Hằng ngày, ta thở liên tục để hít khí ôxy và bài tiết khí CO2. Quá trình trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường gọi là thở. Hệ thống hô hấp được cấu thành bởi đường hô hấp (gồm lỗ mũi, yết, hầu, khí quản, khí quản nhánh) và phổi.
Lỗ mũi là cửa ngõ của đường hô hấp, cũng là màn chắn đầu tiên trước khi không khí đi vào cơ thể. Hốc mũi được che phủ bởi một lớp niêm mạc với nhiều mạch máu nhỏ li ti và các tuyến thể giúp làm ấm và làm ẩm không khí được hít vào. Về mùa đông, nhờ lỗ mũi mà không khí lạnh không thể trực tiếp đi vào đường hô hấp.
Ngoài ra, các tuyến thể trong niêm mạc mũi còn tiết ra một chất nhầy nhằm giữ bụi bặm và vi khuẩn trong không khí lại. Lông trong mũi cũng có tác dụng ngăn cản bụi. Như vậy, đại bộ
phận bụi bặm, các hạt nhỏ và vi khuẩn từ bên ngoài đều bị giữ lại ở mũi. Trong niêm mạc mũi còn có những tế bào chỉ riêng mũi mới có, đó là tế bào khứu giác, có công năng nhận biết mùi vị. Khi ngửi thấy những mùi vị kích thích hoặc có hại cho cơ thể, tế bào khứu giác lập tức phản ánh lên đại não. Dưới sự chỉ huy của đại não, người ta sẽ bịt mũi lại để giảm nhẹ sự tổn thương do khí độc gây nên.
Còn miệng là một cơ quan quan trọng của đường tiêu hóa, hoàn toàn không có công năng như mũi. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt (tắc mũi), miệng mới tạm thời thay thế. Chắc bạn đã có kinh nghiệm sau: Khi bị cảm, tắc mũi, bạn bất đắc dĩ phải dùng miệng thở, một lúc sau sẽ cảm thấy cổ họng vừa khô, vừa đau, rất khó chịu. Lúc hít phải những khí có hại thì miệng sẽ không phân biệt được, chất khí đó sẽ đi thẳng vào cơ thể.
Mũi là cơ quan quan trọng, ta phải thường xuyên chăm sóc và bảo vệ nó. Có bạn trẻ thích dùng ngón tay ngoáy mũi, điều đó không tốt. Việc dùng ngón tay ngoáy mũi dễ làm cho niêm mạc tổn thương, gây viêm nhiễm, thậm chí chảy máu. Khi bị nghẹt mũi do cảm, cần điều trị sớm để phục hồi công năng cho mũi.