Cơ thể có 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác. Theo thống kê, trên 90% thông tin mà ta nhận được đến từ thị giác, tiếp theo là thính giác, xúc giác và vị giác. Riêng khứu giác thường bị xếp vào vị trí không đáng kể. Sinh lý học truyền thống thậm chí còn xem khứu giác là cơ quan cảm giác nguyên thủy đang thoái hóa dần.
Mặc dù khứu giác không chiếm địa vị chủ đạo trong 5 cơ quan cảm giác, nhưng nó lại là cơ quan cảm giác lâu đời nhất của cơ thể. Rất nhiều động vật hoang dã đều dựa vào khứu giác để tìm thức ăn, tránh nguy hiểm, tìm bạn đời. Cơ quan cảm giác nguyên thủy này đối với con người cũng rất có ích. Ví dụ, hương vị của thức ăn có thể làm tăng cảm giác ăn ngon; khi ngửi thấy mùi cháy ta sẽ cảnh giác đề phòng hỏa hoạn; nếu ngửi thấy mùi khí ga rò rỉ, hoặc thức ăn đã biến mùi thì ta sẽ tránh được nguy hiểm. Có những người làm nghề đặc biệt có thể căn cứ vào mùi vị để phán đoán chất lượng nước hoa, hương liệu, rượu tốt hay xấu. Có một số thanh niên nam nữ người dân tộc thích ngửi mùi trên cơ thể của nhau để tăng thêm tình cảm.
Khứu giác của con người đang thoái hóa chăng? Không phải! Thông qua kết quả nghiên cứu của mấy chục năm gần đây các nhà khoa học bắt đầu coi trọng đến khứu giác, thậm chí họ rất kinh ngạc đối với độ nhạy cảm rất cao của khứu giác con người. Ví dụ một chuyên gia hương liệu có kinh nghiệm chỉ dựa vào mũi ngửi cũng có thể phân biệt được mấy nghìn, thậm chí hàng vạn loại mùi vị, hơn nữa ngay lập tức họ có thể nói ra thời gian mùi này bốc lên đã bao lâu, thành phần chủ yếu trong đó gồm những gì. Ngày nay các nhà khoa học tin rằng tầm quan trọng của khứu giác chắc chắn không kém hơn các cơ quan cảm giác khác.