KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Đề tài "Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế" potx (Trang 162 - 165)

Xã Thủy Dương là một địa bàn trọng điểm về văn hóa cũng như về kinh tế-xã hội của huyện Hương Thủy nói riêng cũng như Thừa Thiên Huế nói chung. Nơi đây vẫn còn bảo lưu được một lượng di sản văn khắc rất lớn tồn tại trong dân gian. Mặc dù đã có nhiều cuộc điền dã và khảo sát nhưng vẫn chưa thu thập được một cách hệ thống các văn khắc Hán Nôm có trên địa bàn. Khảo sát văn khắc Hán Nôm ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho ta thấy tầm quan trọng của việc khẳng định giá trị lịch sử văn hóa.

Thông qua những tư liệu đã được thu thập giúp chúng ta mở rộng thêm tầm hiểu biết khi nghiên cứu và tìm hiểu về đời sống tinh thần, tình cảm của cha ông, thiên nhiên và con người vùng đất Thủy Dương. Với địa bàn khảo sát có nhiều quần thể di tích, hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn là cơ sở nghiên cứu và nhận định những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp. Những di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ấy không những là niềm tự hào của nhân dân bản xã mà còn là nền tảng góp phần xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp. Văn khắc chữ Hán vốn gắn liền với kiến trúc của di tích chính là cái thần trong mỗi di tích đó. Những câu đối hoành phi một mặt cho chúng ta thấy phong cách nghệ thuật xây dựng ngôn từ, một mặt thể hiện rõ tâm tư tình cảm của nhân dân đối với các đối tượng được nói đến. Câu đối tuy chỉ có hai vế

với lượng chữ có hạn nhưng chừng ấy cũng đã đủ để thể hiện những quan điểm một cách đầy đủ và mang một ý nghĩa vô cùng rõ ràng sắc nét. Nó không những thể hiện niềm tôn kính đối với các bậc Thánh Thần, Phật pháp, tiền nhân mà hơn thế nữa còn là niềm tự hào về những thắng cảnh nơi quê hương, làng xóm. Ngoài ra, nó còn thể hiện tiếng lòng của tổ tiên nhắc nhở con cháu hiếu đễ trung tín, tiếp nối truyền thống quý báu của cha ông đã dày công tạo dựng. Có thể nói những câu đối, hoành phi tiêu biểu cho mảng văn khắc Hán Nôm dân gian ở Thủy Dương nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Những bức hoành phi chỉ với vài ba chữ Hán đã chứa đựng và thể hiện đầy đủ được phong tục, tập quán, tín ngưỡng... chứng tỏ phong tục tốt đẹp của người dân xứ Huế. Hầu hết những văn bản này được khắc trên những chất liệu bền vững như gỗ, đá, xi măng... với ước mong truyền đến muôn đời sau nhằm mục đích giáo hóa, khuyến khích hậu thế tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân.

Ngày nay, xã hội đang trên con đường phát triển và đổi mới theo khuynh hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy những nét văn hóa truyền thống ít nhiều bị mai một, trong những nét văn hóa truyền thống ấy có hệ thống văn khắc Hán Nôm. Bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế thì công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn khắc Hán Nôm là vấn đề bức thiết. Cho nên khi nghiên cứu tư liệu Hán Nôm nói chung và văn khắc Hán nôm nói riêng, ngoài việc sưu tầm, bảo lưu còn phải có những biện pháp cụ thể nhằm giữ gìn vốn di sản thiêng quý báu này. Đây không chỉ là trách nhiệm của giới nghiên cứu Hán Nôm mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Điều này sẽ giúp những giá trị truyền thống đó tồn tại bền vững lâu dài trên con đường hội nhập và phát triển

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn

3. Thiều Chửu (2004), Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Đề tài "Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế" potx (Trang 162 - 165)