Buổi sáng ngủ dậy, nếu soi gương, ta sẽ thấy khóe mắt gần sống mũi có một ít dử, khi nhiều khi ít. Dù buổi tối trước khi đi ngủ, ta đã rửa mặt rất sạch, khi ngủ mắt nhắm, không có bụi rơi vào thì sáng dậy vẫn có dử mắt. Vậy dử mắt từ đâu ra?
Mắt ta có một mẩu giống như xương sụn, gọi là "mí mắt". Trong mí mắt có nhiều ống nhỏ sắp xếp rất ngay ngắn, gọi là "tuyến góc mắt". Miệng của tuyến này nằm đúng chỗ mép khóe mắt, gần mũi, không ngừng tiết ra một chất "mỡ". Bạn không nên coi thường chất mỡ này, vì tác dụng của nó rất lớn. Ban ngày, nó được bôi lên quanh mắt nhờ động tác nháy mắt, nhằm ngăn cản nước mắt chảy ra ngoài và ngăn mồ hôi chảy vào mắt. Lúc ngủ, mắt nhắm liên tục trong một thời gian dài, chất mỡ này được dùng không hết, nó trộn lẫn với các tạp chất đã lẩn vào mắt lúc ban ngày và số nước mắt còn thừa lại, dần dần tập trung vào khóe mắt. Đó không phải là bệnh.
Nếu dử mắt ra quá nhiều kể cả ban ngày và ban đêm, dử gắn lông mi hai mí lại với nhau khiến mắt không mở được nghĩa là mắt đã bị viêm do vi khuẩn hoặc virus. Cần đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị.
108. Con người có "mắt thứ ba" không?
Trong Tây Du Kí có thần Nhị Lang võ thuật rất cao cường, đấu ngang ngửa với Tôn hành giả. Trước trán Nhị Lang có con "mắt thứ ba". Con mắt này rất sắc sảo, cho dù Tôn Ngộ Khôngbiến đi đâu, thành vật gì đều bị Nhị Lang phát hiện. Đương nhiên đó chỉ là chuyện thần thoại.
Con người thực chất có "mắt thứ ba" không? Các nhà khoa học đã phát hiện "mắt thứ ba" trên thực tế là một hạt giống như hạt quả thông, nằm sâu chính giữa đầu, to bằng hạt đâu, cho nên gọi là "hạt thông". Nhưng con mắt này không thể nhìn thấy các vật như con mắt bình thường, tức là nó không có đầy đủ thị lực bình thường.
Vậy nó có tác dụng gì? Ngày nay, người ta đã biết được trong cơ thể có đồng hồ sinh học rất kỳ diệu. Có người không dùng chuông đồng hồ báo thức mà sáng vẫn dậy đúng giờ, chỉ chênh vàiba phút. Đó chính là nhờ đồng hồ sinh học. Các nhà khoa học phát hiện "hạt thông" chính là đồng hồ sinh học trong cơ thể. Ban đêm, nó sản sinh ra một chất kích thích gọi là chất thoát đen. Ban ngày, nó tự động ngừng sản sinh chất này; do đó con người có thể cảm biết được sự thay đổi của ngày đêm.
Ngoài ra, chất thoát đen mà "hạt thông" tiết ra còn có tác dụng khống chế công năng sinh dục của con người. Các nghiên cứu đã chứng tỏ nó có thể khống chế sự phát triển của tuyến giới tính trong thời kỳ niên thiếu. Đến một thời kỳ nhất định nó sẽ xóa bỏ sự khống chế này để cho thời kỳ thanh xuân đến. Ngày nay, thời kỳ thanh xuân của thiếu niên thường đến sớm. Một trong các nguyên nhân quan trọng là vào ban đêm, thời gian chiếu sáng kéo dài, làm cho chất thoát đen được sản sinh ra ít, khiến thời gian khống chế tuyến giới tính bị rút ngắn.