Trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp hoặc giám đốc doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không thấp và ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ ở trình độ tốt nghiệp văn hóa phổ thông. Đa số những người quản lý ở các doanh nghiệp nước ta hiện nay chưa được đào tạo một cách cơ bản về quản lý doanh nghiệp và quản trị kinh doanh; khả năng giao tiếp, làm việc bằng ngoại ngữ thấp. Đội ngũ quản lý ở các lĩnh vực, các cấp trong từng doanh nghiệp không được đào tạo một cách đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp, tính hệ thống. Về kinh nghiệm, đa số chủ doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp đều đã trải qua hoạt động thực tiễn trước đó. Theo điều tra của CIEM năm 2001, có đến 45% giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã làm việc trong các
doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan nhà nước, 17% đã từng làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác. Nói chung, các chủ doanh nghiệp Việt Nam có tính năng động và linh hoạt trong quản lý. Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng họ có khả năng thích ứng nhanh nhạy với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Thực tế cho thấy, không có nhiều chủ doanh nghiệp có khả năng nắm bắt thông tin về sự thay đổi của môi trường thể chế, của thị trường, của khách hàng,…để từ đó đưa ra các quyết sách cho phù hợp.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường hơn 10 năm, song việc định hướng thị trường của các doanh nghiệp chưa thực sự hướng tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp chưa hoạch định một chiến lược thị trường tổng thể, dài hạn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa biết rõ khách hàng là đối tượng nào, đối thủ cạnh tranh trên thị trường là ai. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (trừ những doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hoặc gia công cho đối tác nước ngoài) chưa từng tổ chức hoạt động nghiên cứu về người tiêu dùng. Nhận định của doanh nghiệp về nhu cầu của người tiêu dùng còn cảm tính hoặc đơn thuần qua việc đánh giá tăng, giảm doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm. Đa số các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh tăng hoặc giảm sản xuất căn cứ vào khối lượng hàng hóa được tiêu thụ, nếu không đủ bán thì tăng, còn nếu không bán được thì giảm sản xuất. Điều này chứng tỏ rằng, các doanh nghiệp không có nghiên cứu cơ bản về khách hàng và thị trường, gặp khó khăn trong việc thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Việc hoạch định chiến lược marketing của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn yếu kém. Việc xác định thị trường của nhiều doanh nghiệp còn nặng về cảm tính, chưa dựa trên cơ sở phân tích các yếu tố môi trường, nên chưa khai thác được hết tiềm năng thị trường
cũng như phát hiện những đe dọa tiềm ẩn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có hệ thống thông tin và đảm bảo thông tin riêng về thị trường, về những sản phẩm thích hợp có thể đưa ra thị trường, về các đối thủ cạnh tranh.
Tất cả những yếu kém trên về năng lực quản lý, nếu không được cải thiện và nâng cao sẽ tạo ra những rào cản lớn đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.