Các tiêu chí chủ yếu đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28)

Tuỳ thuộc vào từng trình độ phát triển, doanh nghiệp phải hướng nỗ lực vào những yếu tố chính, đồng thời từng bước nâng trình độ phát triển lên mức cao hơn. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày nay không chỉ quyết định ở khâu sản xuất mà phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiêu thụ, khuyến mại, nghiên cứu thị trường. Bán hàng khó hơn là sản xuất ra hàng hoá và đòi hỏi phải đầu tư trí tuệ, tiền bạc cho các khâu quảng cáo, khuyến mại, tổ chức dịch vụ sau bán hàng, chăm sóc khách hàng...

1.3.2 Các tiêu chí chủ yếu đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nghiệp

Trên cơ sở các khái niệm đã đề cập về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và qua nghiên cứu ba phương pháp phân tích năng lực cạnh tranh đã nêu trên, tôi lựa chọn phương pháp phân tích theo quan điểm tổng hợp để xác định tiêu chí chủ yếu đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Căn cứ theo phương pháp này, tổng hợp từ các đánh giá, nhìn nhận về năng lực cạnh tranh thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí chủ yếu sau:

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Đây là tiêu chí tổng hợp phản ánh năng lực cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp trên các mặt (vốn, chi phí, giá, lãi...). Qua các số liệu về lợi nhuận thu được hàng năm ta có thể thấy rõ khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Để so sánh với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước cùng tham gia cạnh tranh (về cùng một loại sản phẩm) ta có thể dùng "chỉ số về lợi thế chi phí".

Chỉ số về lợi thế chi phí là hiệu số giữa chi phí trên một đơn vị đầu ra của nhà cạnh tranh nước ngoài so với nhà sản xuất kinh doanh trong nước.

IC = UC* - UC , trong đó: IC: chỉ số so sánh

UC*: chi phí của nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài trên một đơn vị đầu ra của sản phẩm

UC: chi phí của nhà sản xuất kinh doanh trong nước trên một đơn vị đầu ra của sản phẩm

Nếu IC > 0 thì nhà sản xuất kinh doanh trong nước có năng lực cạnh tranh thực tế (lợi thế so sánh) hơn đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, việc tính toán này cũng chỉ phản ánh một phần trong tổng thể tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và trong thực tiễn rất khó xác định chính xác chi phí của nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài trên một đơn vị đầu ra của sản phẩm (UC*).

Năng lực quản trị chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp: Dựa trên cơ sở phân tích thị trường, lợi thế so sánh của doanh nghiệp nhằm định hướng kinh doanh đúng, lựa chọn chiến lược và phương thức kinh doanh - cạnh tranh thích hợp. Chỉ tiêu này phản ánh sự phát triển bền vững, thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế và nâng cao uy tín doanh nghiệp. Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chỉ tồn tại được trên cơ sở định hướng chiến lược kinh doanh, lựa chọn, áp dụng phương thức kinh doanh và chiến lược kinh doanh - cạnh tranh; biết cách tổ chức, quản trị kinh doanh - cạnh tranh phù hợp với khả năng nội tại của doanh nghiệp và với môi trường kinh doanh - cạnh tranh chung theo tiến trình hội nhập quốc tế. Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phản ánh năng lực cạnh tranh cao của doanh nghiệp trên thương trường.

Vậy muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần vận dụng tốt khoa học quản trị chiến lược và công nghệ marketing, bởi đây là hai vấn đề yếu kém nhất trong số những yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị phần: phản ánh khả năng khai phá, thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là tiêu chí rất quan trọng đánh giá triển vọng tăng trưởng, phát triển của doanh nghiệp. Những số liệu về tổng số thị phần trong và ngoài nước nói lên kết quả của hoạt động thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, xúc tiến thương mại, mức độ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tính năng động của doanh nghiệp. Ngoài ra, thị phần cũng phản ánh mức độ tập trung trong sản xuất - kinh doanh đối với loại sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp trên thị trường. Thị phần càng lớn, càng biểu hiện sức mạnh tập trung vốn đầu tư lớn, thiết lập được các kênh phân phối sản phẩm có hiệu quả, giảm bớt các rủi ro khó lường trên thương trường. Mặt khác, thị phần cũng phản ánh độ liên kết giữa vị thế của doanh nghiệp với vị thế của người mua đối với sản phẩm hàng hoá nhất định, biểu hiện uy tín của doanh nghiệp, sự tin cậy của người mua trong việc cung ứng, thanh toán, giá cả, chất lượng, dịch vụ sau bán hàng của hàng hoá đó trên thị trường.

Khoa học - công nghệ: trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng tiếp cận công nghệ cao và đổi mới công nghệ hiện có, chi phí cho nghiên cứu và triển khai. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng đầu tư phát triển nguồn nhân lực và công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, sáng tạo ra sản phẩm có chất lượng và hàm lượng trí tuệ cao, tính năng, kiểu dáng độc đáo khác biệt so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh và hình thành thương hiệu nổi tiếng.

Tóm lại, có thể tổng hợp và rút ra một số vấn đề cơ bản từ phần lý luận về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như sau:

- Mặc dù cạnh tranh đem lại lợi ích cho doanh nghiệp này nhiều hơn hoặc ít hơn doanh nghiệp khác, thậm chí có doanh nghiệp còn bị thất bại hoàn toàn (phá sản); nhưng nói chung, cạnh tranh đem lại tổng lợi ích lớn hơn tổng thiệt hại và cạnh tranh thúc đẩy sự trưởng thành của các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh. Do vậy, các quốc gia, các doanh nghiệp chẳng những chấp nhận cạnh tranh mà còn có xu hướng khuyến khích cạnh tranh. Cạnh tranh vừa là đặc trưng cơ bản vừa là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường.

- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có quan hệ hữu cơ với môi trường kinh doanh - cạnh tranh trong nước và quốc tế. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được xác định bởi bốn tiêu chí chủ yếu trên đây chỉ là tiềm năng và sẽ hạn chế nếu môi trường kinh doanh - cạnh tranh không thuận lợi. Vì vậy, khi xem xét đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần thiết phải xem xét, đánh giá môi trường kinh doanh - cạnh tranh, qua đó đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

- Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải do sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp bằng cách thực hiện các giải pháp vi mô thích hợp. Bên cạnh đó, nhà nước có vai trò quyết định trong việc tạo lập, hoàn thiện môi trường kinh doanh - cạnh tranh chung, thông qua đàm phán, ký các cam kết quốc tế về hội nhập và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế về thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong cạnh tranh.

CHƢƠNG 2

THỰC TRẠNG VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28)