Có thể nói, trong những năm gần đây, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao, thể hiện qua chất lượng và hình thức của hàng hóa do các doanh nghiệp tạo ra có bước tiến bộ rõ rệt, mặt hàng phong phú, đa dạng, phong cách tiếp thị hấp dẫn. Do vậy, nhiều sản phẩm đã dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước như: hàng thực phẩm tiêu dùng, hàng may mặc, vật liệu xây dựng. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng nhanh và mặt hàng ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm xuất khẩu đã khẳng định được chỗ đứng trên các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và EU. Một số sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao trong thời gian qua là dầu thô, than đá, sản phẩm may, hàng giầy dép, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử. Gần đây, còn có một số sản phẩm công nghiệp tham gia vào xuất khẩu và bước đầu thu được kết quả tốt như sữa, dầu thực vật, xe đạp, sản phẩm nhựa. Đối với nông nghiệp, cũng đã có một số mặt hàng chiếm vị thế nhất định trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Từ 2 doanh nghiệp được cấp chứng nhận năm 1996, đến nay, cả nước có hơn 2000 doanh nghiệp được chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, một số được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14000 và các hệ thống quản lý chất lượng khác. Với việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ các quy trình công nghệ và quản lý, do vậy, chất lượng hàng hóa đảm bảo hơn, thỏa mãn ngày càng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, phần lớn hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh yếu, thể hiện ở giá thành cao, chất
lượng không ổn định, mẫu mã chủng loại nghèo nàn, bao bì kém hấp dẫn, khả năng giao hàng không chắc chắn, dịch vụ hậu mãi chưa tốt. So với sản phẩm của các nước trong khu vực và trên thế giới, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam có những đặc điểm cơ bản là:
Yếu tố tư bản vốn cấu thành sản phẩm thấp, hàm lượng tri thức và công nghệ trong sản phẩm không cao, chủ yếu dựa vào yếu tố lao động rẻ và điều kiện tự nhiên. Yếu tố lao động là lợi thế so sánh của sản phẩm Việt Nam, nhưng chủ yếu dựa trên sức lao động giản đơn, khiến giá trị sản phẩm không cao. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực lại không hoàn toàn mang thương hiệu Việt Nam vì làm gia công chế biến cho nước ngoài như các sản phẩm dệt, may; hoặc chỉ khai thác thô, ít qua chế biến như dầu thô. Các sản phẩm điện tử thuộc về lĩnh vực công nghệ cao như máy tính, linh kiện điện tử thì đa số vẫn chỉ là lắp ráp tại Việt Nam, còn các khâu chế tạo các bộ phận tinh xảo có hàm lượng chất xám cao được thực hiện ở nước ngoài.
Về chất lượng sản phẩm, chưa thấy sản phẩm nào thực sự có ưu thế rõ rệt trên thị trường thế giới nhờ vào yếu tố chất lượng. Xét một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh của Việt Nam, ta thấy hầu hết chúng là những sản phẩm thô hoặc sơ chế. Tính độc đáo của sản phẩm nói chung là không cao. Ngoại trừ số ít sản phẩm mang đậm bản sắc tự nhiên và văn hóa đặc thù như hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch…, các sản phẩm khác còn lại hầu như luôn đi sau các nước khác về kiểu dáng, tính năng, thậm chí nhiều sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp lạc hậu so với thế giới nhiều thế hệ.
Về phân phối sản phẩm, đa số các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chưa xây dựng được mạng lưới phân phối đến tận tay người tiêu dùng, mà chủ yếu phân phối qua trung gian. Do vậy, thị phần
của hàng hóa Việt Nam phụ thuộc vào khả năng phân phối của nhà nhập khẩu tại thị trường đó. Điều này phản ánh sự yếu kém về năng lực phát triển và khống chế thị phần hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.