Sài Gòn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có những chuyển biến quan trọng về kinh tế – xã hội và đô thị. Dưới tác động bởi những chính sách của các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn, Sài Gòn phát triển nhanh chóng về kinh tế – xã hội, trở thành thủ phủ của Gia Định Thành, là một “đại đô hội” không đâu sánh bằng. Nơi có các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội,… nhộn nhịp sôi động, một phố thị phồn hoa, người xe tấp nập. Sài Gòn đang chuyển mình mạnh mẽ để đi đến hình thành một đô thị. Hàng loạt các cơ sở, điều
kiện, yếu tố của một đô thị từng bước ra đời. Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm cho xây Lũy Bán Bích bao bọc, bảo vệ cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Đến năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây Thành Gia Định và nâng cấp đơn vị hành chính Sài Gòn một bước cao hơn, từ Gia Định Phủ lên thành Gia Định Kinh. Hàng loạt các phố chợ sầm uất, hàng hóa mua bán tập nập được các chúa Nguyễn cho xây dựng: chợ Bến Thành, chợ Điều Khiển, chợ Tân Kiểng,… cùng cả hệ thống phố chợ từ Sài Gòn ra những vùng lân cận bên ngoài lần lượt hình thành. Cùng với hoạt động thương mại phát triển, thủ công nghiệp được mở mang và Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp của cả miền. Với 22 ty thợ ở Sài Gòn/62 ty thợ trong cả Phủ Gia Định và hàng trăm phường thợ ra đời, Sài Gòn là nơi sản xuất ra nhiều loại hàng hóa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong vùng và bán ra bên ngoài. Có thể nói, đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn bắt đầu mang dang vấp của một đô thị đúng nghĩa, có phố chợ, có thành, có lũy,… Dân cư ngày càng đông đúc hơn.
Dân cư ở Sài Gòn lúc bấy giờ tăng lên rất nhanh, chủ yếu là tăng cơ học. Năm 1819, chính quyền phong kiến nhà Nguyễn thống kê được ở Sài Gòn có đến 60.000 dân/700.000 dân của 5 trấn thuộc Gia Định Thành
- , 1987: 201]. Đáng chú ý là vào thời kỳ này, cùng với người Việt từ các nơi hội tựu về Sài Gòn còn có người Hoa, người châu Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông,… cũng tìm đến nơi đây làm ăn, sinh sống. Xã hội Sài Gòn bắt đầu có sự phức tạp và xuất hiện nhiều loại tệ nạn xã hội khác nhau. Đô thị Sài Gòn hình thành, những chuyển biến về kinh tế – xã hội đã đưa đến sự chia tách, phân tầng các thành phần xã hội khác nhau. Người dân Sài Gòn từ chỗ xuất thân từ nhiều vùng nông thôn xa xôi của đất nước đến sinh sống, lập nghiệp có sự phân biệt thành Người quê (dân nông thôn) – Kẻ chợ (dân thành thị); và tiếp theo là sự phân hóa thành 4 tầng lớp khác nhau: Sĩ, Nông, Công, Thương.
Diện mạo xã hội của một đô thị xuất hiện với các hoạt động làm ăn, sinh sống, trao đổi, giao lưu nhiều mặt khác nhau của các tầng lớp cư dân Sài
Gòn cho thấy đời sống văn hóa, nếp sống của cư dân thành thị bước đầu được xác lập và hình thành, phát triển về sau này. Đáng chú ý là các hoạt động trong đời sống của các tầng lớp Sĩ, Công và Thương. Đây là các thành phần, tầng lớp xã hội hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp. Họ vừa thoát thai từ nền kinh tế nông nghiệp là đại diện tiêu biểu cho những lớp thị dân của Sài Gòn. Lối sống thường niên cùng các hoạt động khác nói chung và nếp sống thường nhật nói riêng của họ là những hình ảnh đầu tiên của nếp sống thị dân Sài Gòn trong buổi đầu lịch sử. Trên cơ sở hoạt động kinh tế – xã hội và các hoạt động sống của cư dân thành thị Sài Gòn trong thời kỳ này, chúng ta có thể nhận xét, đánh giá về nếp sống thị dân.
- Sài Gòn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là thời kỳ đầu tiên hình thành những tầng lớp thị dân. Cùng với quá trình này, nếp sống thị dân Sài Gòn cũng bước đầu định hình. Song, nếp sống thị dân Sài Gòn lúc bấy giờ chưa thể hiện rõ nét, mang tính tiêu biểu với những đặc trưng, đặc thù của cư dân đô thị. Ngược lại, nếp sống của thị dân Sài Gòn trong buổi đầu hình thành còn chịu ảnh hưởng, thậm chí mang nặng cách sống của cư dân nông thôn, còn nhập nhằng, pha trộn cách sống của một cư dân bán thành thị, bán nông thôn. Hoạt động kinh tế - xã hội cùng các hoạt động khác của họ chưa trở thành thói quen hàng ngày mà còn tùy tiện theo cách sống “đụng đâu bạ đó”, cách sống xuề xòa, ăn nói vỗ bả của cư dân nông nghiệp mang đậm chất nông thôn Nam Bộ. Đây là đặc trưng cơ bản của người thị dân và cũng là xuất phát điểm của quá trình hình thành, phát triển của nếp sống thị dân ở Sài Gòn. Càng về sau, yếu tố này càng mất dần do tác động của quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa và giao lưu tiếp biến với bên ngoài.
- Nếp sống thị dân Sài Gòn đã hình thành nhưng chưa ổn định, chưa thể hiện rõ rệt. Các hoạt động kinh tế – xã hội cùng những hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày, thường niên của họ chưa thật bền vững mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau của thời kỳ này. Những tầng lớp
được xem là thị dân Sài Gòn hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, thương mại, hành chính của nhà nước phong kiến và những ngành nghề phi nông nghiệp khác không nhiều, chiếm tỉ lệ không lớn trong xã hội. Nghề nghiệp của họ cũng không ổn định và vững chắc. Do vậy, diện mạo xã hội của đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ tương đối trật tự, nề nếp, mang tính đặc trưng, những nét cơ bản của đô thị Á Đông truyền thống. Mặc dù, Sài Gòn lúc này có sự xuất hiện các tệ nạn xã hội, có sự phức tạp về mặt xã hội nhưng chưa phổ biến, tiêu biểu. Mặt trái xã hội đó chủ yếu là do dân số tăng nhanh, nhà nước phong kiến nhà Nguyễn chưa quản lý chặt chẽ về di dân tự do cùng nhiều lý do xã hội khác tác động.
- Sài Gòn nửa đầu thế kỷ XIX, trong đời sống cư dân đô thị bắt đầu có sự xuất hiện và ít nhiều chịu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa phương Tây. Cách sống và những biểu hiện của lối sống châu Âu dù chưa phổ biến nhưng đã tác động đến xã hội Sài Gòn. Dấu hiệu đó cho thấy, nếp sống của thị dân Sài Gòn sẽ không còn nguyên vẹn mà chuẩn bị chuyển sang một thời kỳ mới.