Mặc dù các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang từng bước thực hiện việc cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, nhưng do điều kiện hạn hẹp về vốn và kiến thức chuyên môn mà quá trình này diễn ra chậm, kém hiệu quả và không triệt để. Do đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành dệt may Việt Nam còn kém, thấp hơn các nước ở khu vực. Trong khi đó, để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Hoa Kỳ, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có công nghệ sản xuất hiện đại, không chỉ để đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường. Do đó, Nhà nước cần phải có những biện pháp khoa học công nghệ cho ngành dệt may. Nhà nước có thể tự mình nghiên cứu các công nghệ mới, hiện đại trên thế giới, từ đó có thể nghiên cứu phát triển các công nghệ đối với ngành dệt may trong nước. Hay bên cạnh đó, Nhà nước nghiên cứu để đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn cho các doanh nghiệp dệt may xem công nghệ nào phù hợp với việc đáp ứng các tiêu chuẩn và tình hình sản xuất trong nước. Từ đó có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị như đánh thuế nhập khẩu thấp, đơn giản hóa các thủ tục hải quan. Đồng thời, Nhà nước cũng có thể làm cầu nối, khuyến khích sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để từ đó có thể tiếp thu được khoa học công nghệ, trình độ chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất trong nước.
81