Thứ nhất, khôi phục, phát triển các cơ sở ngành nghề nông thôn, các làng nghề truyền thống kết hợp du nhập các nghề mới theo cơ chế thị trường,
bảo đảm phát triển theo hướng bền vững, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường nông thôn, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có sự liên kết thành hệ thống sản xuất để đáp ứng đơn hàng lớn hoặc giao hàng đúng hạn, dịch vụ phân phối sản phẩm hoàn chỉnh. Giảm giá thành, quan tâm khâu bao bì, đóng gói, dịch vụ nâng giá trị gia tăng của làng nghề
Thứ hai, phát triển những làng nghề có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm có khả năng xuất khẩu và thu hút được nhiều lao động tham gia, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn. Tạo liên kết, hợp tác tốt với các vùng cung cấp nguyên liệu. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan, tạo thành vùng công nghiệp. Khuyến khích các làng có nghề đạt tiêu chuẩn đăng ký công nhận là làng nghề để UBND tỉnh và các hiệp hội có sự hỗ trợ, đầu tư phát triển. Đặc biệt, phải tạo các sản phẩm có tính độc đáo, phù hợp thị hiếu, có tính hiện đại, vừa có tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng.
Thứ ba, phát triển làng nghề gắn mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, môi trường sinh thái, phát triển du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc và quê hương Hà Tĩnh. Sự phát triển hài hòa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững các làng nghề, trong đó chú trọng đến sự hiểu biết về văn hóa và nhu cầu thẩm mỹ thị trường của khách hàng.
Thứ tư, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực xã hội triển khai các hoạt động trợ giúp, tư vấn, thông tin, tiếp thị, đào tạo nghề, khuyến công, nghiên cứu công nghệ, kiểu dáng, mẫu mã cho phát triển các làng nghề.
Thứ năm, đưa các làng nghề hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Muốn vậy, trước hết cần xây dựng và phát triển thương hiệu, uy tín của làng nghề,
chú trọng đào tạo trình độ người lao động vừa theo hướng truyền nghề vừa theo hướng công nghiệp. Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ xảo thủ công. Quản trị doanh nghiệp tốt, đặc biệt về Marketing, tài chính hiệu quả. Đổi mới công nghệ cho phù hợp đặc điểm làng nghề nhưng vẫn tối đa hóa công đoạn tạo ra tính độc đáo, tinh tế của sản phẩm. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và môi trường trong các làng nghề