Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 đã ghi rõ: “ Phát triển theo hướng bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh kinh tế... Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường”. Cụ thể, để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững cần thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
1.2.2.1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế làng nghề cao và ổn định
Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững nhằm giữ vững ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đồi mô hình tăng trưởng tại các làng nghề, coi chất lượng năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh từ các làng nghề là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức nghĩa là gắn sự sáng tạo lao động tích cực vào hoạt động kinh tế hàng ngày. Các sản phẩm từ làng nghề ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã đa dạng, bền và đẹp, đáp ứng thị hiếu của thị trường người tiêu dùng trong hiện tại và tạo nền tảng phát triển sản phẩm trong tương lai. Tích cực tạo lập thị trường mới, mở rộng thị trường của các sản phẩm ra các tỉnh trong nước và xuất khẩu quốc tế tạo ra tốc độ tăng trưởng ổn định về kinh tế, đảm bảo cân bằng cơ cấu kinh tế. Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Từ đó, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các làng nghề theo hướng: Chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn sang mô hình dựa trên các yếu tố tăng trưởng không chỉ dựa vào việc khai thác các lợi thế sẵn có (lao động và tài nguyên) để thực hiện tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cấp các lợi thế, tạo dựng lợi thế mới dựa trên các tiêu chí nâng cao năng suất, hiệu quả cao, sức cạnh tranh lớn; chuyển từ mô hình tăng trưởng có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường và có những tiêu cực về xã hội sang mô hình tăng trưởng mang tính bền vững trong dài hạn với mục tiêu thân thiện với môi trường và vì sự phát triển của con người. Người lao động có công việc ổn định, mức thu nhập đảm bảo chất lượng cuộc sống, tạo sự gắn bó mật thiết giữa người lao động - nghề - làng nghề.
1.2.2.2. Tăng việc làm và thu nhập cho người lao động trong các làng nghề
Văn hóa - xã hội hiện hữu trong tất cả mọi mặt của đời sống con người, nó là những gì do con người và vì con người. Văn hóa - xã hội là nền tảng
tinh thần cho sự phát triển, là yếu tố làm nên giá trị ổn định, lâu bền của một quốc gia, hình thành bản sắc riêng của một dân tộc. Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về xã hội là phải phát triển về mặt xã hội ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế. Cần phát triển các làng nghề theo hướng toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các làng nghề từ xa xưa, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về xã hội là nền tảng, động lực phát triển kinh tế. Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về xã hội nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người qua các sản phẩm của làng nghề.
Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về mặt xã hội nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, gắn tăng trưởng với xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người lao động trong làng nghề. Người lao động có thể sống với nghề, tạo ra kinh tế ổn định cho người lao động.
1.2.2.3. Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển làng nghề
Đảm bảo sự bền vững về tài nguyên làng nghề thể hiện ở việc sử dụng có hiệu quả, hợp lý các tiềm năng và tài nguyên thiên nhiên môi trường làng nghề và các vùng xung quanh. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên của làng nghề không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà còn đảm bảo cho nhu cầu của nhiều thế hệ. Bên cạnh đó trong quá trình phát triển, tác động của làng nghề đến môi trường phải được hạn chế đi đôi với những đóng góp cho các nỗ lực cải tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Điều đó được thể hiện:
Phát triển bền vững làng nghề nhằm bảo vệ môi trường sống không bị ô nhiễm, hạn chế các bệnh nghề nghiệp.
Phát triển bền vững làng nghề phải gắn liên tái tạo tài nguyên, có ý thức nâng cao chất lượng môi trường sinh thái làng nghề.
Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có kế hoạch, quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề. Hoặc làng nghề phải tự nỗ lực nghiên cứu, hướng tới sử dụng nguyên liệu nhân tạo, đa dạng hóa, thay thế nguồn nguyên liệu.
1.2.2.4. Hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các làng nghề
Được hình thành tự phát trên cơ sở thiết bị công nghệ truyền thống, một số người lao động, hộ thủ công đã tách ra chuyên sửa chữa, cải tiến một số công đoạn cho hiệu quả hơn. Hoặc một số hộ có số vốn dồi dào chuyển sang buôn bán máy móc, thiết bị trong phạm vi làng. Vì vậy, nhìn chung thị trường công nghệ cho làng nghề còn nhỏ hẹp, chắp vá chưa đáp ứng nhu cầu hiệu đại hóa làng nghề. Đặc thù nghề thủ công truyền thống đòi hỏi công nghệ tùy thuộc từng công đoạn làm sản phẩm mà áp dụng cho phù hợp để hạn chế ảnh hưởng môi trường, tăng năng suất, công nghệ hóa sản xuất, giảm bớt tính lao động nặng nhọc nhưng phải đảm bảo tính độc đáo, tinh xảo của sản phẩm. Công nghệ trong các làng nghề đặc biệt trong vấn đề tiêu hao năng lượng sẽ tác động trực tiếp đến năng suất lao động, giá thành sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng công nghệ tiên tiến giúp làng nghề tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm, doanh thu tăng.
1.2.2.5. Giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường
Phát triển các làng nghề theo hướng bền vững về môi trường nghĩa là các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiệt bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề hiện có phải đạt chuẩn về về môi trường. Các làng nghề cần có khu xử lý nước thải tập trung, chất thải cần phải được xử lý đạt tiêu chuẩn. Các làng nghề cần cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu vực sản xuất kinh doanh bị ô nhiễm nặng, hạn chế các tác hại của thiên tai đến hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề. Tăng cường phát
triển khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất tại các làng nghề nhằm sử dụng nguồn tài nguyên một các hợp lý, khoa học, đạt hiệu quả cao. Trong quá trình phát triển các làng nghề theo hướng bền vững cần đổi mới kỹ thuật với yêu cầu đặt ra là khởi điểm kỹ thuật phải cao, phải lựa chọn công nghệ kỹ thuận tiêu hao ít nguyên, vật liệu, ít ô nhiễm hiệu quả cao, chú trọng phát triển các làng nghề thân thiện với môi trường.