Con người phục chế mình, sinh ra một người nhân bản giống như mình? Cùng với sự ra đời của cừu Doly, điều này có vẻ sẽ trở thành hiện thực. Nếu xét về mặt lý thuyết, đã nhân bản được cừu Doly thì cũng có thể nhân bản được trâu bò, con người. Cừu và người đều là động vật có vú; vậy kỹ thuật nhân bản vô tính cừu cũng có thể dùng được cho người.
Tuy nhiên, đối với vấn đề nhân bản con người, hiện nay giới khoa học đang tranh luận chưa dứt. Những người tán thành cho rằng, việc nhân bản người thành công là một may mắn to lớn đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Nó cũng mở ra một bầu trời rộng lớn về nguồn cung cấp các cơ quan thay thế. Việc thực nghiệm kỹ thuật nhân bản vô tính còn thể hiện mơ ước "trường sinh bất lão" của một số người. Khi cuộc đời của một người đi đến tận cùng, họ có thể nhờ các nhà khoa học nhân bản mình.
Những người phản đối nhân bản vô tính người cũng đưa ra nhiều lý do. Người đã nhân bản thành công cừu Doly từng cho biết, ông đã dùng đến ba cừu mẹ giả, với tổng cộng 277 trứng; trong đó chỉ 29 trứng phát triển được đến giai đoạn có thể cấy; qua nhiều xử lý của kỹ thuật mà cuối cùng chỉ có được một con cừu. Nếu làm thí nghiệm như thế trên con người thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phiền phức chưa thể lường hết được. Chỉ riêng về trứng mà nói, một phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ mỗi tháng chỉ rụng một trứng; khả năng nhân bản vô tính trứng này thành công là rất ít; cho nên phải có rất nhiều phụ nữ tham gia thí nghiệm thì mới thành công được.
Các nhà khoa học cho rằng, việc dùng phương pháp vô tính để sản sinh ra con người sẽ khiến cho loài người mất đi tính đa dạng về di truyền, dẫn đến phá hoại sự sinh tồn của loài người. Nhân bản vô tính người là sự xâm phạm "quyền lợi về gene di truyền độc lập" của cá thể sinh mệnh đó. Con người nên yêu mến hình thức sinh mệnh độc đáo của mình, cũng nên tiếp thu sự tửvong tự nhiên của cá thể. Đó là sự bảo vệ đặc trưng cá tính và tôn trọng nhân cách của mình.
Ngoài ra, các nhà xã hội học còn cho rằng, nhân bản vô tính người là một sự đối lập mạnh mẽ đối với luân lý, kết cấu gia đình và trật tự xã hội hiện có, đánh mất đi tình thân truyền thống, trách nhiệm gia đình và nghĩa vụ xã hội... Tất cả những điều này đưa lại tác hại khôn lường.
Trong cuộc tranh luận rầm rộ này, tiếng nói của những người phản đối chiếm địa vị chủ đạo. Năm 1997, Tổ chức Khoa học giáo dục của Liên hợp quốc đã tiến hành đại hội ở Pháp, thông qua văn kiện về chuẩn mực đạo đức về chỉ đạo nghiên cứu di truyền. Đại hội này đã ra "Tuyên ngôn di truyền Nhân loại" yêu cầu cấm nhân bản vô tính người và những hành vi nghiên cứu khoa học khác làm tổn hại đến quyền lợi và sự tôn nghiêm của con người.