Nước tiểu của người được trữ lại trong bàng quang. Khi tích tụ đến một lượng nhất định, bàng quang sẽ căng lên, điều này được các dây thần kinh truyền lên đại não, khiến ta có cảm giác buồn đi tiểu. Việc nín tiểu tiện không những gây khó chịu mà còn khiến cho các cơ của bàng quang giãn ra, ảnh hưởng đến công năng co bóp của cơ quan này, làm giảm lực bài tiết nước tiểu, dẫn đến đi tiểu không kiệt.
Nước tiểu là môi trường tốt của vi khuẩn, nhiệt độ trong bàng quang cũng rất thích hợp cho sự phát triển của những sinh vật này. Thời gian nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang càng dài, vi khuẩn càng sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm hệ thống tiết niệu, dẫn đến đái rắt, nước tiểu kèm máu... Vì vậy, khi buồn đi tiểu, nên đi càng sớm càng tốt.
Về đại tiện, tốt nhất mỗi ngày nên đi một lần. Điều này có lợi cho nhịp điệu vận chuyển của hệ thống tiêu hóa. Rất nhiều người vì ham mê công việc hoặc do hoàn cảnh mà phải cố nín khi có nhu cầu đại tiện. Nhu cầu này dần dần mất đi, ảnh hưởng đến công năng bài tiết của đường ruột, làm cho nhu động của ruột trở nên chậm chạp, về sau rất khó phục hồi trở lại. Phân đọng lại trong đường ruột càng lâu càng trở nên khô cứng (do phần nước bị đại tràng hấp thu) dẫn đến táo bón. Việc uống nhiều nước không thể khiến phân mềm lại.
Tình trạng phân đọng lại lâu trong ruột sẽ khiến tĩnh mạch của thành ruột bị chèn ép, máu trong tĩnh mạch chung quanh trực tràng (sát hậu môn) không tuần hoàn về tim được. Phần tĩnhmạch đó sẽ bị ứ huyết, dễ gây ra bệnh trĩ. Đối với những người vốn có bệnh trĩ, việc nín đại tiện càng làm cho bệnh nghiêm trọng, gây xuất huyết. Do phân cứng, bệnh nhân phải dùng lực nhiều khi đi ngoài, làm tăng thêm áp lực trong khoang bụng và hậu quả là chứng trĩ ngoại càng nặng thêm.
Người già bị bệnh áp huyết cao và bệnh mạch vành càng không nên nín đại tiện mà phải giữ thói quen đại tiện đúng giờ. Việc "nín nhịn" sẽ gây táo bón, khiến cho huyết áp lên cao, cơ tim thiếu máu và thiếu ôxy, mạch máu não bị rách và cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, gây nguy hiểm đến tính mệnh.