Ngày nay, trong lĩnh vực kỹ thuật cao, máy tính không những dùng để tính toán mà còn có một vai trò to lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chẩn đoán bệnh.
Nhiều người có thể sẽ nghi ngờ điều này vì họ cho rằng, nếu máy tính có thể khám bệnh thì cần gì đến bác sĩ nữa? Thực ra, máy tính chỉ là một loại máy móc, cần có con người điều khiển; hơn nữa, trình tự chẩn đoán của nó cũng là do bác sĩ thiết kế nên. Tóm lại, dù máy móc tiên tiến
đến bao nhiêu thì điều quyết định vẫn là con người, máy tính khám bệnh cũng không ngoài nguyên lý đó.
Vì sao máy tính có thể chẩn đoán được một số bệnh? Điều này phải bắt đầu nói về nguyên lý làm việc của máy tính. Trước hết, người ta phải xây dựng cho máy tính một kho bệnh án, tức là bác sĩ phải lập các dạng chứng bệnh, các kết quả thí nghiệm và đưa ra những phương án chữa trị tương ứng rồi đưa trình tự đó vào máy tính. Khi bệnh nhân đến khám, chỉ cần cho vào máy tính những dữ liệu (như triệu chứng bệnh, kết quả thí nghiệm), máy tính sẽ căn cứ những chỉ tiêu này tự động tìm kiếm trong kho bệnh án để tìm ra bệnh tương ứng. Một khi đã tìm được, nó sẽ đưa ra kết quả cho biết bệnh nhân mắc bệnh gì, nên điều trị như thế nào. Ví dụ: Một người đến khám bệnh với biểu hiện sắc mặt tái xám, thường cảm thấy đau đầu, hoa mắt, sức chú ý không tập trung và có chứng gan, lá lách sưng to; kết quả xét nghiệm hồng cầu và bạch cầu đều thấp, chất sắt trong huyết thanh thấp. Sau khi đưa những thông tin về bệnh án này vào, máy tính sẽ xử lý và phát hiện nó ăn khớp với các chỉ tiêu bệnh máu thiếu sắt. Máy tính sẽ đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu, thiếu sắt.
Qua đó, có thể thấy việc dùng máy tính khám bệnh thực chất là việc bác sĩ dùng các tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh sắp xếp theo một thứ tự nhất định để đưa vào trong máy tính. Khi bệnh nhân đến khám, chỉ cần đưa các thông tin về chứng bệnh, kết quả xét nghiệm vào để đối chiếu; nếu chỉ tiêu hai bên ăn khớp nhau thì có thể đưa ra kết quả chẩn đoán. Cho nên, then chốt của việc chẩn đoán bệnh trên thực tế vẫn là do bác sĩ quyết định.