Quảng Ninh là tỉnh có mô hình phát triển kinh tế tương đối đa dạng. Tại đây, đang tồn tại nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghiệp khai thác than; du lịch biển đảo; giao thương cửa khẩu. Trong đó, cũng như các địa phương khác chăn nuôi là loại hình kinh tế được người dân áp dụng từ lâu đời.
Những năm qua, do cơ cấu phát triển kinh tế, tình hình dịch bệnh mà ngành chăn nuôi Quảng Ninh có nhiều biến động cả về quy mô đàn cũng như đầu con. Để đánh giá tình hình biến động trong chăn nuôi những năm gần đây, chúng tôi đã tổng hợp các số liệu về chăn nuôi từ Cục Thống kê Quảng Ninh và được tổng hợp trên bảng 3.1. Trong phạm vi đề tài chúng tôi chỉ đề cập đến những loài gia súc móng chẻ.
Bảng 3.1: Biến động chăn nuôi một số loài gia súc móng chẻ tại Quảng Ninh qua các năm 2007 - 2011
Năm Gia súc Đơn vị 2007 2008 2009 2010 2011 Trâu con 66.107 64.123 63.893 63.778 56.617 Bò con 30.220 27.381 26.024 24.934 21.703 Lợn con 357.733 362.357 348.206 354.454 330.832 Dê con 8.173 8.338 8.593 7.378 7.500
Qua bảng 3.1 cho thấy: Số lượng một số đàn gia súc của tỉnh Quảng Ninh giảm dần trong 5 năm từ 2007 -2011.
Nếu như năm 2007 cả tỉnh Quảng Ninh có 96.327 con trâu bò, sang năm 2008 còn 91.504 con, năm 2009 còn 89.917 con, cho đến năm 2011 tổng đàn trâu
bò toàn tỉnh chỉ còn 78.320 con.
Đối với đàn lợn cũng tương tự: Năm 2007 toàn tỉnh có 357.733 con, nhưng sang năm 2009 giảm còn 348.206 con và đến năm 2011 chỉ còn 330.832 con.
Đối với đàn dê có sự tăng, giảm qua các năm, nhưng nhìn chung là không ổn định, năm 2007 toàn tỉnh có 8.173 con, sang năm 2008 tăng lên 8.338 con và đến năm 2011 giảm còn 7.500 con.
Qua các chỉ số trên cho thấy, tình hình chăn nuôi một số loài gia súc ở Quảng Ninh có sự giảm về đầu con. Hiện tượng giảm về đầu con trong chăn nuôi như trên có thể do nhiều nguyên nhân cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan mang lại. Nhưng theo chúng tôi nguyên nhân cơ bản nhất là do: Cơ cấu, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh chưa đều, vẫn ưu tiên phát triển một số ngành truyền thống được thiên nhiên ưu đãi. Sự đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng là một nguyên nhân khi mà diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày một giảm, thêm vào đó phần lớn giới trẻ nếu không đi học chuyên nghiệp thì có xu hướng làm công nhân cho các khu công nghiệp hơn là phát triển kinh tế nông nghiệp.
Do vậy, muốn thúc đẩy kinh tế về nông nghiệp nói chung và phát triển đàn gia súc, gia cầm nói riêng thì tỉnh Quảng Ninh cần phải có định hướng phát triển, chính sách phù hợp hơn nữa để tạo niềm tin để người dân, các nhà đầu tư, các chủ chăn nuôi an tâm phát triển đàn gia súc, gia cầm của mình. Trong đó vai trò của công tác thú y là vô cùng quan trọng, góp phần cho sự thành công trong việc phát triển kinh tế chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh.