* Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cũng như của các tổ chức xã hội và của nhân dân đối với hoạt động áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân.
Ở đây, một mặt nó thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Mặt khác, nó phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và của toàn xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội xảy ra đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm việc giải quyết án đúng pháp luật, không oan, sai. Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này, coi đó là một giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng công tác tư pháp ở nước ta. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới khẳng định: “Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các tổ chức xã hội và của công dân đối với công tác tư pháp.”
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp nói chung, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều 32 quy định về giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đây được coi là nguyên tắc của hoạt động tố tụng hình sự. Nội dung của Điều luật thể hiện ở các vấn đề sau:
Một, quy định phạm vi và nội dung giám sát của cơ quan, tổ chức, đại
biểu dân cử khi thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Về phạm vi là giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; về nội dung là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Hai, quy định biện pháp pháp lý của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân
cử khi thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đó là: Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Ba, quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm
quyền phải xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị và yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử theo quy định của pháp luật.
* Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác thanh tra, kiểm tra
trong ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng
Thực tiễn tại Hà Giang cho thấy việc quản lý, chỉ đạo, điều hành có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân. Vấn đề đặt ra đối với công tác này là phải căn cứ vào diễn biến tình hình tội phạm ở địa phương, nắm chắc tình hình hoạt động của từng khâu công tác kiểm sát hình sự của cấp mình và cấp dưới để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chấn chỉnh những thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân. Việc quản lý, chỉ đạo, điều hành ở từng khâu công
tác kiểm sát phải đảm bảo chế độ tập trung thống nhất trong ngành, Kiểm sát viên chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Viện trưởng cấp mình. Đồng thời, cần thực hiện tốt chế độ phân cấp quản lý theo quy định của các quy chế công tác kiểm sát của ngành. Thực hiện tốt những vấn đề này chính là tăng cường chế độ trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp kiểm sát trong việc áp dụng pháp luật. Một trong những biện pháp quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo mà Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp cần thực hiện là việc thường xuyên kiểm tra cấp mình và cấp dưới trong việc tiến hành các công tác nghiệp vụ. Thông qua việc kiểm tra để phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm và phải ra thông báo rút kinh nghiệm chung.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác bảo đảm việc áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân. Đó là tăng cường cơ sở vật chất và hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, kiểm sát viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Tỉnh uỷ đối với công tác tư pháp nói chung và với hoạt động của ngành kiểm sát nói riêng. Tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong việc giải quyết án hình sự.