Đầu tư cho nghiên cứu, triển khai, thương hiệu kiểu dáng công nghiệp

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51)

2.2.3.4 Đầu tư cho nghiên cứu, triển khai, thương hiệu kiểu dáng công nghiệp nghiệp

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam (trừ một số doanh nghiệp có quy mô lớn) chi quá ít cho nghiên cứu và phát triển. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho R&D thấp hơn nhiều so với các nước, chỉ chiếm khoảng 0,01% doanh thu, trong khi đó tỷ trọng này tại các nước công nghiệp hóa mới ở Châu Á là 5-6% doanh thu, tại các nước phát triển là 10%. Cho đến nay, mới có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn có riêng cơ sở hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân hầu như không tham gia hoạt động R&D. Sở dĩ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư quá ít cho R&D là do nước ta chưa có môi trường cạnh tranh thực sự buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Một mặt, các doanh nghiệp nhà nước còn được hưởng nhiều đặc quyền do nhà nước tạo ra, do đó chưa chú trọng nâng cao tiến bộ công nghệ. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự hoạt động trong môi trường cạnh tranh quốc tế và nhìn chung chưa nhận thức hết những thách thức đặt ra đối với mình trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp bị hạn chế về nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, quyền sở hữu công nghiệp và đặc biệt là năng lực thực thi các quyền đó chưa tốt; khung pháp luật về sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ và hiệu lực chưa cao đã hạn chế các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ do không chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận nhờ sử dụng quyền sở hữu công nghệ mới của mình.

Việc đầu tư cho thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất hạn chế, chỉ có một số doanh nghiệp đã chú ý đến xây dựng thương hiệu, bản quyền công nghiệp như: cà phê Trung Nguyên, gạch Đồng Tâm, bia Sài Gòn, thép Thái Nguyên… Song có nhiều doanh nghiệp đang tạm an tâm với cách làm gia công cho các hãng nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp trong ngành may mặc và da giầy, làm cho doanh nghiệp không có thương hiệu, không có kiểu dáng riêng. Như chúng ta đã biết, thương hiệu có ý nghĩa và vai trò rất lớn đối với các doanh nghiệp trong cạnh tranh. Thương hiệu làm cho khách hàng tin tưởng vào chất lượng, yên tâm và tự hào khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra nhờ có thương hiệu mà doanh nghiệp thu hút được khách hàng mới dễ hơn, giúp doanh nghiệp phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Bên cạnh đó một nhãn hiệu tốt sẽ giúp tạo hình ảnh công ty, thu hút vốn đầu tư, thu hút nhân tài… Mặc dù gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, song việc đầu tư cho thương hiệu vẫn còn rất dè dặt. Theo các chuyên gia, việc phát triển thương hiệu là vô cùng quan trọng; trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ đăng ký nhãn hiệu khi sản phẩm của mình bán chạy trên thị trường. Một kết quả khảo sát gần đây của báo Sài Gòn tiếp thị cho thấy: chỉ khoảng 16% doanh nghiệp có bộ phận chuyên phụ trách công tác tiếp thị, hơn 80% doanh nghiệp không có chức danh quản lý nhãn hiệu và 74% doanh nghiệp chỉ đầu tư dưới 5% doanh thu cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh các yếu tố về vốn, nhân lực, các doanh nghiệp cũng phải có sự đầu tư thích đáng cho R&D, cho xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51)