13 Báo cáo 5 năm thi hành Luật doanh nghiệp, CIEM, 2005.
2.3.2. Những hạn chế và thách thức mới:
Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà nguyên nhân xuất phát từ một số điểm yếu của năng lực cạnh tranh như đã phân tích. Cụ thể là:
Thứ nhất là tính thụ động trong lựa chọn dự án đầu tư. Quá trình thu hút FDI trong thời gian qua chủ yếu nhằm lấp đầy diện tích đất thuê đã dẫn đến nguy cơ đón nhận ngày càng nhiều các dự án có vốn đầu tư thấp hoặc các dự án chiếm đất rất lớn nhưng mục tiêu đầu tư chưa thực sự khuyến khích. Điều đó làm chệch định hướng phát triển các ngành mũi nhọn có tính cạnh tranh cao như tỉnh đã đề ra. Đa số các dự án dệt may, da giày, chế biến gỗ đều rất cần diện tích đất thuê rộng, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Trong giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư vào KCN, hiệu quả của các dự án trên là giải quyết tình trạng thất nghiệp của lao động nông nhàn tại địa phương và các vùng phụ cận, tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, khi quy mô dự án tăng lên thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí đât trong các KCN, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Thứ 2: Quy mô vốn đầu tư còn thấp xét trên chỉ tiêu vốn đầu tư trên hecta đất thuê. Có thể chỉ ra các kết quả sau: bình quân vốn đầu tư trên 1hecta đất thuê là: 3.503.000 USD/ha. Xu thế gia tăng các dự án vốn đầu tư nhỏ và tình trạng lãng phí đất thuê là do các nguyên nhân sau:
Lợi ích kinh tế của các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng: mục tiêu của các công ty này là nhanh chóng lấp đầy diện tích cho thuê nhằm thu lại chi phí và tái đầu tư trong hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng, qua đó đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận. Do vậy, trong quá trình xúc tiến, mời gọi dự án đầu tư vào các KCN, các công ty này tuy vẫn quan tâm đến các chỉ tiêu như: vốn đầu tư, số lao động, trình độ công nghệ, hiệu quả dự án... nhưng sẽ chú trọng trước hết đến chỉ tiêu đất thuê của các dự án đầu tư. Mặt khác, quy định hiện hành cho phép các công ty kinh doanh hạ tầng KCN hầu như có toàn quyền trong việc lựa chọn, mời gọi dự án đầu tư nên khả năng nhà nước, chính quyền địa phương tham gia vào quá trình chọn lọc dự án có những hạn chế nhất định.
Nguyên nhân thứ hai là do giá thuê đất rẻ: Miễn giảm tiền thuê đất là một trong những nội dung được nhà nước và các địa phương quan tâm thực hiện. Điều này đã tỏ ra có hiệu quả rõ rệt từ sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, liên tục trong hơn 10 năm qua đã tạo đà cho quá trình thu hút FDI vào Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khi một số KCN đã có xu hướng lấp đầy diện tích cho thuê, việc giảm giá thuê đất đã không còn phát huy tác dụng như giai đoạn đầu. Ngược lại đã xuất hiện một số hạn chế khác, ví dụ: giá thuê đất rẻ đã kích thích nhà đầu tư thuê nhiều đất nhằm sử dụng vào mục đích khác như cho thuê lại, nhà ở... mà không thực hiện mục đích chính của dự án là đầu tư sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng lãng phí đất; nhiều dự án chưa triển khai: có nhiều dự án đăng ký thuê đất nhưng chưa thể triển khai vì nhiều lý do khác nhau. Tâm lý của chính quyền địa phương luôn mong muốn tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động. Do vậy, thường chọn phương án hỗ trợ, vận động doanh nghiệp là chính, thay vì kiên quyết thu hồi các giấy phép đầu tư.
Nguyên nhân thứ ba là nhà nước và chính quyền địa phương thiếu các chính sách định hướng: nhà nước thực hiện quản lý, điều tiết đối với nền kinh tế thông qua cac chính sách vĩ mô nhưng trong việc phân loại thu hút đầu tư nhằm định hướng phát triển cho phù hợp với quy hoạch của nền kinh tế địa phương, cho đến nay chưa có giải pháp nào mang tính khả thi trong việc chọn lọc các dự án đầu tư vào địa phương.
Các nguyên nhân đã phân tích ở trên, phần lớn là do các chính sách của nhà nước và địa phương, làm ảnh hưởng đến chất lượng các dự án đầu tư được thu hút
Thứ 3: các dự án đầu tư thường tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, trong khi các dự án vào nông nghiệp còn rất hạn chế. Điều này tạo ra sự mất cân đối của nền kinh tế địa phương.
Thứ 4: các dự án FDI phân bố không đồng đều giữa các vùng. Các dự án vẫn tập trung chủ yếu ở Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên, Mê Linh. Đối với các huyện thị khác chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. Từ nay, tỉnh sẽ tiếp tục sửa đổi,
bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với quy hoạch của nhà nước. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án sau cấp phép; tiến hành nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, mới thực sự hấp dẫn được các nhà đầu tư và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Đồng thời tránh hiện tượng tập trung vào các KCN và cac khu đô thị, khu dân cư như hiện nay.
Thứ 5: thu hút từ các quốc gia thuộc Châu Mỹ, Châu Âu còn thấp. Đây là các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh và có trình độ quản lý kinh tế tốt, có thị phần trên thế giới lớn và ổn định. Và đây cũng là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng đầu tư. Tỷ trọng đầu tư vào Vĩnh Phúc của các nước Châu Âu, Châu Mỹ rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 2-3%. Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí địa lý nước ta xa các nước Âu, Mỹ. Các nhà đầu tư từ Châu Âu, Châu Mỹ rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ: ngân hàng, bảo hiểm, tài chính. Tuy nhiên ở Việt Nam và nhất là ở các địa phương như Vĩnh Phúc lại chưa có tiềm năng để phát triển. Mặt khác, đối với lĩnh vực sản xuất, những nhà đầu tư “cao cấp’ này lại rất quan tâm tới công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Các ngành công nghiệp phụ trợ tại Vĩnh Phúc cũng như ở Việt Nam chưa phát triển nên nhiều dự án, nhất là dự án trong các ngành sản xuất lắp ráp, điện tử (tại Vĩnh Phúc có 2 tập đoàn lắp ráp lớn là Honda, Toyota và một số công ty sản xuất hàng điện tử) không được cung cấp đủ nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện trong nước, phải nhập khẩu nhiều nên giá thành cao, khó có khả năng cạnh tranh làm nản lòng các nhà đầu tư. Ngay cả các dự án chế biến nông sản cũng không đủ nguyên liệu trong nước. Đây là điểm yếu của không riêng gì Vĩnh Phúc mà nó là hạn chế của cả Việt nam.
Nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan không được xử lý dứt điểm đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp.
Kinh tế tri thức và khoa học công nghệ ngày càng trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Nhưng việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề tiếp thu công nghệ, kỹ thuật mới, kỹ năng quản lý, Marketing...Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao của tỉnh
cũng là một vấn đề đáng lo ngại trong việc quản lý các dự án của chủ đầu tư nước ngoài, là những người giàu kinh nghiệm kinh doanh. Nếu không có trình độ và kinh nghiệm quản lý sẽ có những thiệt hại đáng tiếc.
Bất kể một địa phương nào dù đang dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững, dù đang có những cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển cũng không thể không có những thách thức và đứng ngoài cuộc cạnh tranh. Thách thức đặt các địa phương vào tình thế buộc phải “cải thiện tình hình” mạnh mẽ và liên tục, để tránh tụt hậu. Vậy bài học nào sẽ được rút ra từ kinh nghiệm thu hút FDI của Vĩnh Phúc. Chính quyền địa phương này đã có những biện pháp và cải tổ nào để hạn chế những thách thức và đạt được “bước thần kỳ” về tốc độ thu hút FDI trong thời gian qua?