III. Một số giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt – Nga sau khi Việt Nam gia nhập WTO
2. Về phía các doanh nghiệp
Thứ nhất: Cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Thị trường Nga chia làm hai loại: Một là ưa dùng hàng hóa chất lượng cao thường nhập của EU và các nước Nam Mỹ. Hai là chấp nhận mức giá thấp và chất lượng không cao chủ yếu của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị
trường Nga thường là hàng nông sản, nguyên liệu sơ chế, tỷ lệ chế biến còn thấp và các hàng gia công, lắp ráp như hàng may mặc, giày dép... Trước mắt thì sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân cư thu nhập thấp nhưng trong thời gian tới khi mà đời sống nhân dân Nga được nâng cao thì cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Những lợi thế về lao động rẻ sẽ không còn chủ đạo nữa mà cần có lực lượng lao động tri thức, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao thì tạo ra được những hàng hóa có giá trị. Chính vì vậy, đầu tư công nghệ tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là những yếu tố quyết định đối với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường thế giới nói chung và thị trường Nga nói riêng.
Thứ hai: Chú trọng nâng cao trình độ, phát huy tính năng động, nhạy bén… của đội ngũ công nhân viên. Các doanh nghiệp sản xuất phải có sự phối hợp đồng bộ, cố gắng đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra với giá thành hạ, không ngừng cải tiến chất lượng theo nhu cầu thị hiếu trên thị trường, cải tiến mẫu mã, chất lượng bao bì, đảm bảo cung ứng đúng tiến độ giao hàng ở tầm vi mô các doanh nghiệp cần thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi phát hiện những kẽ hở để có thể đi trước đối thủ cạnh tranh (như kênh phân phối mới, thị hiếu mới lạ....). Mặt khác các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ đối tác của mình trước khi thiết lập quan hệ làm ăn bởi hiện nay xuất hiện rất nhiều “công ty ma” chuyên lừa những doanh nghiệp thiếu hiểu biết hoặc mới bước chân vào lĩnh vực kinh doanh.
Thứ ba: Cần liên kết các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga. Hiện nay ở Nga có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga. Nhiều người làm ăn khá giả, thành lập doanh nghiệp nên chính họ là đầu mối để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, ngoài ra Việt Nam cũng có hàng triệu tri thức, lao động được đào tạo tại Nga nên họ rất hiểu người dân Nga, thị trường Nga. Do vậy, Việt Nam nên tận dụng và phát huy lợi thế này để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển quan hệ thương mại Việt - Nga.
Kết luận
Qua nghiên cứu về phát triển quan hệ thương mại Việt - Nga chúng ta thấy rằng việc đẩy mạnh quan hệ thương mại với Liên bang Nga là điều rất cần thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO. Thị trường Nga là một thị trường rất rộng lớn với khoảng 150 triệu dân có nhiều tiềm năng nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam. Hơn nữa, trong gần 60 năm qua, Việt Nam và Nga vẫn là những đối tác truyền thống của nhau và đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong quan hệ thương mại hai nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước liên tục tăng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Những chuyển biến tích cực của tình hình thế giới, những cơ hội và thách thức của quá trình toàn cầu hoá, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các tổ chức kinh tế cũng như những yêu cầu và mục tiêu phát triển của mỗi nước đòi hỏi chính phủ hai nước cần nhanh chóng thúc đẩy quan hệ Việt - Nga lên một tầm cao mới. Chính điều này sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam và tạo bước đệm cho Nga thiết lập quan hệ với các nước Châu á - Thái Bình Dương.
Có thể nói những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ thương mại Việt - Nga đã bước sang một trang mới đồng thời cũng khép lại một quá khứ đẹp đẽ, hào hùng trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Chúng ta tin tưởng rằng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ phát triển
tương xứng với bề dày truyền thống và tầm vóc lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thời đại.