Như đã trình bày ở trên, đây là lĩnh vực đặc thù của hoạt động thực hành quyền công tố, nên đòi hỏi thủ tục rất chặt chẽ trong quá trình áp dụng pháp luật. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thời gian cho Viện kiểm sát xem xét ra quyết định áp dụng pháp luật là rất ngắn so với thời gian cho các hoạt động tố tụng khác như: thời hạn điều tra, thời hạn xét xử. Ví dụ, thời hạn xem xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp là 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp; thời hạn xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam không quá 3 ngày kể từ khi nhận được công văn đề nghị và các tài liệu liên quan … Vì vậy, Kiểm sát viên phải tận dụng triệt để thời gian nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, trên cơ sở đó đề xuất lãnh đạo viện ra quyết định áp dụng pháp luật có căn cứ, đúng pháp luật. Áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn
điều tra của viện kiểm nhân dân là hoạt động chỉ do viện kiểm sát nhân dân tiến hành theo pháp luật quy định.
Theo quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát nhân dân các cấp là cơ quan có chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Là cơ quan duy nhất thực hành quyền công tố. Hoạt động trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân được pháp luật trao cho một hệ thống các quyền năng pháp lý, trong đó có những quyền chỉ Viện kiểm
sát mới được thực hiện như quyền truy tố bị can ra tòa án để xét xử. Tất cả các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến vụ án, bị can đều phải được đặt dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát. Một số lệnh, quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến vụ án, bị can phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì mới có hiệu lực pháp luật như: quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can, lệnh bắt tạm giam bị can… Mọi quyết định áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra đều có tác động trực tiếp đến các quyền cơ bản của đối tượng bị áp dụng. Vì vậy, Viện kiểm sát phải hết sức thận trọng, khách quan trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, tài liệu hồ sơ vụ án trước khi ra quyết định áp dụng pháp luật. Thông qua việc thực hiện chức năng này, viện kiểm sát nhân dân góp phần thực hiện quyền lực nhà nước, trực tiếp thực hiện quyền tư pháp góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bảo đảm mọi hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của tập thể và lợi ích hợp pháp của công dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bảo đảm cho việc khởi tố điều tra các vụ án hình sự được tuân theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Thứ hai, áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn
điều tra của Viện kiểm sát nhân dân phải tuân thủ những quy định về trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
Áp dụng pháp luật nói chung trong các lĩnh vực đều đòi hỏi phải tuân thủ những hình thức và thủ tục chặt chẽ. Song, do tính chất của hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát với mục đích là nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, buộc họ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do các chế tài pháp luật hình đặt ra. Đây là loại chế tài nghiên khắc nhất trong hệ thống các chế tài của pháp luật, nó tước bỏ hoặc hạn chế các quyền nhân thân và tài sản của người bị áp dụng. Vì vậy, trình tự, thủ tục áp dụng pháp luật đối với hoạt động này bao giờ cũng được pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ.
Áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân trước hết phải đảm bảo tính chặt chẽ và có căn cứ pháp luật. Hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng từ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được quy định chặt chẽ bởi pháp luật tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất đang có hiệu lực thi hành quy định về thủ tục, trình tự tố tụng hình sự, quy định mọi vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết một vụ án hình sự. Việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng chính là quá trình áp dụng pháp luật. Đây là quá trình áp dụng các quy định pháp luật hình thức, mặc dù mục đích của việc áp dụng này là để áp dụng các quy phạm luật nội dung. Vì vậy, áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay áp dụng các quy phạm pháp luật hình thức là điều kiện bắt buộc và là tiền đề cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật nội dung nhằm truy tố người phạm tội ra tòa để xét xử. Thực hiện nghiêm chỉnh, chính xác các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được đúng đắn, khách quan, chính xác, không để xảy ra các trường hợp oan sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Thứ ba, áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn
điều tra của Viện kiểm nhân dân có tính chất bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng, với các chủ thể có liên quan và được pháp luật bảo đảm thi hành.
Viện kiểm sát là cơ quan có quyền và có trách nhiệm bảo đảm cho việc khởi tố điều tra các vụ án hình sự được tuân theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân được pháp luật trao cho một hệ thống các quyền năng pháp lý nhất định để bảo đảm thực thi các quyền trên. Các văn bản áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra là thể hiện ý chí của nhà nước, nó không chỉ tác động trực tiếp đến đối tượng bị áp dụng là người phạm tội mà còn tác động đến cả cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến
hành tố tụng và đối tương có liên quan. Vì, các văn bản áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra buộc người phạm tội phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do các chế tài pháp luật hình sự đặt ra. Đây là loại chế tài nghiên khắc nhất trong hệ thống các chế tài của pháp luật, nó tước bỏ hoặc hạn chế các quyền nhân thân và tài sản của người bị áp dụng. Các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến vụ án, bị can ít nhiều có tác động đến người phạm tội, nhưng nó đều phải được đặt dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát. Một số lệnh, quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến vụ án, bị can phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì mới có hiệu lực pháp luật như: quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can, lệnh bắt tạm giam bị can… Mọi quyết định áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra đều phải được thi hành một cách nghiêm chỉnh để đảm bảo việc truy tố đúng người đúng pháp luật, có căn cứ, không để xảy ra các trường hợp khởi tố, bắt giữ, giam oan, sai.
Thứ tư, áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn
điều tra của Viện kiểm nhân dân được tiến hành đối với các vụ án hình sự. Công tố và theo đó là thực hành quyền công tố chỉ có trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự. Đó là quyền của nhà nước giao cho Viện kiểm sát tiến hành nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát vừa có quyền nhưng cũng có nghĩa vụ thực hiện các quyền năng pháp lý thuộc nội dung công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc thu thập tài liệu chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội. Những hoạt động đó bao gồm: có hay không có hành vi phạm tội xảy ra? Nếu có thì phạm tội gì? Được quy định tại điều khoản nào của Bộ luật hình sự? Ai là người thực hiện hành vi đó? Họ có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa?... Trên cơ sở đó truy tố người phạm tội ra trước tòa án để xét xử. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố,
Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét nghiên cứu hồ sơ một cách khách quan, toàn diện, trên cơ sở đó ra văn bản áp dụng pháp luật bảo đảm có căn cứ và đúng pháp luật. Đây là những hoạt động được pháp luật tố tụng hình sự quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự được đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội.
1.1.4. Vai trò của áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ởgiai đoạn điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân