清清清清清清清
GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN KHẮC CHỮ HÁN TẠI XÃ THỦY DƯƠNG
TẠI XÃ THỦY DƯƠNG
Chữ Hán đã chính thức cáo chung ở Việt Nam ta hơn 60 năm và cho đến tận ngày nay, dường như không mấy người còn biết đến thứ chữ đã gắn liền với cả dân tộc suốt chặng đường ngàn năm lịch sử ấy. Dù sự ra đi của nó là điều chắc chắn phải xảy ra và phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chữ Hán hoàn toàn biến mất mà ngược lại, hình ảnh của nó lại xuất hiện khắp nơi nơi, từ chốn làng quê cho đến nơi đô thị. Ngày nay, chúng ta không còn dùng chữ Hán như một thứ chữ viết chính thức trong tất cả các văn bản khoa học nhưng chữ Hán vẫn là thứ chữ chính thức ở lĩnh vực tâm linh tín ngưỡng thể hiện trên các công trình kiến trúc văn hóa truyền thống. Nếu như ở phương tây, những bức vẽ của các danh họa nổi tiếng là phần không thể thiếu của nghệ thuật kiến trúc tôn giáo thì ở nước ta nói riêng và các nước thuộc vòng văn hóa Trung Hoa
nói chung thì thứ không thể không nhắc tới đó chính là chữ Hán. Và nếu như ở những nơi tôn nghiêm trân trọng mà không có những bức hoành phi, những câu đối chữ Hán hẳn nơi đó đã mất đi vẻ đẹp kiến trúc và cái giá trị tinh thần lớn lao vậy. Bởi chữ Hán là thứ chữ mang hơi thở của truyền thống, mang cốt cách của hồn người, mang thông điệp của cổ nhân từ ngàn xưa vọng tới. Và khi nó đã được trang trí ở những nơi tôn nghiêm thì luôn chứa đựng những giá trị nội dung rất phong phú và đa dạng: Đó là sự thể hiện tình cảm của con người trước phong
cảnh và cuộc sống nơi quê hương thôn xóm, ca tụng công đức của các bậc Thần Thánh, Phật pháp và ca ngợi công ơn của tổ tiên, đặc biệt hơn nữa đó là giáo dục đạo đức, lối sống cho hôm nay và mai sau. Không chỉ vậy, những giá trị của nó còn được thể hiện qua hình thức nghệ thuật như cách sử dụng câu từ, hình ảnh so sánh hay các điển tích điển cố, chứa đựng nhiều thú vị.