Nếu bạn ngồi xem kịch hoặc đứng liên tục mấy tiếng đồng hồ, hai chân có cảm giác căng ra. So với ngồi lâu, đứng lâu không vận động càng khó chịu hơn. Ví dụ, khi bạn sắp đội hình để biểu diễn thể thao, hoặc đón khách, duyệt binh, đứng chưa đến 2 giờ, hai chân đã căng lên, đứng lâu nữa thì bắp chân có thể sẽ phù to.
Vì sao vậy? Đó là vì cơ thể ta chứa rất nhiều nước, chiếm khoảng 60% trọng lượng toàn thân. Tuổi càng bé thì tỷ lệ nước trong cơ thể càng cao.
Thành phần nước này chảy trong cơ thể, phải bảo đảm phân bố cân bằng và không ngừng lưu động mới giữ cho tuần hoàn máu và quá trình hấp thu đào thải được bình thường. Nếu vì một nguyên nhân nào đó, sự tuần hoàn của dịch nước trong cơ thể gặp trở ngại, nó sẽ đọng lại giữa các khe của các tổ chức. Lúc đó, nếu cơ thể có sự hoạt động thích hợp (thông qua sự co bóp và chùng lỏng của các cơ), dịch thể sẽ khôi phục trở lại trạng thái cân bằng. Ví dụ, khi chi dưới hoạt động, cơ bắp co bóp sẽ ép các tĩnh mạch trong cơ bắp, máu trong tĩnh mạch sẽ được đẩy về tim.
Nếu ngồi lâu không hoạt động, cơ bắp không co ép thì máu trong tĩnh mạch cơ dưới không dễ chảy về tim.
Khi đứng lâu, do sức hút của quả đất, máu sẽ tích tụ lại trong tĩnh mạch chi dưới, khiến cho áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, áp lực trong các mạch máu nhỏ cũng tăng cao, thành phần nước trong máu sẽ chuyển vào các khe giữa các tổ chức nhanh hơn. Do đó, chất lỏng giữa các khe tuần hoàn ít, ngưng lại quá nhiều làm cho ta cảm thấy bắp chân căng lên, sau đó có thể xuất hiện phù chân.