Cùng với sự phát triển nhanh của công nghiệp, giao thông hiện đại và dân số đô thị, tiếng ồn ở thành phố mạnh lên với tốc độ ngày càng tăng, trở thành yếu tố có hại lớn thứ ba của thành phố sau khí thải và ô nhiễm nước.
Đại lượng vật lý biểu thị cường độ âm thanh là dB (đềxiben). Một số âm thanh tự nhiên, như tiếng xào xạc của lá cây, tiếng mưa rơi rả rích, tiếng sóng biển vỗ vào bờ nói chung đều không vượt quá 40 dB. Loại âm thanh này nghe không nhức tai, đưa lại cho ta cảm giác yên bình, khiến cho tâm thái được thư giãn. Theo tiêu chuẩn quốc tế, ở thành phố, cấp độ âm thanh trong phòng cho phép là 42 dB, nhưng những dụng cụ điện gia đình thường dùng đều có cấp độ cao hơn. Ví dụ: quạt điện là 40-50 dB, tủ lạnh 34-52 dB, máy giặt 60-80 dB, máy vô tuyến 50-90 dB, radio và máy ghi âm: 70-90 dB. Còn tiếng động của tàu điện, ô tô, tàu hỏa, xe máy, máy in, máy tiện, nhà máy gang thép phát ra đều đạt hoặc vượt 100 dB.
Các nhà khoa học phát hiện thấy, nói chung con người sống trong môi trường tiếng động vượt quá 40 dB thì giấc ngủ bị ảnh hưởng; 50 dB đã gây khó ngủ, vượt quá 60 dB sẽ ảnh hưởng đến công việc, nói chuyện và vui chơi. Khi tiếng ồn vượt quá 85 dB, ta sẽ cảm thấy ồn ào, tế bào thính giác bị tổn thương, có thể bị điếc, không hồi phục được. Tiếng ồn vượt quá 115 dB, như tiếng còi ô tô, tiếng máy đập đá, tiếng pháo nổ, có thể gây điếc.
Việc sống lâu dài trong môi trường tiếng ồn từ 70-80 dB sẽ khiến cho các mạch máu nhỏ co lại, máu cung cấp không đủ, làm cho đầu các chi bị trở ngại về cung cấp dinh dưỡng, dẫn đến bệnh động mạch vành, huyết áp tăng cao hoặc không ổn định, loạn nhịp tim và tim hồi hộp... Tiếng ồn còn có thể gây nên nhiễu loạn công năng của thần kinh, sự hưng phấn và ức chế của vỏ não mất cân bằng. Sống trong tiếng ồn lâu dài, có người sẽ bị trở ngại về tinh thần, có các triệu chứng như lo sợ, hoảng loạn, dễ giận dữ, tính tình thất thường, cảm thấy bất an, tức giận hoặc mặc cảm, nghiêm trọng hơn là hay lo lắng vô cớ, thác loạn, thậm chí dẫn đến bệnh thần kinh. Ví dụ: 2 ngày trước lễ Noen năm 1985, ở bang Nêvađa (Mỹ) có hai thanh niên mở nhạc với âm lượng to nhất. Tiếng ồn đã khiến cho hai thanh niên này mất bình thường; họ đập phá tất cả những thiết bị trong nhà, sau đó dùng súng bắn vào người khác, cuối cùng cả hai đều tự sát.
Tiếng ồn còn khiến cho nội tiết tố của phụ nữ mất điều hòa, làm kinh nguyệt bị xáo trộn, gây sẩy thai hoặc đẻ non, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến thai nhi và sự phát triển của các em bé. Nó cũng làm tổn thương công năng thần kinh thính giác, gây trở ngại cho công năng hệ tiêu
hóa, dẫn đến chán ăn, buồn nôn, tiêu hóa không tốt, khiến cho tỷ lệ mắc bệnh loét đường ruột tăng cao.