Khái niệm về doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp (Trang 29)

9. Kết cấu của Luận văn

1.3.1.1.Khái niệm về doanh nghiệp

Trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về doanh nghiệp. Nếu nhìn ở góc độ tổ chức, doanh nghiệp là một tổng thể các phương tiện, máy móc, thiết bị và con người được tổ chức lại nhằm một mục đích, còn nếu nhìn ở góc độ lợi nhuận thì doanh nghiệp là một tổ chức sản xuất, mà qua đó, trong khuôn khổ một tài sản nhất định, người ta kết hợp nhiều yếu tố sản xuất khác nhau với mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ để bán trên thị trường và

thu khoản chênh lệch giữa giá thành và giá bán sản phẩm. Dưới góc độ chức năng, doanh nghiệp là một đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện một, một số, hoặc tất cả các công đoạn trong quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện các dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi. Theo quan điểm lý thuyết hệ thống, doanh nghiệp là một bộ phận hợp thành trong hệ thống kinh tế, mỗi đơn vị trong hệ thống đó phải chịu sự tác động tương hỗ lẫn nhau, phải tuân thủ những điều kiện hoạt động mà nhà nước đặt ra cho hệ thống kinh tế đó nhằm phục vụ cho mục đích tiêu dùng của xã hội. Theo Khoản 1 Điều 4 của Luật doanh nghiệp ban hành ngày 29/11/2005 đưa ra khái niệm “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện ổn định các hoạt động kinh doanh” [16;điều 4]. Doanh nghiệp là một chủ thể kinh tế tiến hành các hoạt động kinh tế theo một kế hoạch nhất định nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Trên thực tế, doanh nghiệp được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau: cửa hàng, nhà máy, xí nghiệp, hãng, công ty,v.v..

Cũng theo luật trên, ta có thể phân loại các doanh nghiệp thành:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp mà trong đó, tài sản của nó thuộc sở hữu một cá nhân duy nhất.

Doanh nghiệp chung vốn hay Công ty. Đây là loại hình doanh nghiệp mà các thành viên sẽ cùng góp vốn, cùng chia lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn của mình góp vào công ty. Có hai hình thức công ty chính là công ty TNHH và công ty cổ phần.

Công ty TNHH là doanh nghiệp, trong đó các thành viên cùng góp vốn, cùng chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn của mình.

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật này.” [16;điều 77]

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội do nhà nước giao.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tự chủ do người lao động có nhu cầu và lợi ích chung tự nguyện cùng góp vốn đầu tư, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh tập thể và của từng xã viên, nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp (Trang 29)