalmoides Kottelat, 1991),

Lòng tong đa-ni (Rasbora daniconius Hamilton, 1822), Cá đong (Systomus sp.), Cá chốt đen (Mystus gulio Hamilton, 1822), Cá chốt (Mystus sp.). Với nguồn sinh vật thủy sinh phong phú các thủy vực trong khu rừng Tràm U Minh Thượng là bãi kiếm ăn lý tưởng của nhóm cá này. Khi mùa mưa kết thúc, mực nước trong các thủy vực của VQG cạn dần các loài cá này di cư ngược ra các kênh và ra sông. Khoảng thời gian tháng 5 - 6 đầu mùa mưa, là mùa sinh sản tập trung của các giống loài sinh sống trong khu rừng Tràm U Minh Thượng như cá Lóc, cá Rô, cá Sặc, cá Trê trắng, Trê vàng, Thát lát. Chúng làm tổ và sinh sản tại các lung bàu, đìa, khi nước mưa làm ngập các vùng ngập trũng chúng sẽ phát tán sinh trưởng và phát triển với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú tại chỗ.

(4). Tài nguyên đất than bùn

Than bùn ở VQGUMT được đánh giá là nguồn tài nguyên quý giá về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rừng ngập nước úng (rừng Tràm).

Than bùn được hình thành trong điều kiện yếm khí thường xuất hiện ở những vùng có địa hình trũng, đất sình lầy đọng nước lâu ngày, than bùn ở VQGUMT có lịch sử hình thành từ hơn 3000 năm trước. Ở vùng U Minh xưa kia, than bùn phân bố khá rộng ở nhiều nơi và giữ vai trò quan trọng cho việc cung cấp nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt và nước phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân sống trong vùng và vùng gần biển bị nhiễm mặn thuờng xuyên.

Sau giải phóng do nhu cầu đất sản xuất lương thực diện tích rừng Tràm bị khai phá sản xuất nông nghiệp, tình trạng cháy rừng Tràm hàng năm đã thu hẹp diện tích đất than bùn một cách nhanh chóng, VQGUMT là một điểm hiếm hoi còn lại than bùn. Trước khi cháy diện tích đất than bùn ở VQGUMT khoảng 3.000 ha, trữ lượng ước tính khoảng 40 triệu m3. Trong đó diện tích tập trung khoảng 2.500 ha, dọc theo 2 bên kênh trung tâm, đây là đĩa than bùn có diện tích và trữ lượng lớn nhất của nước ta. Sau trận cháy rừng năm 2002 diện tích đất than bùn ở VQGUMT còn khoảng 2.707 ha, phân bố không tập trung và phần nào đã suy giảm về chất lượng như độ dày tầng than bùn.

2.1.2.2. Tài nguyên nhân văn

VQGUMT chứa đựng những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa, với những cây Tràm cổ thụ, những đường nước cổ, các sinh cảnh thực vật đan xen nhau tạo ra những không gian đóng, mở thu hút những người dân địa phương và hấp dẫn những người mới đến U Minh, mở ra một triển vọng to lớn trong việc phát triển DLST và tìm hiểu về thiên nhiên hoang dã. Thảm thực vật rừng đã đóng vai trò giữ nước, điều hòa độ ẩm luôn giữ cho lớp than bùn ẩm ướt; hạn chế khả năng cháy rừng. Nước được giữ lại ở tầng than bùn, các lớp thảm mục. Tầng than bùn đã hạn chế lượng bốc hơi nước trong mùa khô, hạn chế việc dẫn phèn theo mao quản từ dưới lên. Nguồn nước đỏ của U Minh Thượng đây là nguồn nước đặc trưng của khu vực: Nước có màu nâu đỏ, do trong nước có xác hữu cơ, phiêu sinh vật...Đây là nguồn nước ngọt chủ yếu được nhân dân địa phương sử dụng hàng ngày cho các nhu cầu ăn, uống, tắm giặt... U Minh Thượng là khu căn cứ địa cách mạng qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, là căn cứ cách mạng của khu Tây Nam Bộ, Xứ ủy Nam Bộ, Trung Ương cục Miền Tây Nam Bộ, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, các cơ quan đầu não của khu, của Tỉnh, của quân chủ lực Quân khu 9. Nơi hoạt động của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong kháng chiến.

U Minh Thượng vốn là vùng căn cứ qua 2 thời kỳ cách mạng chống Thực Dân Pháp và Đế Quốc Mỹ xâm lược, được tỉnh, khu và Trung ương Cục chọn làm căn cứ. Các chủ trương kháng chiến giữ nước trong các thời kỳ lịch sử được đề ra từ đây. Đây cũng là nơi rèn luyện quân đội, tập huấn cán bộ, làm bàn đạp tấn công địch, cung cấp lương thực, sản xuất vũ khí, điểm tập kết của tuyến đường chiến lược Giao - Bưu - Vận 1C. Tiếp nhận sự chi viện của Trung Ương và Miền về cho Quân khu 9 để cung cấp cho chiến trường Tây Nam Bộ. Đây cũng là nơi quân dân ta nêu cao ý thức tự lực tự cường, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và thể hiện niềm tin của nhân dân đối với sư lãnh đạo của Đảng, bám trụ theo Đảng trong suốt hai cuộc chiến tranh giữ nước.

Trong kháng chiến U Minh Thượng là nơi hoạt động và chiến đấu của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước như các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Giàu, Nguyễn Tấn Dũng...

Một phần của tài liệu chiến lược phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia u minh thượng, tỉnh kiên giang đến năm 2020 (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)